5 gương mặt văn chương làng Mai Xá

Với nhiều người dân Quảng Trị, làng Mai Xá là một địa danh quen thuộc, một trong 65 ngôi làng cổ thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hóa xưa, nay thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng, làng Mai Xá, trong tập sách này mang nghĩa rộng hơn là các làng thuộc xã Gio Mai cũng là vùng đất sinh nhiều anh tài văn nghệ. Về học vấn, ngoài các dòng họ, các gia đình hiếu học nổi tiếng của đất Quảng Trị trong 3 họ Trương, Lê, Bùi, làng còn có các Giáo sư - Tiến sĩ như Giáo sư Bùi Thế Vĩnh, các phó giáo sư: Bùi Trọng Ngoãn, Bùi Mạnh Hùng, các tiến sĩ: Bùi Minh Tâm, Bùi Minh Thành...

Bìa tập sách “5 gương mặt văn chương làng Mai Xá”

Bìa tập sách “5 gương mặt văn chương làng Mai Xá”

Về văn chương, con cháu nội ngoại của làng Mai, của xã Gio Mai có nhiều người thành danh trên văn đàn. Mới đây, nhà báo - nhà văn Triệu Phong đã biên soạn cuốn “5 gương mặt văn chương làng Mai Xá” - NXB Văn học, cung cấp cho bạn đọc rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của 5 nhà văn Việt Nam hiện đại của làng Mai. Đó là các nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, Trương Quang Đệ, Tạ Nghi Lễ, Châu La Việt và Bùi Phan Thảo.

Trước hết là nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, có quê ngoại là làng Mai Xá. Ông sinh năm 1921 và mất vào năm 1990, thuộc lớp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên, năm 1957. Các tác phẩm chính: Trận Thanh Hương (truyện ký, 1952); Hẹn hò (truyện ngắn, 1955); Đất chuyển (tiểu thuyết, 1955); Phá kho bom Tân Sơn Nhất (truyện, 1956); Bản án tử hình (tiểu thuyết, 1958); Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ (2022). Cùng với nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông đoạt giải nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952 cho truyện ký Trận Thanh Hương.

Theo kỷ yếu “Tổng tập nhà văn quân đội”: “Đọc Nguyễn Khắc Thứ, người đọc cảm nhận được một gương mặt văn học tài hoa, kiến thức rộng mở, một giọng văn cá tính riêng đậm nét rất sắc sảo và thời đại. Có thể nói, mỗi tác phẩm của Nguyễn Khắc Thứ đều để lại dấu ấn lịch sử trong lòng bạn đọc và trong nền văn chương nước nhà” (Triệu Phong).

Những dòng hồi ức của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong tập sách về Nguyễn Khắc Thứ cho bạn đọc rõ hơn về chân dung một con người tài hoa, đức độ, thương ông phải gánh chịu những tai ương giáng xuống cuộc đời sau vinh quang của văn đàn.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh với niềm kính phục những văn tài đi trước, xem nhà văn Nguyễn Khắc Thứ như là người thầy đầu tiên dìu dắt ông trong bước đầu viết văn, xem nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, nhà thơ Hải Bằng (Văn Tôn) và họa sĩ Trần Quốc Tiến là “3 ông đầu rau” của văn nghệ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Ba Lòng.

Tác phẩm được trích trong tập sách này của Nguyễn Khắc Thứ cho thấy những hiểm nguy của những nhà văn - nhà báo - chiến sĩ, phải xông pha ra trận, cùng tham gia chiến đấu hào hùng với Vệ quốc quân, sống cùng nhân dân vùng lửa đạn mới có Trận Thanh Hương để đời với những trang viết tuyệt hay về một trận chiến làm nức lòng chiến sĩ, đồng bào; mới hiểu các ông đã thoát khỏi những làn đạn của giặc thù khi cải trang làm người đốn củi, đi qua lô cốt của giặc trên quốc lộ để đem báo vừa in xong về với đồng bằng, thành phố...

Thứ hai là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Trương Quang Đệ, là con trai của ông Trương Quang Phiên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Quảng Trị những năm chống Pháp. Ông sinh năm 1935, từng là chuyên gia giáo dục ở châu Phi, nguyên chủ nhiệm khoa ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế. Ông sáng tác 6 tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, dịch và viết 6 tác phẩm sách triết học, kinh tế xã hội.

Nhà văn Triệu Phong đánh giá Trương Quang Đệ là một nhà giáo uyên bác, một tư duy văn chương mới mẻ, một cây bút đa dạng và cá tính. Còn với nhà thơ Bùi Phan Thảo, những trang văn của Trương Quang Đệ là những trang văn đẹp, đầy ắp nghĩa tình.

Điển hình như tập truyện “Tiểu thư khuê các thời loạn lạc”, trong đó truyện làm tựa đề cho tập truyện, kể về những phận đời của những tiểu thư, con nhà khá giả, có học thức, do những đẩy đưa của thời cuộc mà có số phận long đong, đầy rẫy nhọc nhằn. Song hầu hết đều đã vượt lên, bằng ý chí, tài năng và nghị lực cùng sự may mắn, để kể lại những câu chuyện đẹp của đời mình qua từng trang sách.

