80% sông băng trên dãy núi dài nhất châu Âu có khả năng biến mất vào năm 2100

Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng hiệu ứng nhà kính, dự kiến chỉ tới năm 2100, 80% sông băng trên dãy Alps huyền thoại sẽ biến mất.

Trong ảnh là sông băng Pers của Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Trong ảnh là sông băng Pers của Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Nghiên cứu mới được Mạng lưới giám sát sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS) công bố cho thấy, các dòng sông băng tại quốc gia này đang tan chảy với tốc độ cao hơn mức trong bình trong năm 2024. Cụ thể, theo số liệu của GLAMOS, Thụy Sĩ đã mất tới 2,5% thể tích băng trong năm. Con số này cao hơn cả mức trung bình của cả thập kỷ qua và đạt “đỉnh” trong tháng 8 vừa qua.

Giáo sư Matthias Huss, Giám đốc GLAMOS lo ngại, nếu thực trạng trên tiếp diễn sẽ có “thảm họa xảy ra với các sông băng” của Thụy Sĩ.

Đáng chú ý, hơn một nửa số sông băng ở dãy Alps hiện nằm ở Thụy Sĩ - nơi nhiệt độ đã tăng gấp đôi mức trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay, thì chỉ 76 năm nữa, 80% sông băng trên dãy Alps huyền thoại sẽ biến mất vĩnh viễn.

Năm 2003, GLAMOS từng đưa ra những số liệu giật mình khi thông tin: Chỉ trong vòng 4 thập niên, đất nước được mệnh danh là “xứ sở của đồng hồ” đã mất đi khoảng 1.000 sông băng.

Cũng vào thời điểm đó, Giáo sư Huss nhận định, tất cả sông băng, trừ những sông băng cao nhất trên dãy Alps, chẳng hạn như các sông băng trên đỉnh Mont Blanc, có thể biến mất trước năm 2100. Đây là trường hợp xấu nhất, nhưng ngay cả trong điều kiện khả quan hơn, khi các quốc gia trên thế giới đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, thì hai phần ba số sông băng ở dãy núi Alps sẽ vẫn không còn tồn tại vào cuối thế kỷ này.

BÌNH AN (Theo Reuters)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/80-song-bang-tren-day-nui-dai-nhat-chau-au-co-kha-nang-bien-mat-vao-nam-2100-post834263.html