41 năm- Vẫn mãi khát vọng hòa bình!

Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do luôn thấm nhuần trong tư tưởng, huyết mạch mỗi con người Việt Nam. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, ý chí độc lập, tự do lại được nhân lên gấp bội, tạo nên sức mạnh đưa đất nước, dân tộc vượt qua những thử thách ngặt nghèo nhất, cam go nhất.

Quân và dân ta sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: TL

1. Rạng sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược bên kia biên giới sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân ồ ạt tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam.

Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Quân ta đã giành giật từng ngôi nhà, góc phố, làm thất bại ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh của đối phương. Ở hướng Bát Xát và Mường Khương, bộ đội, công an vũ trang và dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, kiên cường chống lại quân xâm lược.

Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Đến ngày 18/3/1979 về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân địch, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự... buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.

Để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị phá hủy hoàn toàn; có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Xe tăng địch bị quân ta đánh lật nhào. Ảnh: TTXVN

2. Tại Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu khẳng định: Nhân dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm tàn khốc nên Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình nhưng cũng luôn phấn đấu và hành động vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, hòa bình, hạnh phúc luôn là mục tiêu cao cả của nhân loại. Hòa bình chỉ có thể được kiến tạo khi những hoạt động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, đều cùng sẻ chia trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Là một dân tộc vốn có đức tính hiếu hòa, chúng ta luôn mong muốn được sống hòa bình với các dân tộc láng giềng trong khu vực và luôn nỗ lực vun đắp cho hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Chúng ta không hề có ý tưởng gây hấn với bất cứ ai và chủ trương giải quyết các bất đồng tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải trên tinh thần muốn làm bạn của tất cả các nước. Chúng ta chủ trương cùng nhau xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác phát triển vì lợi ích chung trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của mỗi nước.

Chúng ta luôn mong muốn được sống trong hòa bình, phản đối chiến tranh - đó là một sự thật hiển nhiên. Nhưng một khi độc lập chủ quyền của dân tộc bị đe dọa bởi các thế lực từ bên ngoài thì dân tộc Việt Nam nhất định đoàn kết một lòng, với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

3. Hiện nay, bảo vệ hòa bình, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự ổn định chính trị - an ninh xã hội và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Chiến sĩ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời cháu bé từ trong đống đổ nát. Ảnh: TTXVN

Thời gian đã lùi xa, nhưng những bài học quý và tinh thần của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn nguyên giá trị và cần được vận dụng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Để tiếp nối khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước thì điều có ý nghĩa quan trọng hiện nay là chúng ta phải phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Với lòng yêu nước nồng nàn, chúng ta cần biến khát vọng hòa bình thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và triệt để, xây dựng đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, có nền kinh tế tri thức phát triển cao; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cùng tiềm lực quốc phòng hùng mạnh...

Đi cùng dặm dài của lịch sử, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do đã luôn thấm nhuần trong tư tưởng, huyết mạch mỗi con người Việt Nam, được nuôi dưỡng và truyền lại qua bao thế hệ. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng, ý chí độc lập, tự do lại được nhân lên gấp bội, tạo nên sức mạnh đưa đất nước, dân tộc vượt qua những thử thách ngặt nghèo nhất, cam go nhất. Đó cũng chính là sức mạnh trong dòng chảy muôn đời của dân tộc, giữ yên vận nước và sự trường tồn của Tổ quốc Việt Nam.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/41-nam-van-mai-khat-vong-hoa-binh-post73800.html