5 thay đổi lớn trong tuyển sinh của Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức công bố phương án tuyển sinh bậc đại học chính quy năm 2025. So với năm trước, trường có 5 thay đổi lớn trong xét tuyển.

 Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức

Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức

Thứ nhất, trường sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức chính: xét tuyển thẳng với 10% chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên với 10-20% chỉ tiêu; xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với 40-50% chỉ tiêu.

Phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 20-40% chỉ tiêu dành cho các ngành có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, hoặc chiếm 70-80% chỉ tiêu cho những ngành không sử dụng điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Năm 2025, trường sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ) như những năm trước, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, ở phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức. Cụ thể, năm 2025 là năm thứ 4 trường tổ chức kỳ thi này với quy mô tăng và có một số điều chỉnh về nội dung bài thi để phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.

 Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bên cạnh tổ chức tại cơ sở chính của trường ở TP. Hồ Chí Minh, kỳ thi sẽ được mở rộng tổ chức tại Trường đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác tại TP. Hồ Chí Minh đang dự kiến ký kết dùng chung kết quả. Ngoài ra, kết quả thi còn tiếp tục được sử dụng trong xét tuyển ở một số trường đào tạo sư phạm trên cả nước. Bên cạnh đó, số đợt thi cũng dự kiến tăng lên ở một số địa phương có đặt điểm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh.

Ngoài ra, trường sẽ bỏ phương thức xét kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm học bạ. Thay vào đó là sử dụng xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học.

Kỳ thi được tổ chức với 6 bài thi, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Để xét tuyển, thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành. Điểm xét tuyển gồm một môn chính nhân hệ số 2 cộng với điểm môn còn lại trong tổ hợp.

Thứ ba, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong đó, loại bỏ các tổ hợp có bài thi không còn phù hợp như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… Thay vào đó sẽ thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thứ tư, dự kiến tuyển sinh 8 ngành đại học tại phân hiệu tỉnh Long An gồm: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh, Sư phạm toán học, Sư phạm ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Lịch sử - địa lý và một ngành cao đẳng là Giáo dục mầm non. Trong đó, có 2 ngành mới so với năm 2024 là Giáo dục quốc phòng - an ninh, Sư phạm Lịch sử - Địa lý.

Phân hiệu tại tỉnh Gia Lai dự kiến tuyển sinh 3 ngành đại học là Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm khoa học tự nhiên và một ngành cao đẳng là Giáo dục.

Thứ năm, trong đối tượng ưu tiên xét tuyển, trường sẽ bổ sung đối tượng cho học sinh tất cả các lớp của Trường trung học trực thuộc Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Riêng ngành Giáo dục quốc phòng - an ninh, trường sẽ bổ sung kỳ thi năng khiếu về Giáo dục quốc phòng - an ninh. Tổ hợp xét tuyển sẽ gồm một môn thi văn hóa được lấy từ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 và 2 môn năng khiếu.

Nhật Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/5-thay-doi-lon-trong-tuyen-sinh-cua-truong-dai-hoc-su-pham-tp-ho-chi-minh-post395436.html