70 năm các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào

Suốt thời chiến cho đến thời bình, số nhà 79-81 Lý Nam Đế (Hà Nội) thuộc Khu tập thể Ban công tác miền Tây dành cho các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào luôn ấm ấp tình đồng chí và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào gặp gỡ các bạn Lào vào tháng 12/2018. (Ảnh: T.V)

Số nhà ấy hiện là trụ sở của Ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào và người Trưởng Ban là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.

Vị tướng già 100 tuổi

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, quê Hội An (Quảng Nam). Cuộc đời của ông đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác như từng đảm trách Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1958); Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967), Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971).

Và một trong khoảng đời binh nghiệp mà ông không thể quên chính là Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (1971 – 1975). Suốt thời gian ấy, lời dạy của Bác Hồ “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam” đã trở thành kim chỉ nam, động lực mạnh mẽ hoàn thành nhiệm vụ quốc tế một cách xuất sắc và cũng là chất xúc tác để gắn kết cuộc đời ông với nước bạn Lào.

Một kỷ niệm mà Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhớ mãi chính là một ngày cuối năm 1975. Trong lễ tiễn đoàn chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam về nước trọng thể đó, các bạn Lào đã tặng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam lá cờ ghi dòng chữ “Bạn chiến đấu cùng chiến hào” và Tổng chỉ huy quân đội Lào lúc đó là ông Khamtay Siphandon đã tặng cho thanh kiếm quý cho quân tình nguyện Việt Nam với lời nhắn nhủ: "Ðây là tượng trưng cho tinh thần thượng võ của nhân dân các bộ tộc Lào gửi gắm cho người bạn tin cậy Việt Nam". Và ông đã giữ thanh bảo kiếm đến năm 1979 thì trao cho Bảo tàng Quân đội.

Trong những năm tháng sống, chiến đấu tại chiến trường nước bạn, Thiếu tướng có nhiều kỷ niệm với Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Ông nhớ mãi ần mãi lần tổ chức tổng kết chiến dịch Thượng Lào vào tháng 5/1970. Tại đây, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định sức mạnh không gì ngăn nổi trong mối tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai lực lượng vũ trang Việt - Lào. Mỗi lời nói của Chủ tịch đã có sức mạnh động viên hết sức to lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.Thời gian sau, khi có thêm nhiều dịp trao đổi, ông càng thấm nhuần tư tưởng cùng những tình cảm tốt đẹp mà Chủ tịch Kaysone Phomvihane dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Trở lại thời bình, vị tướng già vẫn tích cực tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt – Lào và Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong mỗi cuộc gặp gỡ và phát biểu, ông nhấn mạnh cán bộ chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn tự hào được kề vai sát cánh, liên minh chiến đấu với Quân đội và nhân dân các dân tộc Lào anh hùng, thông minh, dũng cảm, kiên cường bất khuất. Cũng theo ông, trong hai cuộc kháng chiến, Liên minh với Việt Nam đã trở thành quy luật tất yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đưa cả hai dân tộc đến với thắng lợi trọn vẹn trong cuộc đấu tranh giải phóng, mở ra một kỷ nguyên mới của hai dân tộc.

Nơi hội ngộ của tình thân

Trong suốt những năm qua, ngôi nhà của Ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã trở thành nơi đoàn tụ, gặp gỡ, chia sẻ của những người đồng đội cũ. Nhưng xúc động nhất vẫn là những cuộc gặp gỡ giữa tình quân dân giữa hai nước.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và Đại sứ Lào Thongsavanh Phomvihane tại Giao lưu hữu nghị với Đại sứ quán Lào tháng 3/2019. (Ảnh: T.V)

Đáng chú ý, cách đây vài năm, tại nơi đây đã diễn ra cuộc gặp mặt cảm động giữa các công dân Lào đã từng che giấu quân tình nguyện Việt Nam và các cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Họ là những người từng đồng cam cộng khổ trong kháng chiến, để rồi sau gần nửa thế kỷ, họ lại được gặp nhau, tay trong tay với niềm vui không thể diễn đạt bằng lời.

Từ cuộc gặp ấy, ông Nguyễn Văn Nghiệp - chuyên gia quân sự Việt Nam, người đã phục vụ cách mạng Lào 43 năm đã hay tin người bạn Lào từng cứu sống ông đã qua đời. Trong tim, ông luôn nhớ rõ lần từng suýt chết khi hoạt động bí mật và được người bạn có tên Bua giúp đỡ.

Trong gia đình của Ban liên lạc toàn quốc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cũng không thể quên thầy thuốc nhân dân Trần Đức Hòe - người đã mất vài năm vì tuổi cao sức yếu.

Gắn bó với nước Lào từ năm 1961 – 1967, GSTS. Trần Đức Hòe là bác sỹ đầu tiên đến Lào, vừa là cố vấn quân y khu kháng chiến hạ Lào, vừa là chủ nhiệm quân y của các lực lượng tình nguyện Việt Nam tại Lào có nhiệm vụ giúp bạn Lào đào tạo y tá, xây dựng, tổ chức hệ thống y tế. Lúc còn sống, ông đã chia sẻ một kỷ niệm xúc động khi chữa bệnh cho nhiều dân bản Lào. Vì được dân bản quý mến nên trên đường trở về Việt Nam, đi từ bản này sang bản khác, tôi được dân bên hai bên đường tặng những bu nhốt gà và các cụ già thì làm lễ “buộc chỉ cổ tay” cầu bình an cho ông.

Có thể nói, tình cảm dành của nhân dân Lào đã ở lại trong tim những cựu quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự đến tận hôm nay. Bởi vậy, dù phần lớn họ tuổi đã cao, họ muốn dành tất cả thời gian còn lại của cuộc đời để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình Việt – Lào để qua đó thế hệ trẻ có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt này.

Hà Anh

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/70-nam-cac-chuyen-gia-va-quan-tinh-nguyen-viet-nam-tai-lao-103576.html