Tác giả, với tâm thế của người trong cuộc, kể với giọng ưu ái, viết với sự chân thành, tràn đầy yêu thương. Qua những trang viết, từng giai đoạn lịch sử của quê hương, đất nước, nhiều vùng miền được tái hiện. Tâm và tình của tác giả cứ ngồn ngộn sau những câu chữ, bởi đó cũng là phần đời ông đã trải, nhất là những tháng ngày hoa niên tươi đẹp và tuổi trưởng thành cống hiến cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Nhà văn thứ ba trong tập sách là Tạ Nghi Lễ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1951, mất năm 2008. Những tác phẩm chính: Yêu một người làm thơ (truyện dài), Nàng hải sư và tôi (tập truyện), Những mảnh đời khác nhau (tập truyện), Những khoảng trời trong sáng (tập thơ), Đi qua lời nguyền, Ngày về (kịch bản phim), Quê mình (tập thơ)...Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn tham gia đóng phim với gần 20 vai diễn...

Trong đời thường, nhà thơ Tạ Nghi Lễ sống hiền lành, chan hòa, hết lòng yêu quê hương Quảng Trị, ông được mọi người quý mến. Ông là một trong những người chủ biên tập san “Tình quê” tập hợp tác phẩm của những người con Quảng Trị xa xứ, xuất bản vào dịp cuối năm như một món quà xuân đầy ý nghĩa tặng nhau. Văn của Tạ Nghi Lễ nhẹ nhàng, đằm thắm; còn thơ của Tạ Nghi Lễ mộc mạc, chân thành như tính cách của ông. Ông yêu quê da diết:

“Có nơi mô như ở quê mình/ nghĩa trang trắng mỗi triền cát trắng/ hạt lúa củ khoai giữa mùa Nam nắng/ bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng”...

Người Quảng Trị xa xứ vẫn nhớ những câu thơ của ông được Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc: “Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi” hay “Cơn bão tan rồi cây bí lại vàng bông”, đem lại những cảm xúc bồi hồi một thời tuổi trẻ và nỗi lòng đau đáu thương quê mỗi mùa bão lụt...

Nhà văn thứ tư là Châu La Việt, sinh năm 1952, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là con trai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân nổi tiếng với bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Ông nhập ngũ năm 1969, viết báo, viết văn, làm thơ với nhiều bút danh.

Sau năm 1975 ông theo học Đại học Sư phạm Hà Nội và chuyên tâm viết văn, làm báo. Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm thơ, truyện ngắn, kịch, ký sự chân dung..., được tặng nhiều giải thưởng văn chương danh giá của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Là một nhà văn viết khỏe, viết đều, tư duy sắc sảo song cũng đầy nghĩa tình yêu thương trên từng trang viết, văn cũng như đời ông, đầy chất trữ tình mà vẫn rất quyết liệt, rạch ròi. Đặc biệt, văn ông ngồn ngộn tư liệu, được viết một cách hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Nói như nhà văn Đỗ Chu, đó là nết thư hương, nghề văn chọn ông như một tất yếu: “Châu La Việt đúng là con nhà nòi. Đã mang trong mình nết thư hương thì không thể khác được... Hãy viết như mẹ anh đã từng hát. Ngậm từng chữ, nhả từng câu, đau như lòng tằm và quý phái như tấm lụa tơ tằm. Say mê tột cùng và thương nhớ cũng tột cùng”...

Bên cạnh tính hào hiệp, Châu La Việt còn là người nặng nghĩa ân tình. Ông dành tình cảm cho gia đình, đồng đội, cho những bạn bè ấu thơ... qua gom nhặt những trang viết, biên soạn tác phẩm cho bạn bè, đồng đội, điển hình như làm tuyển tập nhà văn Nguyễn Khắc Thứ, người cậu kính yêu của ông. Theo nhà văn Trần Hoàng Thiên Kim: “Với Châu La Việt, viết văn, làm thơ chỉ là cái cớ để làm việc thiện, để như trả nghĩa cuộc đời đã cưu mang và bao bọc anh, trả nghĩa đấng sinh thành cùng tiếng hát mẹ anh đã nuôi nấng tuổi thơ nhọc nhằn qua nhiều giông bão để anh có ngày hôm nay thảnh thơi, ung dung, tự tại”...

Nhà văn thứ năm trong tập sách là Bùi Phan Thảo, sinh năm 1963, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, ông đã xuất bản gần 10 đầu sách gồm thơ, tập truyện ngắn, bút ký, phê bình văn chương, nhận giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2022 và Giải Mai vàng lần thứ 28 của báo Người Lao Động về văn học nghệ thuật cho trường ca “Những ngọn khói về trời”.

Xa quê hàng chục năm song Bùi Phan Thảo luôn nặng lòng với quê nhà Quảng Trị, luôn giữ cốt cách của một người con Quảng Trị: chân thành, hết lòng, luôn nhận về bao dung làm lẽ sống. Thơ Bùi Phan Thảo là những nhận thức về đời sống, trầm tư ẩn hiện giữa những con chữ. Theo nhà thơ - nhà phê bình Nhật Chiêu: “Bùi Phan Thảo đã hướng tìm một thứ chân chất của thơ. Là bao dung. Thơ bao dung nên thơ là tiếng nói của tương thôi. Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo như một con ong thôi thúc những bông hoa, những phù dung đời”.

Còn với nhà báo - nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình: “Bùi Phan Thảo lặng lẽ chọn cho mình một khoảng lặng, không phải để nhìn ngắm đời sống, mà để âm thầm viết những dòng thơ nghiệm sinh trữ tình như một hành động tĩnh lọc tâm hồn mình; tự giải phóng mình khỏi những thói quen, những cám cảnh của cuộc ngày, để tự trả lời cho mình nhiều câu hỏi riết róng được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trữ tình rất riêng”...

Nguyễn Hoàng Hoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/5-guong-mat-van-chuong-lang-mai-xa-188716.htm