70 năm sâu nặng nghĩa tình
Thanh Hóa cùng miền bắc là hậu phương lớn, cái nôi nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng miền nam, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối. Kế thừa tình sâu, nghĩa nặng, các địa phương và thế hệ hôm nay tiếp tục kề vai, sát cánh bên nhau vượt qua thử thách, năng động khai thác tiềm năng, cùng cả nước khẳng định vị thế Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tình sâu
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức cuộc dịch chuyển quân-dân lịch sử. Thanh Hóa vinh dự được giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết.
Tỉnh đã thành lập hàng chục trạm đón tiếp, xây dựng các trạm xá, bệnh viện để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền nam. Ngoài khai thác, vận chuyển hàng vạn cây luồng, nứa, gỗ về miền xuôi xây dựng nhà cửa, lán trại, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp, nhân dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa quyên góp, cung ứng lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác, bảo đảm cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Tại cảng Hới, từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955, tỉnh Thanh Hóa đón 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.775 thương binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền nam tập kết ra bắc.
Sau đón tiếp chu đáo, an toàn, có 2.631 học sinh ở lại Thanh Hóa được bố trí học tập tại các trường học ở các địa phương trong tỉnh, 225 người cao tuổi thuộc tỉnh Bình Định được cấp ủy, chính quyền, nhân dân hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc tiếp nhận, đón về các gia đình chăm sóc; 90 gia đình bộ đội, cán bộ dân chính Đảng được bố trí việc làm, nơi công tác ở các địa phương, 1.743 công nhân về năm công trường.
Các nông trường: Lam Sơn, Sao Vàng, Yên Mỹ, Thống Nhất, Phúc Do, Vân Du, Thạch Thành, nhiều công trường, cơ sở sản xuất trong tỉnh Thanh Hóa có công xây dựng, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Thường trực Giáo dục và Đào tạo, từ 1954-1973 có 39 nghìn học sinh miền nam đã được đưa ra miền bắc học tập bằng nhiều con đường. Hệ thống các trường nội trú được thành lập ở miền bắc và nước láng giềng, thực hiện nhiệm vụ nuôi, dạy các em, nhất là dạy và học theo hướng phát triển toàn diện: trí, đức, thể, mỹ, sống có lý tưởng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc được đặt lên hàng đầu.
Tình cảm thắm thiết nam-bắc một nhà của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; sự quan tâm, chăm sóc, tấm lòng của cán bộ, chính quyền, nhân dân miền bắc, trong đó có nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ động viên các thế hệ học sinh, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền nam nỗ lực học tập, lao động, sản xuất, chung sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.
“Sống trong lòng miền bắc, sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc”, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, học sinh xung phong vào chiến trường miền nam nóng bỏng. Lê Anh Xuân cùng thế hệ sinh viên lúc bấy giờ đã trở về miền nam chiến đấu và có thể “chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường, chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.
Các liệt sĩ, anh hùng không quân Việt Nam: Võ Văn Mẫn, Nguyễn Văn Bảy, Đồng Văn Đe, Trần Thiện Lương, Nguyễn Văn Lung, Trần Văn Mão, Nguyễn Quốc Hiền… cùng hàng triệu người con ưu tú đã và đang cùng “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, đại diện Ban Liên lạc học sinh miền nam Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an ghi nhận: Từ những năm 1960 trở đi, học sinh miền nam lần lượt tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước, bắt đầu trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt là sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng cán bộ là học sinh miền nam được điều động trở về chi viện cho miền nam, trực tiếp tham gia vào việc tiếp quản, điều hành có hiệu quả mọi công việc trong vùng mới giải phóng.
Nghĩa nặng
Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền bắc, trong các thế hệ học sinh miền nam được Đảng, Nhà nước đào tạo, nhiều người trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tên tuổi… đã và đang đóng góp, cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa, vun đắp nghĩa tình sâu nặng, son sắt, Thanh Hóa chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường xúc tiến đầu tư, kết nối, hợp tác toàn diện với các địa phương trong cả nước, các tỉnh, thành phố phía nam; nâng tầm, phát triển truyền thống kết nghĩa Thanh Hóa-Quảng Nam, thành phố Thanh Hóa-Hội An.
Thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Thanh Hóa mạnh dạn đề xuất và được Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan ủng hộ, tổ chức khai thác tuyến hàng không dân dụng Thọ Xuân-Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, nhịp cầu hàng không tiếp tục được kết nối, phát triển đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Cảng hàng không dân dụng Thọ Xuân được quan tâm phát triển thành cảng hàng không quốc tế theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Đầu nhiệm kỳ này, trong bối cảnh đối mặt với đại dịch Covid-19, đi đôi với việc chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh; các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chung tay, góp sức cùng thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Chiến thắng đại dịch, Thanh Hóa là địa phương sớm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô toàn quốc; công bố bộ nhận diện và chủ động thực thi nhiều giải pháp hiện thực hóa phương châm: Du lịch xứ Thanh-hương sắc bốn mùa. Giai đoạn này có thêm nhiều doanh nghiệp phía nam đầu tư vào Thanh Hóa, nhiều con em xa quê cùng góp sức, đồng lòng, có nhiều việc làm thiết thực trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thế hệ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền nam tập kết, từng lao động, học tập, công tác ở Thanh Hóa tiếp tục đóng góp chính kiến, hướng về xứ Thanh động viên, khích lệ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời Tổ quốc gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái biển.
Trong chiến tranh, các địa phương, đồng bào đã nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc, trợ giúp nhau; trong hòa bình Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa cùng các tỉnh, thành bạn tiếp tục chung sức, đồng lòng, liên kết, hợp tác khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương, nhân thêm sức mạnh, động lực nội sinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
70 năm qua, Thanh Hóa đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giành được được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh thông tin: Giai đoạn 2021-2023, Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,69%/năm và 9 tháng năm 2024 tăng 12,46%. Thu ngân sách nhà nước hằng năm luôn vượt dự toán, quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 8 cả nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Văn hóa-xã hội chuyển biến tiến bộ, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng.
Xuất phát từ nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam, các thế hệ cán bộ, nhân dân trong tỉnh, Thanh Hóa xây dựng quy hoạch, phối hợp với Ban liên lạc Hội cựu học sinh miền nam huy động xã hội hóa và bố trí ngân sách xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Công trình khắc ghi sự kiện, giá trị lịch sử, tôn vinh nghĩa tình sâu nặng, tạo thêm điểm đến du lịch, lan tỏa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý nghĩa nhân văn trong các thế hệ người Việt Nam.
Mong cán bộ, đồng bào miền nam, các nhà khoa học, chuyên gia, nhân dân cả nước tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu vào Khu lưu niệm, để nơi đây thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra miền bắc (1954-2024) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc; phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đoàn kết, thống nhất tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng - Đại hội có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/70-nam-sau-nang-nghia-tinh-post839336.html