Ai cũng có thể học Bác
Làm việc có lợi cho dân, giải quyết những bức xúc cho người dân 'thấu tình, đạt lý'; đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; xây dựng mối đoàn kết tạo sức mạnh trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân... Đó là những gì cán bộ, nhân dân xã Văn Phú (Sơn Dương) thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những năm qua.
Cán bộ sâu sát cơ sở
Văn Phú nằm ở khu vực giữa vùng hạ huyện Sơn Dương, có tới 49% đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Những năm gần đây, đời sống kinh tế, xã hội, hạ tầng nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đường bê tông nông thôn khép kín kéo dài trên 20 km, đường nội đồng được mở rộng, kiên cố, tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. Nhà văn hóa thôn, trụ sở làm việc của xã, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống nhân dân ngày một khấm khá...
Góp sức mạnh vào sự thay đổi đó, là đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Nhân. Tháng 9 này nghỉ hưu, nhưng ông Nhân vẫn tất bật với công việc. Gần 40 năm công tác tại xã, kinh qua nhiều cương vị công tác, từ anh Chủ nhiệm hợp tác xã đến văn phòng, phó bí thư Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy xã, nhiệm vụ nào ông cũng làm tận lực, trong đó dấu ấn mạnh mẽ nhất là 9 năm ông đảm nhiệm vị trí đứng đầu cấp ủy cơ sở. Ông đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của từng chi bộ tạo thành nền nếp. Mỗi chi bộ, ông đều đến dự sinh hoạt 3 đến 4 lần để gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn. Cụ thể các chi bộ từ 3 năm không phát triển được đảng viên, Bí thư Nhân trực tiếp xuống cùng sinh hoạt chi bộ, tìm hiểu nguyên nhân, cùng với cấp ủy chi bộ đó đưa ra giải pháp. Chính vì thế, đến nay Chi bộ Xóm Bọc, Văn Hiến... đã kết nạp được đảng viên.
Đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Bí thư Nhân phân công cụ thể tới toàn bộ 14 chi bộ, chỉ đạo chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng cụm dân cư để tuyên truyền, vận động, thống nhất chủ trương, giải pháp thực hiện tới từng gia đình. Quy chế dân chủ được phát huy hiệu quả nên người dân xem việc chung như việc nhà mình, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm cũng càng thêm bền chặt. Chuyện làm tuyến đường dài trên 2 km là kỳ tích. Ông Nhân góp sức với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã vận động trên 80 hộ dân dọc tuyến đường qua 3 thôn Văn Hiến, Làng Đu, Đồng Văn hiến đất hai bên đường mở rộng 5 m. Để đảm bảo tuyến đường lâu dài, ông Nhân lại bàn với cán bộ, đảng viên vận động nhân dân đóng góp làm cống thoát nước 2 bên đường nên tuyến đường đã đưa vào sử dụng 2 năm qua mà vẫn như mới. Ông Nhân cho rằng “chìa khóa thành công cho mọi nhiệm vụ, chính là có được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân”.
Đồng chí Lê Văn Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Văn Phú (bên phải) thăm mô hình
cà dây leo người dân thôn Đồng Văn.
Đồng hành với bí thư Nhân là Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Lượng. Anh Lượng là người năng động, dám nghĩ, dám làm, lăn lộn với người dân trong phát triển kinh tế. Trước đây, đích thân Chủ tịch Lượng về tận Bắc Giang học cách trồng dưa chuột bao tử, liên kết với doanh nghiệp đem giống về địa phương, nhưng chỉ được vụ đông, còn vụ chính vùng dưới trồng nhiều doanh nghiệp lại không ký bao tiêu đầu ra nên đành dừng lại. Năm 2018, anh Lượng lại liên hệ với Công ty TNHH Nhất Tâm đường (thành phố Tuyên Quang) trồng 5 ha và bao tiêu đưa cây cà dây leo, bước đầu đã có hiệu quả.
Xoay đủ cách để người dân giảm nghèo, trong lúc chăn nuôi rủi ro, sản xuất nông nghiệp chưa thành vùng hàng hóa, anh Lượng chọn giải pháp vận động lao động tham gia làm việc tại các công ty. Anh thực hiện kết nối, thẩm định các đơn vị tuyển dụng uy tín để người dân yên tâm đi làm. Hiện xã, bình quân mỗi hộ đều có 1 lao động tham gia công nhân, đem lại thu nhập ổn định. Anh Lượng bảo: “Chính việc đi làm ở các công ty của người dân đã đem lại lợi ích kép. Hộ có nhiều người đi làm thì có thu nhập cao, hộ làm nông nghiệp có cơ hội tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp”. Đối với vùng đồng bào dân tộc, thực hiện hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 135, anh Lượng cũng có cách làm cụ thể, khảo sát từng thôn, từng hộ để tư vấn hỗ trợ theo phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá” để người dân có kế sinh nhai lâu dài. Theo đó, UBND xã hỗ trợ máy móc một số hộ làm dịch vụ về đất đai, hỗ trợ con giống cho hộ có điều kiện chăn nuôi... Từ những hỗ trợ tích cực này, nhiều hộ dân đã vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của xã giảm từ 6 - 7%/năm.
Người dân đồng lòng
Từ việc cấp ủy, chính quyền công khai minh bạch, đến người đứng đầu tâm huyết nên chủ trương, nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống. Năm 2017, xã Văn Phú hoàn thành xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ với số tiền đầu tư trên 600 triệu đồng. Ông Lưu Văn Chung, Bí thư Chi bộ thôn Làng Đu, người tự nguyện nhận trông coi, chăm sóc Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của xã chia sẻ: “Nhân dân, nhất là những gia đình thân nhân liệt sỹ thấy ấm lòng. Tôi nhận trông coi, chăm sóc là sự tri ân anh em, đồng đội của mình”.
Tuyến đường nội đồng thôn Thịnh Kim dài 400 m vừa được đổ mặt bằng, chuẩn bị đổ bê tông theo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Phạm Văn Hải, Bí thư Chi bộ cho biết: Khi triển khai làm, người dân phải đóng góp 40 triệu đồng đổ đất làm mặt bằng, đồng thời hiến đất để mở rộng đường. Nhưng người dân đều đồng lòng, bởi ai cũng hiểu được lợi ích lâu dài. Chị Lâm Thị Loan, người dân thôn Thịnh Kim có trên 1 mẫu ruộng ở xứ đồng này đã hiến trên 1 sào ruộng cho biết: Chị sẵn sàng hiến đất đóng góp làm đường nội đồng, bởi làm đường là làm cho mình. Hơn nữa phải hy sinh chút lợi ích riêng thì mới mong cái chung tốt được. Suy nghĩ của người dân như chị thật đáng quý!.
Những việc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Văn Phú làm những năm qua cho thấy, dù là việc to, việc nhỏ; khi gắn với trách nhiệm, sự tâm huyết, tận tâm của mỗi cá nhân, thì việc gì cũng thành công. Từ đó cho thấy, ai cũng có thể học Bác bằng những việc làm cụ thể của mình.