Trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) là nơi đương kim quán quân Đường lên đỉnh Olympia - Nguyễn Thị Thu Hằng - đang theo học. Trường thành lập năm 1961. Trước Thu Hằng, trường từng có em Nguyễn Cao Ngọc Vũ lọt vào vòng chung kết cuộc thi năm thứ 15, Đỗ Việt Hoàng đoạt giải 3 cuộc thi tháng năm thứ 16, Trần Xuân Hòa giành giải ba thi tuần năm thứ 18. Ảnh: Trường THPT Kim Sơn A.
Quán quân năm thứ 18 Nguyễn Hoàng Cường đến từ trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh). Nhà vô địch năm thứ 12 Đặng Thái Hoàng cũng là cựu học sinh của trường. Trường THPT Hòn Gai thành lập năm 1959. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Trường THPT Hải Lăng (Quảng Trị) từng là điểm cầu trực tiếp của chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17. Năm đó, học sinh của trường, Phan Đăng Nhật Minh, giành vòng nguyệt quế. Trường có 100% giáo viên tốt nghiệp đại học, trong đó, hơn 30% có trình độ thạc sĩ và một nhà giáo ưu tú. Ảnh: THPT Hải Lăng.
Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15, Văn Viết Đức, là cựu học sinh trường THPT Thị xã Quảng Trị. Ngoài ra, ngôi trường giàu truyền thống hiếu học này còn có hai học sinh lọt vào vòng chung kết là Lê Thanh Tân Nhật (năm thứ 18) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (năm thứ 20). Ảnh: Đoàn trường THPT Thị xã Quảng Trị.
Vòng nguyệt quế của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11 thuộc về Phạm Thị Ngọc Oanh - học sinh trường THPT Tiên Lãng (Hải Phòng). Ngôi trường thành lập năm 1961, tiền thân là trường cấp II + III Tiên Lãng. Đây là một trong những trường tốt ở Hải Phòng, đồng thời là một trong số ít trường không chuyên của thành phố nhiều năm có học sinh đoạt giải quốc gia. Ảnh: C3tienlanghp.
Huỳnh Anh Vũ giành danh hiệu quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8 khi đang học tại trường THPT Tăng Bạt Hổ (Bình Định). Trường thành lập năm 1975 với tên gọi cấp III Hoài Nhơn. Tháng 11/1992, trường đổi tên thành THPT Tăng Bạt Hổ. Ảnh: Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Hoài Nhơn, Bình Định.
Nhà vô địch leo núi năm thứ 6 Lê Vũ Hoàng đến từ trường THPT số 1 Bố Trạch (Quảng Bình). Với tinh thần vượt khó học giỏi, Vũ Hoàng là một trong những thí sinh khiến khán giả xúc động trong 20 năm qua. Ngôi trường số 1 Bố Trạch cũng trải qua thời kỳ xây dựng, phát triển đầy thử thách ngay từ ngày đầu thành lập (năm 1965). Năm 2015, trường đổi tên thành THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: THPT Số 1 Bố Trạch - THPT Lê Quý Đôn.
Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM) có một học sinh từng giành vòng nguyệt quế trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia - Đỗ Lâm Hoàng, quán quân năm thứ 5. Trường có lịch sử từ năm 1978 với tên gọi ban đầu là trường cấp III Chân Phước Liên. Trường được thiết kế, xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia với 45 phòng học, 2 phòng thí nghiệm, 3 phòng vi tính, 1 phòng thư viện, 2 phòng dạy nghề. Ảnh: Thptgovap.
Nguyễn Sương