5 mùa âm nhạc của... 'Gió mùa'

Mùa âm nhạc thứ 5 của… 'Gió mùa' - Monsoon Music Festival vừa 'thổi' tới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vào đúng những ngày mưa và lạnh. Thế mà, hàng chục nghìn khán giả vẫn 'bùng cháy' trong biết bao hứng khởi…

Monsoon Music Festival đã đem đến một lễ hội âm nhạc chuẩn quốc tế suốt 5 mùa qua. Ảnh: MMF.

Monsoon Music Festival đã đem đến một lễ hội âm nhạc chuẩn quốc tế suốt 5 mùa qua. Ảnh: MMF.

Vừa về đã… nhớ!

Monsoon mùa 5 trở lại với biết bao… lợi hại từ một chủ đề rất gợi mở “By You – For You” đến sự chăm chút một không gian âm nhạc đầy tươi trẻ; từ việc mở một Monsoon Street Show ở hồ Gươm đến tạo cơ hội cho những ai yêu ca hát được hát cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu Jam with Pro.

Ừ thì “hoàng tử indie” Vũ. x Skylines Beyond Our Reach, Tiên Tiên, Vinh Khuất, Lũ.Tre.Châu, Xinh Xô… sẽ “phiêu”. Ừ thì Kodaline – nhóm nhạc số 1 của Ireland, nghệ sĩ solo bốc lửa Mariyah của Đan Mạch, nghệ sĩ tài năng Phum Viphurit của Thái Lan, những nhóm nhạc tươi trẻ của Hàn Quốc: Adoy và Hyukoh… sẽ “đốt cháy” sàn diễn.

Nhưng, ngay đêm đầu tiên rồi sang đêm thứ hai, mưa cứ dầm dề cả ngày, gió mùa đông bắc cứ hun hút thổi. Rồi không có miễn phí mà phải mua vé vài trăm mới được check in…

Thế nên lo ngại lắm chứ. Làm sao để kéo được khán giả bỏ qua muôn cái ngại để đến với “Gió mùa” đây? Làm sao để kéo khán giả rời chăn ấm, cầm ô, mặc áo mưa ra đứng giữa trời mưa mấy giờ đồng hồ chỉ để nghe, để nhún nhảy? Thôi thì đành mong ngóng.

Sáng mưa thì mong chiều tạnh. Chiều vẫn mưa thì mong tối tạnh. Nhập nhoạng không ngớt mưa mong đến giờ khai hội tạnh… Nhưng không, trời chưa giây phút nào tạnh, vẫn mưa giăng mắc, vẫn gió lạnh hun hút…

Đúng là có “lo bò trắng răng không” khi nhìn kìa, chẳng phải là 16 giờ 30 phút như lịch đã “hẹn hò” mà từ 15 giờ “cổng” Monsoon đã bắt đầu có “khách”.

Đã thế, vì cứ ngóng… trời bớt mưa nên việc dựng cổng check in có phần chậm trễ, thế nên đã có “khách” tỏ ý “dỗi”, rằng: “Đã hẹn 16 giờ 30 phút check in mà 17 giờ rồi Monsoon vẫn còn lùng tùng…”. Rồi, ở cổng cũng có ối người rao bán vé, khiến có “khách” “cằn nhằn”: “Chẳng khác gì bóng đá…”.

Thế là, mặc mưa ướt áo, mặc gió bay tóc, cả Hoàng thành Thăng Long vẫn nghìn nghịt khán giả. Mưa ư? Thì mặc áo mưa mà hát, ngại gì! Lạnh ư? Khoác thêm chiếc áo ấm! Mà càng mưa, càng lạnh thì càng… lãng mạn chứ sao?

Lãng mạn vì đâu phải lúc nào cũng được hát dưới mưa? Lãng mạn vì dường như người người xích lại gần nhau hơn để mà phiêu, mà tỏa lan những tình yêu âm nhạc không biên giới…

Vậy nên, nghe Vũ rồi Tiên Tiên, Vinh Khuất, Xinh Xô… hay nghe những Mariyah, Kodaline, Adoy, Hyukoh… vừa đu đưa vừa “bốc cháy”, hàng chục nghìn khán giả cứ thế là hát, cứ thế say sưa, kết nối thành bạn bè, thành tình yêu, thành những tâm hồn bay bổng theo mưa, theo gió.

