6 nút thắt khiến Việt Nam chưa sẵn sàng đón dòng vốn tỷ đô từ Trung Quốc
Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc được cho rằng sẽ chuyển đến Việt Nam do thương chiến Mỹ - Trung, nhưng Việt Nam rất không sẵn sàng phát huy cơ hội trung hạn này, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhận định.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là: Việt Nam nên định vị và chuẩn bị mình thế nào trước dòng vốn đổ về từ Trung Quốc để thực hiện việc tăng trưởng?
“Hai bên Mỹ - Trung hiểu nhau quá rõ, do đó các đàm phán rất phức tạp và sẽ kéo dài. Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn", ông Tiến nhìn nhận.
Chủ tịch VACD phân tích, một năm rưỡi vừa qua Việt Nam được hưởng lợi nhất định từ dòng thương mại và tài chính. Năm vừa rồi xuất khẩu Việt Nam tăng gần 7%, cán cân thương mại, cán cân xuất khẩu tăng, dòng vốn đổ vào tăng khoảng 7 - 8% so với năm ngoái. Về ngắn hạn, tác động tích cực được Việt Nam tranh thủ đón nhận.
Tuy nhiên theo ông Tiến, khó khăn đang chờ đợi ở phía trước. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc được cho rằng sẽ chuyển đến Việt Nam, nhưng Việt Nam rất không sẵn sàng phát huy cơ hội trung hạn này. Có 6 vấn đề quan trọng khiến Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận dòng vốn lớn từ Trung Quốc chuyển sang.
Thứ nhất là hệ thống hạ tầng Việt Nam rất kém. "Nhiều đại biểu nói với tôi mất hơn 1 tiếng di chuyển mới đến được hội nghị này", ông Tiến chia sẻ tại Vietnam CFO Forum 2019 vừa tổ chức tại TP. HCM.
Thứ hai hệ thống cảng biển, tay nghề công nhân thấp, giá đất rất cao, chuỗi cung ứng không đảm bảo, hệ thống pháp luật không theo kịp khi Việt Nam đã bước vào 4.0.
"Với những yếu điểm này, tôi cho rằng Việt Nam sẽ khó khăn khi hấp thu dòng vốn về trung hạn. Về vĩ mô, Chính phủ phải tìm giải pháp cho cơ hội trung hạn này", ông Tiến khẳng định.
Về phía doanh nghiệp, phòng vệ thương mại tăng rất cao, thế nào là xuất xứ Việt Nam, thế nào là hàng Việt Nam, thế nào là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt ra nước ngoài… các vấn đề liên quan đến tài chính và tiền tệ? Doanh nghiệp phải quan tâm đến tài chính tiền tệ nhiều hơn, nhất là năng lực quản trị.
"Có hay không chiến tranh thương mại, chúng ta vẫn phải đối mặt với vấn đề quản trị, nhất là quản trị rủi ro. Số lượng đóng cửa doanh nghiệp năm vừa rồi rất cao. Cuộc chiến thương mại ẩn chứa nhiều rủi ro trong dài hạn, bộc lộ nhiều vấn đề cơ cấu quản trị nền kinh tế Việt Nam, quản trị doanh nghiệp Việt Nam còn yếu”, Chủ tịch VACD nhấn mạnh.
Ông Eduardo Francisco - Chủ tịch IAFEI cho biết, sang châu Âu, có thể thấy các quốc gia hầu như không tăng trưởng GDP, châu Á tăng trưởng đều là may mắn. Philippines cũng đang cân nhắc đầu tư chậm lại, lo ngại căng thẳng toàn cầu, chờ xem tình huống chuyển động thế nào. Philippines chủ yếu tiêu dùng, không xuất khẩu nhiều như Việt Nam, GDP tăng trưởng chủ yếu nhờ xây dựng mới và thương mại. Trung Quốc có thể bán phá giá với giá cực rẻ xuất sang Philippines, nên Philippines cũng được hưởng lợi. Công ty Viễn thông lớn nhất Philippines một nửa là sở hữu của Trung Quốc, nên cũng thận trọng, không muốn bị kiểm soát.
Ở một góc nhìn khác, ông Hiroaki Endo, Chủ tịch IAFEI châu Á cho rằng, không nên ủng hộ hoàn toàn Trung Quốc hoặc Mỹ, mà nên giữ thái độ trung lập để quan sát vấn đề căng thẳng thương mại. Mỹ và Trung Quốc có thể không bao giờ hiểu nhau, nhưng làm sao hai bên tìm đến sự thấu hiểu chung. 80% hàng hóa gia dụng của Mỹ đến từ Trung Quốc, tăng thuế có phải giải pháp tốt không? Việc đó do Mỹ quyết định. Nhìn vào ASEAN, Nhật Bản đã có vai trò chủ động hơn để ổn định tình hình ASEAN và Nhật Bản
“Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà là một phần trong cuộc chơi thương mại này. Mô hình cũ của kinh tế Nhật Bản không phù hợp nữa, làm sao chuyển sang mô hình hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam và Philippines, để đóng vai trò là một phần của ASEAN là điều chính phủ Nhật Bản quan tâm.
