5 mẹo để bạn nhanh chóng lấp đầy quỹ dự phòng của mình

Bạn có thể chuẩn bị một khoản tiền để đề phòng bất trắc với 5 mẹo nhỏ sau.

Bạn có thể chuẩn bị một khoản tiền để đề phòng bất trắc với 5 mẹo nhỏ sau.

 Đồ họa: Mỷ Thi.

Đồ họa: Mỷ Thi.

Phần đông chúng ta có thể tiết kiệm để đổi một chiếc laptop, mua một chiếc xe mới hay đi du lịch châu Âu như ao ước. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ đến việc để dành tiền cho điều mình chưa biết rõ: những tình huống bất ngờ không may xảy đến, như thất nghiệp, ốm đau.

Theo một nghiên cứu năm 2019, khoảng 69% người Mỹ có ít hơn 1.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, khiến họ bị động trong các tình huống tài chính bất ngờ như tai nạn, hư hỏng xe cộ.

Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp tương tự và muốn thay đổi nó, bài viết sau sẽ cho bạn một vài gợi ý để xây dựng quỹ dự phòng.

Mở tài khoản dành riêng cho lúc khẩn cấp

Nói đến tiết kiệm nghĩa là bạn điều chỉnh suy nghĩ sao cho "giữ tiền" trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy, trước khi tiêu xài cho việc gì, bạn sẽ buộc bản thân cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Tạo một tài khoản chỉ dành cho quỹ dự phòng là cách bạn có thể chủ động không đụng đến số tiền tiết kiệm, thay vì để lẫn nó với tài khoản nhận lương và chi trả chung.

Lập kế hoạch tiết kiệm

Một khi đã có tài khoản khẩn cấp, việc tiếp theo là bạn lên chiến lược cho mình. Chiến lược này bao gồm phân bổ ngân sách và chọn một tỷ lệ tiết kiệm nhất định.

Theo phương pháp lập ngân sách với số 0, bạn có thể gom các khoản chi lặt vặt lại và phân loại chúng vào các đầu mục lớn, như tiền trả nợ, chi phí đi lại, chi phí ăn uống hàng ngày, chi phí mua sắm,... Tất nhiên, tiền khẩn cấp là một trong số đó.

Bằng cách ước lượng trước ngân sách cho từng mục, bạn sẽ biết được mình có bao nhiêu tiền có thể cất vào tiết kiệm.

Người sở hữu hai nguồn thu trở lên và không có quá nhiều nhu cầu có thể chọn cách chỉ xài một thu nhập, phần còn lại sẽ để dành.

Bắt đầu với những gì bạn có dù ít

Sau khi trừ hết chi phí thiết yếu, nhiều người thực tế còn rất ít tiền để tiết kiệm. Nhưng thà có còn hơn không! Bạn hoàn toàn có thể đặt nền cho quỹ của mình với chỉ 1-2 triệu đồng/tháng hoặc thậm chí ít hơn.

Nỗ lực tiết kiệm dù thu nhập không cao không chỉ tạo tiền đề để bạn dành dụm nhiều hơn sau này, mà còn giúp tiền "mồ hôi nước mắt" bạn kiếm được không rơi vào lãng phí.

Khởi đầu có thể chậm rãi, nhưng dần dần khi quỹ đầy lên và bạn có tiền trang trải trong hoàn cảnh gấp gáp, nỗ lực đó sẽ được đền đáp phần nào.

Đều đặn tích lũy hàng tháng

Hình thành thói quen tiết kiệm là điều quan trọng nhất trong giai đoạn đầu xây dựng quỹ. Nhiều người kiếm được rất nhiều tiền nhưng vẫn luôn túng thiếu vì lạm phát lối sống. Lý do là họ không có thói quen tích lũy một cách kỷ luật.

Để gom góp ít nhất 3-6 tháng lương phòng trường hợp xấu, bạn sẽ cần kiên định với quyết định này và đảm bảo thực hiện nó thường xuyên.

Ngay cả khi thu nhập tăng, điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến là tăng tỷ lệ tiết kiệm, không phải mua thêm quần áo, túi xách.

Hiểu bản thân đang dự phòng cho việc gì

Như đã đề cập, việc tiết kiệm mà không rõ mục tiêu có thể gây nản chí, vì vậy cách tốt nhất là bạn ghi xuống một số lợi ích mà quỹ khẩn cấp mang lại cho bản thân, ví dụ:

Nếu có tiền phòng hờ, bạn sẽ yên tâm hơn nếu bất ngờ mất thu nhập, hoặc chủ động nghỉ làm một thời gian để thư giãn.
Quỹ khẩn cấp có thể hạn chế việc bạn gánh thêm nợ. Giả sử điện thoại hỏng, bạn không cần hỏi mượn ai mà vẫn có tiền tự mua điện thoại mới hoặc sửa máy.
Nếu gia đình cần, như trường hợp thanh toán tiền chữa bệnh, bạn biết mình có đủ khả năng hỗ trợ.
Tiết kiệm cho loại quỹ cơ bản này là hình thức thực tập để bạn tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính lớn hơn.

Thiên Hân

Đồ họa: Mỷ ThiTheo Clevergirlfiance

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/5-meo-de-ban-nhanh-chong-lap-day-quy-du-phong-cua-minh-post1297863.html