Ai Cập kêu gọi Israel tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 24/5, Ai Cập đã hoan nghênh phán quyết mới nhất của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự và bất kỳ hành động nào khác tại TP Rafah của Palestine, mở cửa khẩu biên giới Rafah và tất cả các cửa khẩu biên giới dẫn vào Dải Gaza, cũng như ngừng các hành vi đe dọa cuộc sống của người Palestine ở Gaza.

Binh sĩ Israel được triển khai trong chiến dịch quân sự tại Rafah, Dải Gaza, ngày 18/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel được triển khai trong chiến dịch quân sự tại Rafah, Dải Gaza, ngày 18/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi ICJ ra phán quyết nói trên, Bộ Ngoại giao Ai Cập đánh giá cao quyết định của ICJ yêu cầu Israel mở cửa khẩu biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập để đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đối với hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.

Tuyên bố cho hay Ai Cập kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội diệt chủng cũng như luật nhân đạo quốc tế. Ai Cập cũng kêu gọi thực thi tất cả các biện pháp tạm thời do ICJ ban hành.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập lưu ý rằng phán quyết của ICJ phù hợp với tình hình hiện nay ở Gaza, nơi hàng chục nghìn người Palestine vô tội đã thiệt mạng và hầu hết cơ sở hạ tầng bị phá hủy.

Trước đó, Ai Cập đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng do các hoạt động quân sự của Israel ở Rafah gây ra, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động đó đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với hơn 1,4 triệu người Palestine ở TP Rafah.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tel Avip, Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 24/5 thông báo Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu sẽ tham vấn các bộ trưởng cấp cao sau khi ICJ ra phán quyết trên.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Israel, chính trị gia cực hữu Bezalel Smotrich tuyên bố yêu cầu Israel dừng chiến dịch tấn công phong trào Hamas tại Dải Gaza đồng nghĩa với việc ép buộc Nhà nước Do Thái đi đến diệt vong và “Israel không chấp nhận điều đó”. Trong một tuyên bố liên quan, Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cũng khẳng định chiến dịch tấn công vào TP Rafah “không có nguy cơ hủy diệt dân thường Palestine tại đây”.

Trước đó, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel tạm ngừng các hoạt động quân sự ở TP Rafah, phía Nam Dải Gaza. Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt có khả năng làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với Israel sau hơn 7 tháng kể từ khi xung đột bùng phát ở Gaza.

Trong phán quyết, ICJ yêu cầu Israel ngay lập tức dừng chiến dịch quân sự ở Rafah cũng như bất kỳ hành động nào có thể gây thương vong cho dân thường Palestine ở Gaza. Phán quyết cũng kêu gọi Israel tiếp tục mở cửa khẩu Rafah vào Gaza để việc cung cấp viện trợ nhân đạo "không bị cản trở".

ICJ là tòa án hàng đầu trực thuộc LHQ và các phán quyết của tòa mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, ICJ không có công cụ thực thi các phán quyết của mình.

Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor đã ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh phán quyết mới nhất của ICJ. Bà tuyên bố đây là một "lời kêu gọi ngừng bắn rất rõ ràng." Người phát ngôn của Chính quyền Palestine (PA) Nabil Abu Rudeined cũng cho biết Palestine hoan nghênh phán quyết của ICJ.

Trong khi đó, lực lượng Hồi giáo Hamas ở Gaza kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Israel để nước này tuân thủ phán quyết. Nam Phi đã đưa vụ việc ra trước ICJ vào tháng 12 năm ngoái với cáo buộc rằng cuộc tấn công của Israel vào Gaza vi phạm Công ước diệt chủng năm 1948 của LHQ. Israel đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Trong một phán quyết gây chú ý khắp thế giới, ICJ hồi tháng 1/2023 đã ra lệnh cho Israel ngăn chặn các hành động diệt chủng và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Tuy nhiên, tòa án đã không ra lệnh ngừng bắn và lập luận của Nam Phi là tình hình thực tế - đặc biệt là hoạt động ở thành phố đông đúc Rafah - đòi hỏi ICJ phải có hành động mới.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 24/5, Ai Cập và Mỹ đã nhất trí tạm thời chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới trụ sở của LHQ ở Dải Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom của Israel cho đến khi các cơ chế pháp lý được thiết lập để mở lại cửa khẩu biên giới Rafah bên phía Palestine.

Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết việc Ai Cập và Mỹ đạt được sự đồng thuận nói trên xuất phát từ "tình hình khó khăn của người Palestine ở Gaza, tình trạng thiếu các phương tiện trợ giúp sinh hoạt ở Gaza cũng như thiếu nhiên liệu cần thiết cho các bệnh viện và tiệm bánh ở dải đất ven Địa Trung Hải này".

Tuyên bố cho biết thêm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden cũng nhất trí tăng cường các nỗ lực quốc tế để đảm bảo sự thành công của các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza và chấm dứt thảm kịch nhân đạo kéo dài mà người dân Palestine đang phải đối mặt.

Theo hãng thông tấn chính thức WAFA của Palestine, Chính quyền Palestine ngày 24/5 cũng nhất trí với Ai Cập về việc tạm thời chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom cho đến khi các bên liên quan đạt được thỏa thuận mở lại cửa khẩu biên giới Rafah.

Phần lớn hàng viện trợ được đưa vào Gaza kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2023 đều được vận chuyển từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah hoặc cửa khẩu Kerem Shalom gần đó.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/316732/ai-cap-keu-goi-israel-tuan-thu-va-thuc-thi-phan-quyet-cua-toa-an-cong-ly-quoc-te.html