Hai tuần trước tôi cũng ở Mỹ, Trung Quốc luôn nhìn thương mại như chiến trường, liên quan đến chiến lược quân sự, đối đầu bằng nền tảng 5G, còn ông Trump nhìn thương mại như công cụ để đắc cử. Thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài nhiều năm. Nhật Bản phải tìm giải pháp để ứng phó, cùng tiến hóa với khu vực ASEAN", ông Hiroaki Endo nói.
Kiến nghị giải pháp cho Việt Nam, ông Teng Theng Dar - nhà sáng lập Asia Entrepreneurs Exchange cho rằng, Việt Nam nên tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, để giải quyết lương thực cho cả khu vực.
“Cuộc chiến này không đơn thuần là thương mại, liên quan cả đến chính trị, quân sự. Vị thế Mỹ không đơn thuần là ông Trump, mà giữa hai đảng, chúng ta phải theo dõi rất sâu sát. Gần đây chúng ta nói nhiều hơn khi Trump không tham gia TPP, không muốn làm việc với ASEAN nữa, đó là điều đáng thất vọng với ASEAN. Liệu sẽ tác động thương mại dựa trên nguyên tắc hay không? Có vẻ Trung Quốc tự tách khỏi thế giới và khu vực, quay về đàm phán song phương. May mắn thay Nhật Bản đang quay về với ASEAN. Hy vọng sự điều chỉnh này giúp ASEAN giảm thiểu rủi ro đến từ Mỹ", ông Teng Theng Dar phân tích.
Theo nhà lãnh đạo này, không thể xem nhẹ vấn đề lương thực, an ninh và an toàn về lương thực, biến đổi khí hậu. Việt Nam có nền tảng vững mạnh về lương thực, thủy sản. Toàn bộ khu vực ASEAN đều bước vào giai đoạn lão hóa, cần nguồn lương thực ổn định. Việt Nam nên tập trung thế mạnh sẵn có của mình về rau củ quả, Nhật Bản sản xuất theo nông nghiệp dọc, cùng một mảnh đất sản xuất 6 tầng rau củ quả, tăng sản lượng theo cấp số nhân, công nghệ mới đó hoàn toàn có thể triển khai ở Việt Nam.
Thứ hai là mô hình tài chính mới để phát triển nông nghiệp mới, công nghệ mới, giúp cho sản xuất gấp 5 lần về sản lượng.
Đồng quan điểm với nhận định của ông Teng Theng Dar, Chủ tịch VACD Hàn Mạnh Tiến cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh, hàng hóa nông sản vào Trung Quốc hiện được quản lý chặt hơn, tạo thuận lợi cho dòng chính ngạch. Lượng lớn rau quả xuất khẩu một cách bài bản, chất lượng tốt. Người Trung Quốc vừa rồi yêu cầu sản phẩm thanh long dù đăng ký nhãn ở Cục sở hữu trí tuệ, vẫn phải có chữ R, bảo đảm hàng chính ngạch chất lượng cao.
Thứ hai các doanh nghiệp lớn và tổ chức Cchính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm ra thị trường mới. Chính phủ Nhật Bản cùng chính phủ Việt Nam bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ba sản phẩm Việt Nam vào Nhật Nản. Yêu cầu chất lượng là bắt buộc. Qua làm việc với các hộ dân, có thể thấy rất rõ để tồn tại cần phải có nền nông nghiệp sạch trong tương lai.
Ông Steven Clarke - RMIT Asia Graduate Center cũng lưu ý thêm, các nhà máy Việt Nam cần chú ý tới việc không vi phạm các nguyên tắc về xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại. Các khu công nghiệp mở rộng rất nhanh, hiện đã có 165 khu công nghiệp, cần phải bảo đảm tiêu chuẩn gì để xuất được sang thị trường Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam và Mỹ sẽ đi đến hợp tác toàn diện về thương mại tự do. Doanh nghiệp hơn lúc nào hết phải nghiên cứu kỹ về chính sách trong bối cảnh này.
Ngoài ra, cũng cần chú ý tới câu chuyện thương mại tự do với Trung Quốc. Liệu Việt Nam có đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn chuyển dịch từ Trung Quốc sang? Việt Nam giống như ngôi sao đang lên và sáng chói, nhưng vì sáng quá nên phải thận trọng, tìm ra những cái bẫy không muốn rơi vào. Hiện nay, trách nhiệm của các giám đốc tài chính (CFO) ngày càng nặng nề hơn, cần đưa ra những tính toán để quyết định chính xác hơn.
Từ góc nhìn CFO, thị trường chứng khoán Mỹ tăng cao đến mức kỷ lục nhất là tới mùa bầu cử sắp tới, sự bất định và giao động sẽ tồn tại rất lâu, làm sao có quyết định để đa dạng hóa các khoản đầu tư.
Giá lao động bắt đầu tăng cao, giới trung lưu Trung Quốc ngày một tăng, họ không muốn làm người lao động nữa. Thị trường lao động Việt Nam sẽ lặp lại quy luật đó, làm sao bảo vệ các nhà máy với việc tăng trưởng tầng lớp trung lưu?
"Việt Nam phát triển rất nhanh, đứng thứ 36 trên toàn cầu về áp dụng công nghệ. Cho dù tôi là doanh nghiệp hay nhà tài chính, đó là thông tin rất quan trọng. Nhưng chỉ số về khả năng làm kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam vẫn còn rất thấp", ông Steven Clarke nhấn mạnh.