Ai cũng có giới hạn cá nhân, không riêng gì bạn

Việc yêu cầu được tôn trọng giới hạn cá nhân, trong khi bỏ ngoài tai quy tắc của người khác bị đánh giá là không lịch sự, kém duyên.

 Tôn trọng ranh giới của người khác cũng là tôn trọng chính mình. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Tôn trọng ranh giới của người khác cũng là tôn trọng chính mình. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Tiếp tục chuốc rượu một người bạn đã say khướt, níu kéo ở lại cuộc vui khi họ phải ra về hoặc nhắn tin làm phiền đồng nghiệp trong ngày nghỉ..., đó là những hành động tưởng chừng vô tư nhưng thực sự đã xâm phạm vào ranh giới của người khác.

Đến khi nhận lại phản hồi khó chịu hoặc được nói rõ, nhiều người mới nhận ra mình chỉ đặt ra giới hạn cho bản thân mà quên đi người xung quanh cũng có những quy tắc sống riêng cần tôn trọng, theo Very Well Mind.

Thế nào là ranh giới cá nhân?

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, ranh giới là giới hạn mà mỗi người đặt ra để bảo vệ bản thân trong một hoạt động, tình huống hoặc mối quan hệ. Đó có thể là giới hạn về thể chất, cảm xúc, trí tuệ, tinh thần, tài chính hoặc liên quan đến thời gian, không gian và năng lượng.

Đặt ra ranh giới là cách mà chúng ta cho người khác biết:

Cách mong muốn giao tiếp
Cách mong muốn được đối xử
Mức độ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động
Những gì không thể chấp nhận.

Trong mọi mối quan hệ, khi một cá nhân đi quá giới hạn của người khác sẽ gây ra những ảnh hưởng, tổn thương tâm lý cho người trong cuộc, từ ngạc nhiên, tức giận, đau đớn, bối rối hoặc có thể chấp nhận.

Tại sao cần tôn trọng ranh giới?

Theo Very Well Mind, việc tôn trọng ranh giới của người khác cũng quan trọng không kém việc đặt giới hạn cho bản thân.

Con người thường có xu hướng chỉ đề cập đến nhu cầu của bản thân, song lại quên việc hãy nói với nhau về những ranh giới của cả hai.

Khi không chia sẻ, ta dễ vượt qua lằn ranh đó một cách vô tình và gây ra những tình huống khó xử.

Ví dụ, một người đàn ông chia sẻ việc có nguyên tắc phải về nhà trước 21h vì vợ mình có thai. Tất cả đồng nghiệp đều hiểu và tôn trọng ranh giới này của anh, bất kể đó có là buổi tiệc cuối năm.

Cách tôn trọng ranh giới của người khác

Tiến sĩ Marcum cho rằng có một số chiến lược có thể giúp con người học cách hiểu và tôn trọng ranh giới của người khác:

Giao tiếp rõ ràng: Trước khi tự ý quyết định bất cứ điều gì, hãy hỏi ý kiến của họ trước.
Chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ: Ngoài lời nói, người khác còn có thể bày tỏ sự khó xử, không đồng ý của họ qua giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể.
Chấp nhận khi người khác nói "không": Khi ai đó nói không, có nghĩa họ đang thiết lập một ranh giới rõ ràng. Ta cần học cách tôn trọng sự từ chối của người khác.
Nhu cầu của mỗi người là khác nhau: Mỗi cá nhân cần thiết lập ranh giới dựa trên sở thích, khả năng chịu đựng của riêng họ. Điều quan trọng là phải tôn trọng ranh giới của người khác ngay cả khi điều đó có vẻ ngớ ngẩn hoặc khác với những gì ta thường nghĩ.
Xử lý cảm xúc: Khi ai đó đặt ra ranh giới trong mối quan hệ, ta có thể có cảm giác bị từ chối, tổn thương, tức giận, thất vọng, sốc hoặc xấu hổ. Song, những cảm xúc này sẽ tác động tiêu cực đến cả 2. Thay vào đó, ta nên chấp nhận các giới hạn đó và tìm kiếm nơi khác đáp ứng nhu cầu của mình.

Tôn trọng quyền tự chủ của người khác: Tất cả chúng ta đều sai khi nghĩ rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho người khác. Ngược lại, chúng ta cần tin tưởng và tôn trọng quyền tự chủ của họ.
Ranh giới có thể thay đổi: Trong một mối quan hệ, cho dù là tình bạn, tình yêu, đồng nghiệp..., ta thường tìm hiểu ranh giới của nhau. Những ranh giới này có thể trở nên lỏng lẻo hoặc chặt chẽ hơn khi mối quan hệ của chúng ta tiến triển hoặc xấu đi.
Xác định ranh giới của chính mình: Hãy tập xác định những giới hạn, nguyên tắc sống của mình, từ đó ta sẽ hiểu tại sao người khác cũng làm điều tương tự.

Mỹ Mỹ

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/ai-cung-co-gioi-han-ca-nhan-khong-rieng-gi-ban-post1441218.html