5 vấn đề quốc tế đáng mong chờ trong năm 2021

Năm 2020 đã để lại nhiều câu chuyện thời sự lớn và những câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn vào năm 2021. Một trong số đó chắc chắn sẽ gây bất ngờ.

Một số vấn đề cần theo dõi chặt chẽ vào năm 2021 bởi nó có thể trở thành sự kiện tin tức nổi bật của năm. (Nguồn: CBS)

Một số vấn đề cần theo dõi chặt chẽ vào năm 2021 bởi nó có thể trở thành sự kiện tin tức nổi bật của năm. (Nguồn: CBS)

Dưới đây là 5 vấn đề cần theo dõi chặt chẽ vào năm 2021 bởi bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể trở thành sự kiện tin tức nổi bật của năm. Chúng ta sẽ biết trong vòng 12 tháng tới, điều gì sẽ trở thành “bom tấn” và điều gì sẽ là “bom xịt”.

Đại dịch Covid-19 tiếp diễn

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới trong năm 2020. Kết thúc năm, số người thiệt mạng trên toàn thế giới đã lên tới 1,7 triệu người. Mặt khác, bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào đều có thể sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn. Các chuyên gia cũng như mọi người dân đều tự hỏi liệu cuộc sống bao giờ mới trở lại bình thường được như trước?

Tin tốt là hai loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả cao đã được chấp thuận sử dụng, với nhiều loại vaccine khác đang được triển khai. Nhưng việc phân phối vaccine rộng rãi, hiệu quả và công bằng sẽ mất nhiều tháng, đồng thời đặt ra những thách thức lớn về hậu cần. Những sai sót gần như không thể tránh khỏi và sự chia rẽ cũng có thể nảy sinh giữa những quốc gia có vaccine và những quốc gia chưa có.

Người ta kỳ vọng nhiều vào Liên minh vaccine ngừa Covid-19 COVAX nhưng liên minh này có thể sẽ gặp nhiều thách thức nếu các quốc gia tích trữ nguồn cung hoặc sử dụng vaccine một cách thiếu thận trọng.

Hiện Ấn Độ và Nam Phi đang thúc đẩy gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại rằng động thái như vậy có thể làm giảm động lực nghiên cứu các loại vaccine và phương pháp điều trị trong tương lai.

Trong khi đó, các câu hỏi về khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu sau khi tiêm chủng vaccine hay liệu một người đã được tiêm phòng có khả năng trở thành trung gian lây nhiễm cho người khác hay không và liệu virus có tiếp tục đột biến thành nhiều biến thể khác không, vẫn chưa được giải đáp.

Do đó, các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, phát hiện và truy vết nguồn lây bệnh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19 trong suốt năm 2021 và có thể trong những năm sau đó.

Ông Joe Biden lãnh đạo nước Mỹ

Sau lễ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden sẽ lãnh đạo nước Mỹ và đối mặt với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại.

Người dân Mỹ mong đợi ông Biden giải quyết một loạt các vấn đề khó khăn trong nước do đại dịch gây ra. Mặt khác, ông Biden có thể sẽ nhanh chóng đảo ngược các yếu tố trong chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, bằng các quyết định tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, ông Biden có thể sẽ tạm dừng một số vấn đề có thể tổn hại đến thương hại của nước Mỹ, như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, để tập trung cho các chương trình nghị sự trong nước.

Tuy nhiên, các sự kiện thế giới có thể xoay đổi không ngừng, không báo trước và cũng không cho phép ông Biden được an nhàn. Ông Biden có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Triều Tiên hoặc xử lý quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Biden cũng phải đối mặt với những khó khăn ở Washington. Nếu đảng Dân chủ không thể thắng thế trong hai cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung ở Georgia, ông Biden sẽ là tổng thống đầu tiên sau ông George H.W. Bush và là tổng thống Dân chủ đầu tiên sau ông Grover Cleveland nhậm chức mà đảng của ông không kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.

Nhìn chung, ông Biden đang ở một vị thế khó tránh với quá nhiều kỳ vọng trong khi có quá nhiều vấn đề mà ông phải đối mặt.

Sau lễ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden sẽ lãnh đạo nước Mỹ và đối mặt với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại. (Nguồn: Getty Images)

Sau lễ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden sẽ lãnh đạo nước Mỹ và đối mặt với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại. (Nguồn: Getty Images)

Sự lựa chọn của Trung Quốc

Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức ảnh hưởng của mình. Mặc dù Covid-19 xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, nhưng Trung Quốc đã xử lý đại dịch tốt hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây. Cùng với đó, nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trở lại và dự kiến sẽ khởi sắc vào năm 2021.

Trong cuộc cạnh tranh với phương Tây dường như Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế. Cũng bởi tầm ảnh hưởng như vậy mà các lựa chọn trong tương lai của Trung Quốc có thể tác động không nhỏ đến các nước láng giềng cũng như tình hình thế giới. Trong đó, không loại trừ căng thẳng gia tăng và những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra từ những lựa chọn của Bắc Kinh trong năm tới.

Tăng trưởng toàn cầu

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu trong năm qua. Dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% so với dự báo trước đại dịch là tăng trưởng 2,5- 3,4%.

Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, mặc dù mức tăng trưởng khoảng 1,8% vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 6%. Trong khi đó, các nước kém phát triển đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế. Số người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới do đại dịch có thể vượt quá 120 triệu người. Điều đó có nghĩa là một thập kỷ tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu có thể bị xóa sổ.

Tin tốt là vaccine ngừa Covid-19 sẽ tạo ra một luồng gió mới cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2021. Độ lớn của luồng gió này sẽ khác nhau với từng quốc gia và các quốc gia có nợ công thấp, quản lý kinh tế hợp lý và kiểm soát hiệu quả sự lây lan của Covid-19 có khả năng tận dụng được mức gió tối đa.

Theo đó, dự báo Trung Quốc có thể chiếm tới 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2021. Ngược lại, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ có thể giảm tỷ trọng trong nền kinh tế toàn cầu năm 2021.

Nhìn chung, bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể diễn ra tương đối chậm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau năm 2022 và cảnh báo rằng sự gia tăng nghèo đói trên toàn cầu có thể tiếp tục diễn ra.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ lo ngại tương tự và lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào ngành thương mại, du lịch và kiều hối có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Một câu hỏi đặt ra là liệu những rắc rối kinh tế này có dẫn đến những xung đột chính trị nhiều hơn không, dù là trong nội bộ hay giữa các quốc gia?

Số người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới do đại dịch có thể vượt quá 120 triệu người. (Nguồn: Borgen Magazine)

Số người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới do đại dịch có thể vượt quá 120 triệu người. (Nguồn: Borgen Magazine)

Sự suy tàn dân chủ

Các nền dân chủ trên thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ. Mới đây, tổ chức Freedom House đã công bố rằng nền dân chủ đã bị suy giảm trên khắp thế giới trong 14 năm liên tiếp.

Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy ở các nước như Brazil, Hungary, Philippines, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một loạt các chính sách chống lại thể chế dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ phục hồi các giá trị dân chủ thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề là Mỹ có thể không còn là người truyền bá các giá trị dân chủ tốt nhất. Các cuộc tấn công kéo dài và liên tục của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với các đối thủ, cùng việc từ chối công nhận kết quả thắng cử của ông Biden đã cho thấy các chuẩn mực dân chủ đã bị xói mòn ở Mỹ - nơi có nền dân chủ liên tục và lâu đời nhất thế giới.

(theo Council on Foreign Relations)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/5-van-de-quoc-te-dang-mong-cho-trong-nam-2021-132687.html