9 câu nói tưởng như bình thường nhưng không nên nói với con trẻ

Những câu nói này có thể mang tính tích cực đối với các phụ huynh, song lại có tác động không tốt đến sự phát triển của con trẻ.

1. "Làm tốt lắm": Theo nhà tâm lý học Jenn Berman, tác giả cuốn The A to Z Guide to Raising Happy, Confident Kids (tạm dịch Cẩm nang từ A đến Z để nuôi con hạnh phúc, tự tin) kiêm cố vấn của Parents, việc thường xuyên khen con trẻ "làm tốt lắm" hay "giỏi lắm" khiến chúng dễ tự mãn và quên đi mục tiêu phấn đấu ban đầu. Do đó, phụ huynh chỉ nên khen ngợi khi thực sự cần thiết và bằng những câu nói cụ thể như "Mẹ thích cách con hỗ trợ bạn. Thật sự rất nhiệt tình và có trách nhiệm!".

2. "Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi": Theo tiến sĩ Joel Fish, tác giả cuốn 101 Ways to Be a Terrific Sports Parent (tạm dịch Để trở thành phụ huynh đỉnh nóc), việc phụ huynh thường xuyên động viên con bằng câu này sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực phải "thành tài" hay "giỏi". Câu nói này còn khiến con trẻ tự đổ lỗi cho bản thân khi gặp thất bại. Thay vào đó, các cha mẹ nên khuyến khích con luyện tâp chăm chỉ vì mục tiêu cụ thể, như "Con nghĩ sao về việc luyện piano để có thể đàn bài hát mình yêu thích?".

3. "Không sao đâu": Các phụ huynh có xu hướng nói câu này để trấn an trẻ khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, câu nói này chỉ khiến trẻ cảm thấy tệ hơn. Thay vào đó, các cha mẹ nên ôm bé, thừa nhận cảm xúc của chúng và chỉ cách giúp trẻ vượt qua.

4. "Nhanh lên con": Thay vì hối thúc trẻ bằng câu nói này, phụ huynh có thể dùng câu "Chúng mình cùng nhanh lên nào". Câu nói này khiến con cảm thấy có bố mẹ cũng đang cố gắng cùng mình đạt mục tiêu đề ra.

5. "Bố/Mẹ đang ăn kiêng": Theo tiến sĩ Marc S. Jacobson, khoa Nhi và dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Đại học Nassau (Mỹ), việc chứng kiến cha mẹ quá ám ảnh về cân nặng có thế khiến trẻ có định kiến không tốt về một số loại thực phẩm nhất định. Điều này rất dễ khiến các bé bị rối loạn ăn uống và mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.

6. "Bố/Mẹ không có khả năng chi trả": Câu nói này khiến một số đứa trẻ lo lắng cho tình hình tài chính của gia đình và mất niềm tin đối với cha mẹ. Thay vào đó, các phụ huynh nên giải thích rõ ràng cho con về lý do từ chối trả tiền. Cùng lúc đó, cha mẹ cũng có thể giáo dục cho con trẻ quản lý tiền bạc từ nhỏ để xây dựng thói quen tiêu dùng hợp lý.

7. "Đừng nói chuyện với người lạ". Theo bà Nancy McBride, Giám đốc điều hành Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột tại Florida (Mỹ), câu nói này có thể khiến nhiều trẻ em vô tình từ chối sự giúp đỡ của những người xung quanh trong các tình huống nguy hiểm. Thay vào đó, phụ huynh nên giáo dục con thông qua cách đưa ra các tình huống cụ thể.

8. "Cẩn thận!":. Trong trường hợp con bạn đang cố giữ thăng bằng trên thanh xà hay làm gì đó mạo hiểm, lời nhắc nhở có thể khiến trẻ mất tập trung dẫn đến dễ ngã hơn. Nếu các phụ huynh cảm thấy lo lắng nhưng lúc như vậy, mọi người nên im lặng quan sát con và hỗ trợ nếu chúng cần.

9. "Để bố/mẹ giúp con": Việc giúp con khi trẻ chưa thực sự cần có thể khiến các bé giảm tính độc lập. Thay vì trực tiếp giúp đỡ, các phụ huynh nên có những câu hỏi gợi ý để giúp trẻ giải quyết vấn đề. Điều này không chỉ giúp phát triển tính độc lập mà còn xây dựng sựu tự tin ở con trẻ.

Nhật Minh

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/9-cau-noi-tuong-nhu-binh-thuong-nhung-khong-nen-noi-voi-con-tre-post1504013.html