72% người rút BHXH một lần ở khu vực phía Nam và miền Trung, đa số là công nhân

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, 72% người rút BHXH một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân.

Xem xét giảm mức đóng BHXH

Trong phiên thảo luận sáng 17/8 tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, về cơ bản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình cao với dự thảo, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.

Ông Phan Văn Anh cho biết, về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, việc điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện để người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Theo ông Phan Văn Anh, việc này phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và được người lao động rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để khuyến khích người lao động có tuổi đời cao từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để được thực hiện chế độ hưu trí thì người lao động vẫn còn băn khoăn. Bởi lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỉ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Do đó, vấn đề này đề nghị cần xem xét ở khía cạnh có hỗ trợ đối với đối tượng khi về hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu.

Đối với quy định rút BHXH một lần, ông Phan Văn Anh cho biết, đây là một quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc người lao động được hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng trong thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới KT-XH.

Với 2 phương án của dự thảo đưa ra, ông Phan Văn Anh cho rằng, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp để đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng/QH.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn Việt Nam, những nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp hơn rất nhiều. Ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.

Ông Phạm Tấn Công phân tích: "Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả BHYT thì lên tới 32%. Cao như vậy thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội".

Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng BHXH xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Với Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho hay, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH một lần, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn lại con số 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra "thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được".

Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là không trọn vẹn. Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/72-nguoi-rut-bhxh-mot-lan-o-khu-vuc-phia-nam-va-mien-trung-da-so-la-cong-nhan-169230817143635217.htm