4 người dân mất hơn 6 tỷ đồng bởi chiêu nhắn tin để nhận quà miễn phí: Cách nhận biết và phòng tránh 'sập bẫy' trên mạng xã hội
Theo chuyên gia, việc tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi tham gia hoạt động trên mạng xã hội là cách tốt nhất để nhận biết và phòng tránh được những cái bẫy do các đối tượng xấu giăng ra.
Thủ đoạn không mới
Mới đây, thông tin với báo chí, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận trình báo của 4 người dân về việc bị những kẻ giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn để lừa tiền, tổng cộng hơn 6 tỷ đồng.
Những kẻ lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn như Điện Máy Xanh, Lazada, Shopee… Chúng liên tục chạy quảng cáo trên các nền tảng để tìm kiếm nạn nhân với những nội dung rất hấp dẫn như: Gửi tin nhắn để được tặng quà miễn phí, tuyển cộng tác viên đánh giá sản phẩm để kiếm tiền. Điều đáng nói, các đối tượng còn giả mạo công văn của cơ quan quản lý nhà nước về việc chấp thuận tổ chức sự kiện tri ân khách hàng.
Khi có người liên hệ, chúng yêu cầu tải ứng dụng để đưa vào nhóm Telegram. Tại đây, để củng cố niềm tin, 4-5 tên lừa đảo đóng vai thành viên nhóm để tạo dựng kịch bản thực hiện nhiệm vụ, sau đó nhận được tiền gốc và hoa hồng.
Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo đưa thông tin chuyển khoản với tên chủ tài khoản rất khó nhận diện như: "Điện Máy Xanh", "ĐMX", "CTY TNHH TMCP DTPT DIEN MAY XANH"…
Với thủ đoạn, giao nhiệm vụ theo nấc thang, các đối tượng sẵn sàng trả tiền gốc cùng hoa hồng đúng như cam kết để dẫn dụ nạn nhân. Từ những nhiệm vụ cao hơn, có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, chúng bắt đầu đưa ra nhiều yêu cầu hơn. Đến khi nạn nhân hết khả năng huy động vốn, phát hiện mình bị lừa, những kẻ lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Trong số 4 nạn nhân kể trên, chị N.T.H. (36 tuổi, trú huyện Lý Sơn) bị lừa hơn 3 tỷ đồng sau khi tham gia "chương trình gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí" của tài khoản Facebook "Điện máy Xanh cơ sở 1".
Làm thế nào để tránh "bẫy lừa đảo" trên mạng
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts. Ls. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) bảy tỏ quan điểm: Mạo danh sàn thương mại điện tử để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới. Tuy nhiên đến nay vẫn có nhiều người sập bẫy các đối tượng lừa đảo bởi thiếu kiến thức kinh doanh, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng.
Với đặc điểm giao dịch trên không gian mạng là gián tiếp, có thể ẩn danh nên việc đưa ra thông tin gian dối, giả mạo để chiếm đoạt tài sản của người khác khá dễ dàng. Chính vì vậy các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng nhiều, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp... Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng thường là nhóm tội phạm có tổ chức, kịch bản và sử dụng các thuật toán, hình thức quảng cáo, tin rác để tiếp cận rộng, đa dạng "con mồi".
Có thể nói, không phải ai giao tiếp trên không gian mạng cũng đều có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để tránh khỏi những đối tượng lừa đảo. Bởi vậy không ít người khi tham gia đầu tư, tìm kiếm việc làm, giao tiếp quan hệ xã hội trên không gian mạng trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Điều đáng nói là các đối tượng lừa đảo theo nấc thang và lừa đảo đến tận cùng, đến khi nào nạn nhân không thể chuyển tiền được nữa thì bọn chúng hạ màn... Một điều cũng đáng chú ý là việc phát hiện, xử lý các đối tượng này, đòi lại tiền là câu chuyện vô cùng khó khăn khi việc thu thập chứng cứ trên không gian mạng không dễ dàng, các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp và có thể còn ở nước ngoài.
Những nạn nhân trong các vụ án lừa đảo trên không gian mạng thường chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất là nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, thiếu những kiến thức kỹ năng cần thiết để giao tiếp, làm việc trên không gian mạng. Nhóm này khá phổ biến, chủ yếu là những người lớn tuổi. Nhóm thứ hai là nhóm muốn "việc nhẹ lương cao", bị đánh vào lòng tham khi tham gia các trò chơi may rủi hoặc các mối quan hệ mập mờ nhưng vụ lợi...
Thiết nghĩ, khi bị các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, nạn nhân cần bình tĩnh thu thập thông tin, lưu lại các chứng cứ về phương thức thủ đoạn lừa đảo, về các nhóm, tin nhắn, trang thông tin của các đối tượng để trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng cũng cần phải tích cực hơn nữa trong việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền những phương thức thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để cảnh báo cho người dân. Cần phải tăng cường kiểm soát việc sử dụng tài khoản ngân hàng của công dân, tăng cường quản lý thẻ sim điện thoại, loại bỏ hành vi sử dụng sim rác, định danh thông tin mạng xã hội, xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán thông tin, xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, chiếm đoạt thông tin trái phép...