70 năm Hà Nội: Hành trình chuyển mình và khát vọng vươn xa

Kể từ ngày Giải phóng, Hà Nội đã không ngừng thay đổi, từ việc phục hồi sau chiến tranh đến trở thành một trong những đô thị tiên phong của khu vực. Với tầm nhìn chiến lược và nỗ lực không ngừng, Thủ đô tiếp tục hành trình phát triển bền vững, khẳng định vị thế trong tương lai.

Phát triển vượt bậc về kinh tế với nhiều cột mốc quan trọng

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế.

 Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Ảnh: Báo Nhân Dân

Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Ảnh: Báo Nhân Dân

Khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ chỉ khoảng 130km2 với nền kinh tế cũng khá èo uột, có hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Không chỉ thế, GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với thủ đô các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và chính quyền Thủ đô, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra bước chuyển biến lớn trong lực lượng lao động TP Hà Nội cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.

Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như là hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước.

Đến năm 1982, sau khi chúng ta gọi là kết thúc cuộc chiến tranh được 7 năm thì Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế và từ đó giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình mà xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.

Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình và đến năm 2000 được vinh danh là Thủ đô anh hùng.

 Các con số thể hiện rõ sự gia tăng đáng kể qua các năm, với GRDP từ 37,41 triệu đồng vào năm 2008 và đạt 157,10 triệu đồng vào năm 2023. Nguồn số liệu: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Các con số thể hiện rõ sự gia tăng đáng kể qua các năm, với GRDP từ 37,41 triệu đồng vào năm 2008 và đạt 157,10 triệu đồng vào năm 2023. Nguồn số liệu: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã giúp cơ cấu kinh tế của Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Từ cơ sở đó, chúng ta thấy rằng quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh

70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc.

 70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Ảnh: Báo Nhân Dân

70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Ảnh: Báo Nhân Dân

Trong nhiều năm, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% (cùng kỳ giảm 2,7%); vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9,0%).

Bên cạnh đó, Hà Nội gương mẫu đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu cho Hà Nội về tốc độ tăng trưởng GRDP, với kỳ vọng đến năm 2025 sẽ cao hơn mức trung bình của cả nước, và đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người sẽ đạt trên 36.000 USD. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi cả chính quyền và người dân Thủ đô phải nỗ lực không ngừng, phát huy sáng tạo để đạt được sự phát triển bền vững.

 Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ đón khách từ ngày 8/8/2024

Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ đón khách từ ngày 8/8/2024

Kinh tế số đang trở thành hướng đi bắt buộc với Hà Nội

Có thể khẳng định, những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm sau Ngày Giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua, các chuyên gia khẳng định TP. Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, TP Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, TP Hà Nội thực hiện nghi thức kích hoạt vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm.

Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô và Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua chính là điều kiện rất thuận lợi để Hà Nội phát triển. Trong quá trình này, các chuyên gia nhận thấy, Thủ đô rất cần có những chiến lược cùng những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tốc độ và bảo đảm tính bền vững.

"Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

 Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), Hà Nội chiếm khoảng 12,4% đến 14% trong GDP của cả nước, khoảng 40% GDP của đồng bằng sông Hồng, đó là động lực tăng trưởng cho cả nước và vùng.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình mới như kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn lấy ví dụ, theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đóng góp của kinh tế số vào GDP của Hà Nội là 23,5%, cao hơn của TP. Hồ Chí Minh khoảng gần 10%, so với cả nước là 9,7%. Có thể thấy kinh tế số của Hà Nội chiếm tỷ trọng rất lớn.

Theo báo cáo kinh tế số hàng năm 2023 của Bộ TT&TT, kinh tế số của Hà Nội là 17,15%, trong đó kinh tế số lõi là 11,79%. TP. HCM có tỷ lệ cao hơn Hà Nội là 18,66%, nhưng kinh tế số lõi chỉ là 8,56%. Nếu xét về góc độ kinh tế số, Hà Nội đã triển khai khá tốt. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế số Hà Nội chỉ đứng thứ 6/63 tỉnh, thành của cả nước.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, tác động của kinh tế số làm nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao. Hiện tại, Hà Nội các ngành công nghiệp chiếm trên 60% và các ngành công nghệ cao cũng chiếm tỷ lệ lớn.

"Với việc phát triển các ngành kinh tế số sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn, lao động sang các mô hình tăng trưởng đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số. Với phát triển mô hình kinh tế số, làm tăng năng suất lao động," PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.

 Các chuyên gia chia sẻ về kinh tế Hà Nội tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”. Ảnh: KTĐT

Các chuyên gia chia sẻ về kinh tế Hà Nội tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”. Ảnh: KTĐT

Bàn về phát triển kinh tế số, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính chia sẻ, phát triển kinh tế số đang là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và nền kinh tế số của Việt Nam cùng nằm trong nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới với mức 25% trong năm 2023.

Với vai trò là Thủ đô, Hà Nội đi đầu trong phát triển kinh tế số là đòi hỏi bắt buộc. Điều đó cũng giúp Hà Nội thích ứng với quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế quốc gia, từ đó xây dựng một xã hội số phồn vinh hơn.

Hiện Hà Nội đang hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số, từ cơ chế chính sách, sở hữu một lực lượng trí thức rất lớn cho đến mức độ sử dụng phương tiện cao nhất trong cả nước. Điều này là cơ sở vững chắc cũng như yêu cầu bắt buộc để Hà Nội trở thành đầu tàu dẫn đầu nền kinh tế số của cả nước.

 Cầu Nhật Tân. Ảnh: IT

Cầu Nhật Tân. Ảnh: IT

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số của Hà Nội cần gắn liền với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Vì chỉ khi tiết kiệm được chi phí sản xuất, tối ưu hóa quy trình công nghệ thì mới có thể hướng tới phát triển bền vững. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quá trình xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Luật Thủ đô 2024 là đột phá lớn khi trao cho Hà Nội quyền hạn để tự quyết định các dự án lớn để phát triển, cũng như sử dụng nguồn vốn địa phương, thậm chí là có quyền đi vay để đầu tư phát triển kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để từ đó Hà Nội duy trì vị thế trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.

Luật Thủ đô 2024 cũng tạo điều kiện cho HĐND, UBND TP. Hà Nội có cơ sở để nguồn lực cả về tài chính, công nghệ, khoa học cũng như các yếu tố khác để tập trung phát triển kinh tế Thủ đô. Từ đó, giúp Hà Nội trở thành đầu tàu của kinh tế phía Bắc, cũng như rộng hơn là cả nước.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/70-nam-ha-noi-hanh-trinh-chuyen-minh-va-khat-vong-vuon-xa-post315254.html