76 năm Quốc khánh 2.9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh

Những thành tựu to lớn trên con đường 76 năm cách mạng vẻ vang là minh chứng cho tinh thần, ý chí mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, khẳng định vai trò là người bạn, đối tác tin cậy của bạn bè và đối tác quốc tế.

Sự phát triển kinh tế Việt Nam là thước đo cho sự lãnh đạo thành công của Đảng trong lĩnh vực kinh tế

Sự phát triển kinh tế Việt Nam là thước đo cho sự lãnh đạo thành công của Đảng trong lĩnh vực kinh tế

Chèo lái “con thuyền” kinh tế vượt qua giông bão

Sau khi giành được chính quyền, nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn: một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ngân khố kiệt quệ, tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và manh mún, sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ, sau nhiều nỗ lực và trải qua chặng đường tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, tổng kết của Đảng và nhân dân ta để xây dựng cương lĩnh cho cách mạng nước ta trong giai đoạn mới và đề ra chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong vòng 20 năm (1996-2016) của Việt Nam thuộc các nhóm nước đạt mức 5% mỗi năm. Giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2020 vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh “khó khăn trăm bề”, nhất là từ khi Chính phủ vừa được kiện toàn tháng 4, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân. Nửa đầu năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu. Năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu gần 10 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; xuất siêu 19,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, tổng FDI vào Việt Nam vẫn đạt 15,27 tỷ USD.

Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng lên, từ thứ hạng 88/183 năm 2010 lên thứ hạng 70/190 năm 2019...

Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong những gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Việt Nam đã được vinh danh tại nhiều giải quốc tế về du lịch, như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, “20 quốc gia nên đến du ngoạn nhất trong năm 2020”…

Gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa-xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho sự phát triển các mặt thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trong đó, thành công nổi bật, đầy ấn tượng là đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, khuyến khích, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nếu như năm 1985 chỉ đạt 149 USD/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt 2.750 USD/người/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt; nước ta đã ra khỏi nhóm nước thu thập thấp để trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước, công tác giảm nghèo luôn được xác định là mục tiêu lớn và đã đạt nhiều thành tựu

Trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước, công tác giảm nghèo luôn được xác định là mục tiêu lớn và đã đạt nhiều thành tựu

Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,4% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ, bảo hiểm y tế được mở rộng; các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên. Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển, nhờ đó người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân… Việt Nam đã làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận...; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm; chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh (như bạch hầu-uốn ván-ho gà, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản...

Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều đặn và liên tục suốt mấy thập kỷ qua. Với chỉ số HDI là 0,63 năm 2019, Việt Nam xếp thứ 118 trên tổng số 189 nước, chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Đến nay, diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú…

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao

Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ với các nước, cả song phương và đa phương.

Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực trong đó có 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Cùng với đó, Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 và những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ... song Việt Nam đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa và truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, đã chiến thắng nhiều thế lực xâm lăng và ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Những thành tựu to lớn trên là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây chính là tiền đề quan trọng, tạo ra động lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/76-nam-quoc-khanh-29-vuot-thac-ghenh-di-den-phon-vinh-178376