Aegis Ashore không phù hợp với chiến lược phòng thủ của Nhật Bản

Ngày 25-6, Nhật Bản đã thông báo hủy bỏ kế hoạch triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore do Mỹ chế tạo. Dòng vũ khí lá chắn tên lửa này ban đầu được kỳ vọng sẽ tăng khả năng phòng thủ của Nhật Bản trước các mối đe dọa tấn công bằng tên lửa. Tuy nhiên, sự kỳ vọng này không diễn ra đúng như thực tế mong muốn của đảo quốc mặt trời mọc.

Giảm sự phụ thuộc vào Mỹ

Dù lý do dừng triển khai các tổ hợp Aegis Ashore được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Taro Kono đưa ra là tránh mối nguy cơ không cần thiết về các mảnh vỡ tên lửa đánh chặn có thể rơi vào khu vực dân cư khi dòng vũ khí này đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quyết định của Tokyo lại liên quan tới các vấn đề khác, không mới, nhưng lại mang tính sống còn với đảo quốc này.

Đánh giá về quyết định của Nhật Bản dừng triển khai tổ hợp Aegis Ashore, chuyên gia Alexei Podberezkin thuộc Trung tâm nghiên cứu Chính trị-Quân sự Nga nhận định, Aegis Ashore bản chất chính là hệ thống Aegis trên hạm có trên một số chiến hạm trong biên chế Hải quân Nhật Bản. Tính năng của nó không có gì mới và chưa thể hiện được vai trò phòng thủ trước các đợt thử tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, chi phí để triển khai 2 tổ hợp Aegis Ashore lên tới gần 900 triệu USD, chưa bao gồm chi phí duy trì hoạt động. Với số tiền đó, Nhật Bản có nhiều sự lựa chọn hợp lý và khoa học hơn để nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước.

 Aegis Ashore chỉ tăng khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản về lượng, mà không phải về chất.

Aegis Ashore chỉ tăng khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản về lượng, mà không phải về chất.

Chuyên gia Alexei Podberezkin nhấn mạnh: “Tokyo hiểu rằng tổ hợp Aegis Ashore sẽ không hoạt động như mong muốn của nước này. Tổ hợp vũ khí này sẽ chỉ hoạt động thông qua sự hợp tác với Mỹ. Điều này có nghĩa là vũ khí phòng thủ tên lửa Nhật Bản có thể phải hoạt động vì ưu tiên an ninh của nước Mỹ trong chiến tranh. Chính vì thế, Tokyo đã quyết định dừng triển khai Aegis Ashore”.

Theo lời chuyên gia Alexei Podberezkin, việc Mỹ luôn cố gắng kéo xung đột ra xa khỏi lãnh thổ nước này là điều không mới. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng triển khai số lượng lớn tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân tại châu Âu để biến lục địa già trở thành chiến trường đầu tiên trong cuộc đối đầu với Liên Xô. Điều này có thể đúng với các tổ hợp Aegis Ashore tại Nhật Bản.

“Nhật Bản đã có quyết định cân bằng và đúng đắn khi từ bỏ tổ hợp Aegis Ashore. Nếu muốn tăng khả năng tự vệ, họ nên làm điều đó với hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình. Điều này giúp Nhật Bản có quyền chỉ huy tối cao, mà không phải phụ thuộc vào yếu tố chi phối từ Mỹ”, chuyên gia Alexei Podberezkin nhận định.

Aegis Ashore chỉ tăng thêm mối nguy cơ cho Nhật Bản

Một trong những yếu tố dẫn tới việc Nhật Bản dừng triển khai Aegis Ashore chính là dòng vũ khí phòng thủ tên lửa này khi triển khai sẽ không giúp Nhật Bản an toàn hơn, mà lại tạo ra các mối nguy cơ mới.

Ngay khi thông tin Nhật Bản dự kiến triển khai Aegis Ashore được công bố, các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á đã bày tỏ quan ngại sâu sắc. Và mối quan ngại này hoàn toàn có cơ sở. Tổ hợp Aegis Ashore với các giếng phóng thẳng đứng Mk-41 ngoài việc có thể trang bị đạn tên lửa đánh chặn SM-3, thì cũng hoàn toàn phù hợp để trang bị tên lửa hành trình tấn công Tomahawk. Với tầm bắn lên tới hàng nghìn km, vũ khí này không chỉ đáp ứng khả năng phòng thủ tên lửa, mà lại là nhiệm vụ tấn công chính xác cao.

 Nhật Bản sẽ vẫn tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa, nhưng với lựa chọn độc lập và hợp lý hơn.

Nhật Bản sẽ vẫn tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa, nhưng với lựa chọn độc lập và hợp lý hơn.

“Việc Nhật Bản triển khai các tổ hợp Aegis Ashore sẽ tạo ra các mối nguy cơ lớn đối với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nga”, chuyên gia quân sự Konstantin Makienko, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga đánh giá.

Theo chuyên gia Konstantin Makienko, các vị trí triển khai Aegis Ashore đương nhiên sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên của tên lửa tấn công trong khu vực. Điều này thực tế sẽ tạo ra mối nguy cơ lớn hơn là lợi ích phòng thủ mà dòng vũ khí này mang lại.

Một vấn đề khác liên quan tới việc Nhật Bản dừng triển khai Aegis Ashore được nhận định là do Tokyo đang cân nhắc sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia. Nhật Bản đang tính toán lại chiến lược phòng thủ quốc gia, trong đó có việc cho phép tấn công vào căn cứ quân sự nước ngoài bằng tên lửa chính xác cao phóng từ máy bay. Dù kế hoạch trên chưa được xác nhận, nhưng với bước tiến đột phá trên, Nhật Bản sẽ cần một hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa thay vì phụ thuộc vào Mỹ như hiện tại.

“Mặc dù Nhật Bản dừng triển khai Aegis Ashore, nhưng vấn đề tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa sẽ không bao giờ bị loại khỏi các chương trình nghị sự. Tokyo nhiều khả năng có quyết định mới về vấn đề phòng thủ tên lửa trong tương lai gần”, cựu lãnh đạo Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Valery Zaparenko đánh giá.

Theo đó, với mối nguy cơ về tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong khu vực ngày càng gia tăng, việc Nhật Bản tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề chỉ nằm ở loại vũ khí, thời gian và địa điểm triển khai phù hợp…

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, Topwar, Vpk…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/aegis-ashore-khong-phu-hop-voi-chien-luoc-phong-thu-cua-nhat-ban-624351