92% án dân sự bị hủy do lỗi chủ quan

Năm 2012, có 36 cán bộ tòa bị kỷ luật do vi phạm, 10 trường hợp phải chuyển sang cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 ngày 22-1 của TAND Tối cao đã phân tích khá chi tiết về chất lượng công tác xét xử toàn ngành năm qua, thể hiện qua các số liệu khá cụ thể...

Với án hình sự, qua công tác phúc thẩm, phân tích từ hơn 14.000 vụ xét xử theo thủ tục phúc thẩm và 155 vụ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì có 0,5% bản án bị hủy. Trong số án bị hủy, khoảng 6/10 là do nguyên nhân chủ quan, tức do lỗi của thẩm phán, còn lại là do nguyên nhân khách quan. So với năm trước đó, lỗi chủ quan có giảm chút ít.

Để quá hạn, tuyên không rõ...

Trong các bản án hình sự mà thẩm phán có lỗi chủ quan này, có một trường hợp dẫn tới án oan. Đây là một vụ trộm cắp tài sản mà giá trị tài sản bị chiếm đoạt chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thẩm phán cấp sơ thẩm đã thiếu cẩn trọng, không xem xét đầy đủ các căn cứ, dẫn tới việc tuyên bị cáo có tội. Sau đó tòa phúc thẩm phải tuyên hủy án, đồng thời tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Cũng thông qua việc xét xử phúc thẩm, giám đốc và tái thẩm, tòa án các cấp đã phát hiện 64 trường hợp tuyên án treo thiếu căn cứ, trong đó có vụ bị cáo phạm tội về tham nhũng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo ngành tòa án nhân dân. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo ngành tòa án nhân dân. Ảnh: TTXVN

Đối chiếu sang công tác giải quyết, xét xử án dân sự thì tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy lại tăng vọt lên mức 1,3%, gấp hơn hai lần so với án hình sự. Điều đáng nói là sai sót lại phần lớn do lỗi chủ quan của thẩm phán, lên tới 92%.

Phân tích những hạn chế, thiếu sót trong việc giải quyết án dân sự, theo TAND Tối cao, số lượng vụ việc để quá thời hạn giải quyết còn nhiều, còn những bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho thi hành án. Khi xét xử thì nhiều thẩm phán không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng hoặc đưa vào nhưng xác định sai tư cách tố tụng. Trong việc giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, cá biệt có thẩm phán cho rằng cây lâu năm, giếng nước, sân gạch, nhà tạm chỉ là tài sản có giá trị nhỏ so với giá trị quyền sử dụng đất nên bỏ qua không xem xét...

Về án hành chính, tỉ lệ án bị hủy tăng vọt lên 3,5%, trong đó nguyên nhân chủ quan dù giảm nhiều hơn các năm trước nhưng vẫn chiếm tới hơn 85% các vụ việc bị hủy. TAND Tối cao xác định án hành chính là loại án nhạy cảm, phức tạp, trong khi phần lớn thẩm phán còn hạn chế về kiến thức quản lý nhà nước. Thẩm phán còn biểu hiện ngại va chạm với cơ quan hoặc người bị khởi kiện.

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu được phát hiện thông qua việc xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, đánh giá của TAND Tối cao về công tác giám đốc kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Trước hết là áp lực về đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa có chiều hướng giảm (tổng cộng hơn 10.500 đơn, tính cả tồn năm trước chuyển sang). Trong số này, TAND Tối cao và các tòa cấp tỉnh mới xử lý được 58% với 748 vụ là có kháng nghị, còn lại trả lời đương sự là không có căn cứ kháng nghị. Nhưng ngay cả số đã trả lời không có căn cứ thì một số trường hợp sau đó do đương sự khiếu nại tiếp lại được xem xét, chấp nhận ra kháng nghị.

Phải giảm tỉ lệ hủy, sửa

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao về kết quả công tác của ngành tòa án mà biểu hiện rõ nhất là năm qua chỉ có một vụ xử oan.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, như tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy vẫn chưa giảm mạnh. Tiến độ và chất lượng giải quyết nhiều vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm còn chưa kịp thời, nghiêm minh. Việc tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế. Việc xem xét, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là trong lĩnh vực dân sự tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm, tồn đọng nhiều.

Đội ngũ cán bộ, công chức tòa án tuy đã có bước tiến bộ nhưng về cơ bản vẫn chưa khắc phục được tình trạng

“thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ”. Báo cáo của TAND Tối cao cho thấy năm qua vẫn còn 36 cán bộ bị kỷ luật do vi phạm, 10 trường hợp phải chuyển sang cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự. Những biểu hiện ấy, những hạn chế trong công tác xét xử ấy đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tòa án. Dư luận xã hội còn nhiều nghi ngờ về tính khách quan, nghiêm minh của hoạt động xét xử.

Chủ tịch nước yêu cầu trong năm 2013, ngành tòa án cần phải khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội và bỏ lọt tội phạm. Chấm dứt việc trả hồ sơ bổ sung, việc cho bị cáo hưởng án treo và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo bị xét xử về hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, ngành tòa án cũng phải khắc phục tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án; giảm tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; khắc phục triệt để tình trạng để kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Ngành tòa án cũng cần khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm...

Dân kiện “quan” ngày càng nhiều

Năm 2012, số vụ án các loại mà ngành tòa án thụ lý lên tới 332.000 vụ, tăng hơn 10% so với năm trước. Trong số này, số án hành chính tuy không nhiều, chỉ 6.177 vụ nhưng lại tăng tới 66% so với năm trước. Điều này cho thấy sự thay đổi khá lớn trong mối quan hệ giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền. Người dân có xu hướng mạnh dạn kiện ra tòa hơn khi cho rằng quyết định, hành vi hành chính của chính quyền là trái luật, gây thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, điều đó cũng gây nhiều thách thức với ngành tòa án khi mà mối quan hệ, tương quan giữa tư pháp - hành pháp chưa đổi mới nhiều.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/201301231238739p0c1063/92-an-dan-su-bi-huy-do-loi-chu-quan.htm