'5 tự', '5 cùng' của nông dân Thuận Châu

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhiều hội viên nông dân tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, giúp nông dân đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, xây dựng tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh.

Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: Hằng năm, Hội tập trung chỉ đạo các cơ sở tích cực tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của kinh tế tập thể và giao chỉ tiêu thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp cho cơ sở. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh; tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả.

Mô hình nuôi gà đen của Chi hội nông dân nghề nghiệp và HTX Nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ.

Mô hình nuôi gà đen của Chi hội nông dân nghề nghiệp và HTX Nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ.

Đến nay, toàn huyện đã thành lập 7 chi hội nông dân nghề nghiệp, 22 tổ hội nông dân nghề nghiệp, đa lĩnh vực sản xuất, như: Nuôi trồng thủy sản, trồng bí đao, chăn nuôi bò, lợn... Mỗi chi hội, tổ hội nghề nghiệp có từ 5 đến 20 thành viên, thành lập theo tiêu chí các thành viên “5 tự”, “5 cùng”, gồm “tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và “cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ”. Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Bước đầu hình thành cho hội viên tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Sau khi tham gia, nhiều thành viên còn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT huyện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Trong quá trình hoạt động, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng so với trước khi thành lập, mỗi chi hội, tổ hội có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên/năm.

Tháng 4/2021, Chi hội Nông dân nghề nghiệp và HTX Nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ được thành lập. Đây là mô hình điểm, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La. Anh Lầu A Nâu, Giám đốc Chi hội, cho biết: Chi hội có 7 thành viên, chuyên chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả. Chi hội cũng đã được hỗ trợ vay trên 120 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất. Hiện, chi hội có hơn 3 ha cây ăn quả các loại, 100 con lợn và hơn 2.000 con gà. Cuối năm vừa rồi, doanh thu của chi hội đạt 200 triệu đồng.

Chị Lầu Thị Mua, thành viên Chi hội, chia sẻ: Mỗi tháng, tôi và các thành viên đều cùng nhau tổ chức sinh hoạt định kỳ cùng bàn kế hoạch sản xuất; chủ yếu tập trung vào cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.

Trước năm 2021, ông Mè Văn Quân, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha có đất vườn trồng cây ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, đầu năm 2022, ông quyết định ký tham gia Tổ hội nghề nghiệp trồng thanh long của bản, cải tạo đất để trồng 250 cây thanh long. Tham gia sinh hoạt tổ, ông và các hội viên được hỗ trợ vốn đầu tư chăm sóc cây trồng, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng cây thanh long, nhờ đó vườn thanh long phát triển tốt.

Ông Quàng Văn Thoan, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng cây thanh long bản Heo Trại, Chiềng Pha, cho biết: Tổ hội nghề nghiệp của bản có 13 thành viên với 2,3 ha thanh long và trồng xen canh một số loại cây màu để lấy ngắn nuôi dài. Khi chưa thành lập, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư và kinh nghiệm phát triển sản xuất; sau khi được vận động tham gia thành lập, các thành viên được quan tâm, hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân; các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Hiện, các diện tích thanh long của tổ phát triển tốt, dự kiến năm nay sẽ bói quả.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại Hội Nông dân huyện Thuận Châu bước đầu đã làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động trong cán bộ hội viên nông dân, thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Hội Nông dân huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập thêm các chi, tổ hội nghề nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2022, tất cả 29/29 Hội Nông dân cấp xã đều thành lập ít nhất 1 chi, tổ hội nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội ở cơ sở, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/5-tu-5-cung-cua-nong-dan-thuan-chau-49134