51% trẻ em ở Hà Nội mắc tật khúc xạ

Tại Hà Nội, khoảng 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%.

Ngày 7/10, tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội), Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng "Mắt khỏe ngời sáng tương lai".

Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Thị giác Thế giới (10/10) với chủ đề "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Lễ phát động - Ảnh: T. Dũng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Lễ phát động - Ảnh: T. Dũng

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiến hành các khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, trong khảo sát năm 2020 tại Hà Nội, có 51% trẻ em ở Thủ đô mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, khảo sát năm 2023 cho kết quả tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, riêng tỷ lệ trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.

Cũng trong thời gian qua, có nhiều trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bệnh về mắt đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Một trong những chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh được đề ra tại Kế hoạch Chương trình sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế là “Tăng tỷ lệ học sinh được tầm soát phát hiện giảm thị lực, được kê đơn kính và được hướng dẫn rèn luyện thị lực lên 40% vào năm 2025”.

Thứ trưởng nhận định Chương trình vì sức khỏe cộng đồng "Mắt khỏe ngời sáng tương lai" sẽ góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt khỏe cho thế hệ trẻ Việt Nam; chia sẻ các kiến thức về lợi ích, hiệu quả của việc chăm sóc, bảo vệ đôi mắt cho thế hệ tương lai đúng cách. Qua đó giúp trẻ em trong lứa tuổi mầm non và tiểu học hình thành những thói quen sinh hoạt tốt và lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của đôi mắt cho cá nhân và cộng đồng.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ tổ chức chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh tại 20 trường tiểu học và mầm non trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp khám và phát hiện các bệnh về mắt sớm cho trẻ em mà quan trọng hơn chương trình sẽ chia sẻ các kiến thức, hướng dẫn phụ huynh và các em có thêm các kỹ năng, các thông tin về lợi ích, hiệu quả của chăm sóc, nuôi dưỡng đôi mắt trẻ, qua đó vận động và kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng và thực hành theo các khuyến cáo của chuyên gia và hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp bảo vệ đôi mắt khỏe, tránh được các tật khúc xạ và phát hiện các bệnh lý về mắt của trẻ.

Ngay sau lễ phát động, chương trình đã khám mắt miễn phí cho hơn 1.200 em học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu và Trường mầm non Hoa Hướng Dương.

Hàng nghìn trẻ em tại Hà Nội được khám, kiểm tra sức khỏe về mắt trong Chương trình vì sức khỏe cộng đồng "Mắt khỏe ngời sáng tương lai" - Ảnh: T.Dũng

Hàng nghìn trẻ em tại Hà Nội được khám, kiểm tra sức khỏe về mắt trong Chương trình vì sức khỏe cộng đồng "Mắt khỏe ngời sáng tương lai" - Ảnh: T.Dũng

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương, các nghiên cứu gần nhất cho thấy, tỷ lệ cận thị ở trẻ ngày càng tăng, đặc biệt ở các thành phố. Thậm chí, một lớp có trên 50% học sinh bị cận thị.

Giới khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến cận thị. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng cận thị như: Thời gian nhìn gần quá nhiều trong không gian hẹp, hạn chế chơi ngoài trời, thời gian đọc sách nhìn gần quá nhiều, sử dụng các thiết bị điện tử…

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ, PGS.TS Phạm Ngọc Đông khuyến cáo, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, với không gian mở và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có màn hình như: Điện thoại, máy tính, tivi... Đặc biệt là phải điều tiết thời gian sử dụng máy tính, điện thoại… của trẻ.

Bên cạnh đó cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 feet (khoảng 6m).

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/51-tre-em-o-ha-noi-mac-tat-khuc-xa-350871.html