70 năm Thủ đô vang mãi khúc khải hoàn

Thời khắc Thủ đô Hà Nội được giải phóng không chỉ là sự kiện lịch sử mang ý nghĩa trọng đại, là ngày hội lớn của người dân thủ đô, mà đó còn là niềm hạnh phúc của toàn dân tộc, là thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ với biết bao gian nan vất vả, mất mát và hy sinh của quân và dân ta. 70 năm kể từ ngày 10/10/1954 nhưng những cảm xúc về ngày trọng đại thiêng liêng ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành ngọn lửa bất diệt sáng mãi niềm tự hào và tình yêu nước nồng nàn.

10/10/1954 - Mốc son chói lọi đầy hào hùng

Trước tình hình mới, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.

Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi thành phố đúng thời hạn. Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân và dân ta đã hoàn toàn làm chủ Thành phố. Đêm 9/10/1954, đêm hòa bình đầu tiên, thành phố rực rỡ trong rừng cờ hoa và niềm hạnh phúc vỡ òa của người dân.

 Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản các công sở từ quân Pháp trong ngày 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản các công sở từ quân Pháp trong ngày 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ sáng 9/10, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, người lính Pháp cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trong ảnh: Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ sáng 9/10, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội ta tiến vào tiếp quản tới đó. Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954, người lính Pháp cuối cùng rút hết qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Trong ảnh: Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiều 9/10/1954, bộ đội ta tiến qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi cây cầu phía chiều bên kia (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiều 9/10/1954, bộ đội ta tiến qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi cây cầu phía chiều bên kia (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân gồm Thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội trong 60 ngày đêm khói lửa - chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc đại hành quân tiến vào giải phóng Thủ đô.

Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.

Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị).

Chiến sĩ bộ đội tiến vào đường phố Thủ đô trong vòng tay chào đón của nhân dân (Ảnh: TTXVN)

Chiến sĩ bộ đội tiến vào đường phố Thủ đô trong vòng tay chào đón của nhân dân (Ảnh: TTXVN)

Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Mấy chục vạn người dân Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”.

Nhân dân thủ đô chào đón các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Nhân dân thủ đô chào đón các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (Ảnh: TTXVN)

Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về (Ảnh: TTXVN)

Người dân phấn khởi hướng về lá quốc kỳ tung bay trên cột cờ Hà Nội ngày giải phóng (Ảnh: TTXVN)

Người dân phấn khởi hướng về lá quốc kỳ tung bay trên cột cờ Hà Nội ngày giải phóng (Ảnh: TTXVN)

Vào 15h cùng ngày, sau một hồi còi dài tại Nhà hát lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội cùng các lực lượng vũ trang đã sửa soạn chỉnh tề để tham gia lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng Thành Thăng Long).

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày Giải phóng.

Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Bác cũng căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô (Ảnh: TTXVN)

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô (Ảnh: TTXVN)

Công cuộc tiếp quản Thủ đô đã thành công tốt đẹp do Trung ương Đảng lãnh đạo chặt chẽ, Đảng ủy tiếp quản có kế hoạch chu đáo, cán bộ làm nhiệm vụ đảm bảo kỷ luật. Quân ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân bắt tay vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khắc phục hậu quả do chế độ thực dân để lại, khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống Nhân dân.

Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng được khôi phục bình thường sau Giải phóng (Ảnh: TTXVN)

Mọi hoạt động của Thủ đô nhanh chóng được khôi phục bình thường sau Giải phóng (Ảnh: TTXVN)

Chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán (Ảnh: TTXVN)

Chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán (Ảnh: TTXVN)

Từ mùa thu độc lập đến mùa thu đổi mới

Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, hân hoan bắt tay vào xây dựng xã hội mới, trở thành chỗ dựa vững chắc, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào miền Nam tiếp tục đấu tranh, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ 20 năm sau đó, để đất nước ta nối liền một dải, Nam - Bắc về chung một nhà.

Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày nhân dân Thủ đô mừng vui đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, Hà Nội đã và đang nỗ lực từng ngày, cố gắng vươn mình đổi thay, hội nhập và phát triển. Với những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Ngày nay, không chỉ lưu giữ những nét xưa cũ, cổ kính, Thủ đô cũng khoác lên mình tấm áo mới, mang dáng dấp và hơi thở của thời đại, với tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới.

Gần một thập niên phấn đấu và phát triển không phải là dài, nhưng là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, củng cố thế và lực để Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến tới hội nhập quốc tế. Nhìn lại hành trình lịch sử nhân dân “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi), không ngại gian nan, khó khăn mà luôn tìm cách khắc phục, vượt qua, ta càng trân trọng, biết ơn những thành quả ngày nay đang có, từ đó vun đắp và tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào về hào khí muôn đời của mảnh đất Thăng Long văn hiến. Đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân Thủ đô càng quyết tâm và đoàn kết, thống nhất vượt mọi thử thách, khó khăn, chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng là “trái tim thân yêu” của cả nước.

Khánh Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/70-nam-thu-do-vang-mai-khuc-khai-hoan-post13853.html