48/63 tỉnh có việc người dân phải nộp 'phí bôi trơn' khi làm thủ tục hành chính

48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí khi thực hiện TTHC là thông tin đáng chú ý trong Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020, vừa được Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố.

Đáng quan tâm, có 0,59% người dân, tổ chức được khảo sát cho biết đã phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí, hay còn gọi là tiền “bôi trơn”, khi thực hiện dịch vụ công năm 2020.

Cụ thể, 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí (tăng 2 tỉnh so với năm 2019), trong đó tỉnh có số người dân, tổ chức phải nộp nhiều nhất là 2,43%. Có 15/63 tỉnh không bị phản ánh có tình trạng này khi thực hiện dịch vụ công.

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020

Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020

Kết quả khảo sát cũng cho biết, số người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí đã giảm dần qua các năm, từ 1,85% xuống 0,47% kể từ năm 2017 - 2019, tuy nhiên tăng trở lại vào năm 2020, từ 0,475 lên 0,59%.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá việc cơ quan thực hiện viết giấy hẹn trả kết quả dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Kết quả khảo sát cho thấy, các cơ quan viết giấy hẹn trả kết quả dịch vụ công ở 63 tỉnh không được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ như quy định.

Tỉnh thực hiện tốt nhất quy định về việc viết giấy hẹn trả kết quả dịch vụ đạt tỷ lệ 99,38%, tuy nhiên có 56/63 tỉnh để xảy ra tình trạng có người dân, tổ chức không được nhận giấy hẹn trả kết quả dịch vụ công theo quy định và cả 63/63 tỉnh đều có tình trạng công chức hẹn miệng thay vì viết giấy hẹn trả kết quả.

Năm 2020, 93,56% dịch vụ công được trả kết quả đúng hẹn, 2,43% sớm hơn hẹn và 4,09% trễ hẹn. Tỷ lệ đúng hẹn của 63 tỉnh nằm trong khoảng 85,98% - 98,75%, sớm hẹn là 0,21% - 6,69%. Tuy nhiên, có đến 62/63 tỉnh để xảy ra tình trạng trễ hẹn, trong đó có tỉnh trễ hẹn lên đến 10,79%.

Mặc dù số bị trả kết quả dịch vụ công trễ hẹn không nhiều nhưng năm 2020, có 62/63 tỉnh để xảy ra tình trạng bị trễ hẹn trả kết quả và các cơ quan cũng không thực hiện tốt việc thông báo cho NDTC về việc trễ hẹn trả kết quả như quy định của Chính phủ.

Việc thông báo cho người dân, tổ chức về việc trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công trong giai đoạn 2017 - 2020 không được thực hiện tốt và sự cải thiện còn chậm, chỉ từ 32.77% vào năm 2017 lên 42,63 % vào năm 2019 và đến năm 2020 thì lại giảm xuống 41,36%.

Trong số bị trễ hẹn, chỉ có 40,94% nhận được xin lỗi của cơ quan về việc trễ hẹn trả kết quả. Chỉ có 1 tỉnh đã thực hiện xin lỗi đối với tất cả người dân, tổ chức bị trễ hẹn và 1 tỉnh không thực hiện xin lỗi đến bất kỳ người dân bị trễ hẹn nào.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên đo lường cảm nhận của người dân, tổ chức về tính phù hợp của các hình thức niêm yết công khai, hướng dẫn quy định TTHC. Qua đó cho thấy, người dân đánh giá hình thức công chức trực tiếp hướng dẫn quy định TTHC là phù hợp nhất, tiếp đến là niêm yết TTHC trên giấy tại Bộ phận Một cửa, niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và cuối cùng là niêm yết trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/4863-tinh-co-viec-nguo-i-dan-phai-nop-phi-boi-tron-khi-la-m-thu-tu-c-ha-nh-chi-nh-245724.html