9 nước mạnh về tiềm lực hạt nhân đang dự trữ 9.585 đầu đạn hạt nhân
Trung Quốc đang mở rộng kho hạt nhân 'nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác'.
Theo Kyodo, ngày 17-6, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo thường niên, cho biết, Trung Quốc có khả năng tăng thêm 90 đầu đạn vào kho dự trữ hạt nhân của mình, lên 500 đầu đạn tính đến tháng 1-2024.
Tổng số đầu đạn được dự trữ trong số 5 cường quốc hạt nhân được công nhận là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh cộng với các quốc gia hạt nhân trên thực tế là Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel đã tăng lên 9.585 đầu đạn, báo cáo của SIPRI nêu rõ.
Trong báo cáo thường niên, SIPRI cho biết, tính cả các đầu đạn đã ngừng sử dụng, tổng lượng tồn kho hạt nhân của 9 quốc gia trên dự kiến sẽ giảm 391, xuống còn 12.121 đầu đạn.
Về Trung Quốc, theo tổ chức nghiên cứu này, Bắc Kinh có thể có ít nhất số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân, ngang bằng với Nga hoặc Mỹ vào đầu thập kỷ, mặc dù kho dự trữ đầu đạn của Trung Quốc dự kiến vẫn nhỏ hơn nhiều so với hai cường quốc hạt nhân này.
Báo cáo cho biết, Nga và Mỹ lần lượt có 5.580 và 5.044 đầu đạn, chiếm gần 90% tổng số đầu đạn của thế giới. Ước tính có 3.904 đầu đạn được triển khai trên tên lửa và máy bay, tăng 60 đầu đạn so với năm trước, trong đó có 1.710 đầu đạn của Nga và 1.770 đầu đạn của Mỹ.
Triều Tiên ước tính đã lắp ráp khoảng 50 đầu đạn, tăng 20 đầu đạn so với năm 2023 và sở hữu đủ vật liệu phân hạch để đạt tổng số lên tới 90 đầu đạn.
Theo báo cáo của SIPRI, Trung Quốc được cho là đã triển khai 24 đầu đạn trên tên lửa.
Giám đốc SIPRI Dan Smith cho biết: “Trong khi tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu giảm, thật đáng tiếc là chúng ta chứng kiến số lượng đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tăng lên hằng năm. Xu hướng này dường như sẽ tiếp tục và có thể tăng tốc trong những năm tới và rất đáng lo ngại”.
Cùng ngày, nghiên cứu của Tổ chức công nghệ thông tin & đổi mới - một viện nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết, Mỹ đi sau Trung Quốc tới 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao nhờ sự quan tâm của chính phủ.
Theo báo cáo của viện nghiên cứu này, Trung Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với thời gian trung bình khoảng 7 năm, nhanh hơn nhiều so với các nước khác.
Mỹ có số lượng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và chính quyền của Tổng thống Joe Biden coi nguồn điện gần như không phát thải là rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu. Nhưng sau khi hai nhà máy lớn ở Georgia đi vào hoạt động, vượt quá ngân sách hàng tỷ USD và bị trì hoãn nhiều năm, không có lò phản ứng hạt nhân nào của Mỹ được xây dựng.