6 vấn đề hậu sản có thể gặp sau khi sinh cần tuyệt đối lưu ý
Hậu sản là khoảng thời gian sau sinh bất kỳ phụ nữ nào sau sinh đều bước vào giai đoạn hậu sản và nếu không chăm sóc cơ thể kỹ lưỡng có thể mắc phải các bệnh dưới đây.
Hậu sản là gì?
Giống với giai đoạn tiền sản, sau khi sinh cơ thể người mẹ còn yếu kém nên thường mắc phải một số chứng bệnh cả về tâm lý và thể chất trong thời gian ở cữ, thường là 42 ngày kể từ ngày sinh. Nhóm bệnh lý này được gọi chung là bệnh hậu sản sau sinh.
Các vấn đề hậu sản thường gặp sau sinh
Nhiễm trùng tử cung
Thông thường, nhau thai sẽ bong ra khỏi tử cung sau khi em bé ra ngoài và bị đào thải khỏi âm đạo. Tuy nhiên, nếu các mảnh của nhau thai còn sót lại trong tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng túi ối khi chuyển dạ cũng có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tử cung sau sinh.
Triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng tử cung là sốt cao, tim đập nhanh, chỉ số bạch cầu cao bất thường, tử cung sưng, mềm và dịch tiết có mùi hôi...
Đau tầng sinh môn
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật mà các mẹ bầu phải trải qua khi sinh thường. Tầng sinh môn có nhiều mạch máu, vì vậy vết khâu sau sinh thực tế rất mau lành chỉ cần được chăm sóc cẩn thận và sạch sẽ.
Tuy vậy, vết thương ở tầng sinh môn lại rất dễ bị nhiễm khuẩn do nằm ở nơi nhạy cảm. Vì thế, khi phát hiện thấy dấu hiệu đau nhức, sưng tấy, phù nề, đau, ngứa ngáy hoặc có mùi hôi, đặc biệt là xuất hiện dịch mủ, mẹ nên thăm khám ngay.
Sốt sau sinh
Sốt hậu sản được định nghĩa là nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C kéo dài trên 24 giờ sau sinh.
Thông thường, nếu chỉ sốt nhẹ ngay sau sinh thì là bình thường và rất phổ biến, nó sẽ tự dần biến mất và cơ thể người mẹ được phục hồi. Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài từ 2 - 10 ngày sau sinh thì đây được coi như là một dấu hiệu của nhiễm trùng. Mẹ cần phải được theo dõi và điều trị phù hợp.
Bế sản dịch sau sinh
Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Sản phụ bị bế sản dịch nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng tránh hiện tượng bế sản dịch sau sinh, sản phụ bắt buộc phải kiểm tra cổ tử cung để xem có những dấu hiệu bất thường nào không. Khi nằm ngủ không nên nằm vắt chéo hai chân lên nhau vì điều này có thể khiến cho sản dịch bị ứ lại trong buồng tử cung và không thể chảy hết ra ngoài.
Băng huyết sau sinh
Là một trong những tai biến sản khoa hay gặp nhất với nguy cơ cao trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho sản phụ nếu không được cứu chữa kịp thời.
Triệu chứng khi băng huyết sau sinh là ra máu nhiều, khó cầm máu khiến mẹ bị mất máu gây choáng váng, da xanh nhợt nhạt, huyết áp giảm nhanh chóng, tay chân lạnh, đổ nhiều mồ hôi…
Có rất nhiều nguyên nhân gây băng huyết như tử cung yếu, nhiễm khuẩn ối, đẻ nhanh đặc biệt đẻ ở tư thế đứng, mẹ bị u xơ tử cung hoặc tử cung bị dị dạng… Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có sự can thiệp y tế sớm và kịp thời để giữ lại tính mạng cho người mẹ.
Táo bón thời kỳ hậu sản
Tâm lý sợ đau vì vết mổ sau sinh, vết rạch tầng sinh môn, làm không ít mẹ thấy sợ mỗi khi đi đại tiện. Hơn nữa, chế độ ăn quá bổ dưỡng, nhiều đạm, thiếu chất xơ, cũng góp phần làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy, để phòng tránh táo tón, mẹ nên tích cực uống nhiều nước, chịu khó vận động nhẹ nhàng sau sinh, ăn nhiều hoa quả, rau củ giàu chất xơ.