Để rồi: “Vừa mới về đã thấy nhớ mất rồi”; “Ước gì bây giờ vẫn đang được đứng dưới mưa để hát tiếp”; “Không uổng đứng dưới mưa…”; “Âm thanh hay quá. Đẹp quá”; “Mưa không lối về”… Tất nhiên, vẫn có kẻ ngại ngùng để rồi tiếc hùi hụi: “Chi chi Chành chành ôi Vũ của em – trùm chăn ôm mặt khóc - năm sau em nhất định phải đi…”.

Bởi những… tình yêu

Đến giờ, nhạc sĩ Quốc Trung – người sáng lập và tổng đạo diễn Monsoon vẫn nhớ những giây phút ban đầu để làm nên một chương trình đã đi qua những 5 mùa như hôm nay.

Ấy là, ước mơ được nhen nhóm về một festival âm nhạc quốc tế ngay tại quê nhà, ngay khi anh cùng những người bạn có hai tuần trải nghiệm và tham gia vào quá trình xây dựng một festival âm nhạc tại Đan Mạch.

Vì sao ư, vì anh cũng như các nghệ sĩ đã từng nghĩ cần làm gì đó để tạo cơ hội cho âm nhạc Việt Nam chạm đến văn hóa âm nhạc thế giới.

Nhưng, ước mơ luôn đến rất nhanh còn chặng đường để thực hiện phải mất đến 10 năm mới có một Monsoon Music Festival – một lễ hội chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam – bắt đầu từ năm 2014.

Có một điều lạ kỳ, với chuẩn quốc tế ấy, việc mang lại màu sắc đầy tươi mới cho đời sống âm nhạc Việt qua 5 mùa như thế nhưng Monsoon lại được xây dựng từ sự mày mò thậm chí là mù mờ trong nguyên tắc không hề đơn giản: Theo chuẩn của thế giới mà không đi ngoài văn hóa đương đại tại Việt Nam!

Đã thế, đi qua 5 mùa, Monsoon không hề bị giảm nhiệt, không hề bị “mỏi gối”, trái lại dường như ngày càng quyến rũ hơn. Mà cái sự quyến rũ này khá… nghịch lý.

Ba mùa đầu, Monsoon thường có sự hiện diện của những ngôi sao, từ trong nước như Thanh Lam, Trần Thu Hà, nhóm Nguồn cội, Năm dòng kẻ, Ngũ cung, Uyên Linh, Hoàng Thùy Linh, Tùng Dương, Mỹ Linh… cùng những tên tuổi thế giới như: Danh ca Joss Stone, huyền thoại nhạc rock Scorpions, Last Train, SaveUs, nhóm nhạc nổi tiếng Bond (Anh).

Thế nhưng, hai mùa gần đây, Monsoon gần như vắng những nghệ sĩ đã thành danh mà thường là nơi tụ hội của các nghệ sĩ mới, thậm chí có nghệ sĩ còn rất “lạ” với công chúng. Vậy mà, Monsoon vẫn rất đủ sức kéo hàng trăm nghìn khán giả đến Hoàng thành Thăng Long để cùng cháy với hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Khán giả của Monsoon luôn “ga lăng” khi không chỉ nhiệt tình “cháy” cùng ca sĩ mà còn vô cùng cởi mở. Như nhạc sĩ Quốc Trung kể, anh đã từng chứng kiến dự án “Bản nguyên” của Hà Trần biểu diễn ở Monsoon rất thành công, được khán giả cuồng nhiệt đón nhận và mua album ngay lập tức.

Nhưng ở không gian khác, vẫn dự án âm nhạc đó, khán giả lại không đón nhận như thế. Theo anh, không gian của lễ hội, không gian của Monsoon cùng thói quen (giữ chân khán giả đến phút cuối) của ban tổ chức đã tạo ra điều đó.

Chúng tôi đã tạo ra được một cộng đồng, một hệ sinh thái kết hợp giữa nhà tổ chức, các bên cung cấp, các nhà đạo diễn, bổ trợ cho nhau, cùng nhau học tập, nhờ sự trợ giúp của các nhà cung cấp các hãng thiết bị nổi tiếng nhất trên thế giới. Chính vì vậy, Monsoon đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt, đến năm nay có những tiến bộ vượt bậc về chất lượng âm thanh, ánh sáng, chất lượng tổ chức, cũng như sự chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/5-mua-am-nhac-cua-gio-mua-4048118-b.html