4 thanh niên đánh nữ phụ xe buýt: 'Coi thường nhân phẩm danh dự phụ nữ'
Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc 4 thanh niên đánh nữ phụ xe buýt thể hiện sự coi thường nhân phẩm phụ nữ, có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích.
Vụ nữ phụ xe buýt bị nhóm đàn ông xăm trổ hành hung, đánh đập đến mức phải nhập viện chỉ vì nhắc nhở chuyện giữ trật tự trên xe buýt khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm hành vi của nhóm người này.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết. Hậu quả xảy ra đến đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.
"Đáng lẽ ngày 20/10 là ngày cả xã hội tôn vinh người phụ nữ Việt Nam nhưng đáng tiếc các đối tượng đã có hành vi đi ngược lại những giá trị cao quý của con người, coi thường nhân phẩm danh dự người phụ nữ", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng hành vi của các đối tượng đã thể hiện sự vô giáo dục, côn đồ, hung hãn không những xúc phạm nhân phẩm người phụ nữ mà còn đang tâm hành hung gây thương tích dã man cho nạn nhân.
Xét hành vi của các đối tượng thấy chỉ vì bị nữ nhân viên phụ xe buýt nhắc nhở nói tục, chửi bậy, ứng xử văn hóa nơi công cộng mà bị nhóm này đánh phải nhập viện đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng để có căn cứ xử lý về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015 thì người bị hại cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý các đối tượng theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại.
Chị Đỗ Thúy H. nhân viên phụ xe buýt bị nhóm thanh niên xăm trổ hành hung (Ảnh: TL).
"Kết quả giám định tỷ lệ thương tích của Cơ quan chuyên môn trong tố tụng hình sự càng cao thì đối tượng càng phải chịu hình phạt càng lớn, tương ứng với định khung tăng nặng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của nữ nhân viên dưới 11% thì vẫn có thể khởi tố các đối tượng theo điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và được dư luận xã hội đồng tình", luật sư Thơm phân tích.
Ngoài việc xâm phạm đến sức khỏe của nữ nhân viên, hành vi của các đối tượng còn gây mất an ninh trật tự nơi công cộng, gây hoang mang lo sợ cho những hành khách và gây bức xúc trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các đối tượng còn có dấu hiệu phạm tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
..................................
i) Có tính chất côn đồ;
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.