Ai cũng sợ thanh tra!
Một đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vì có dấu hiệu vòi vĩnh trong thời gian tiến hành thanh tra về quy hoạch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh này.
Thông tin nói trên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà xác nhận với các phóng viên, bên hành lang Quốc hội, chiều 12-6 và ông nói "lấy làm tiếc"...
Số tiền vòi vĩnh chưa được tiết lộ, có nguồn tin nói "không nhỏ", nguồn tin khác cho hay "khoảng chục tỉ đồng". Dù là bao nhiêu đi nữa thì cũng đã nhúng chàm, không chối được.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng không nên "lấy làm tiếc" mà nên mừng nếu vụ này hoàn toàn có thật. Mừng vì qua đây giúp làm trong sạch đội ngũ; đồng thời chấn chỉnh, răn đe và làm gương cho những cán bộ khác. Người dân cũng mừng vì những thành phần mọt nước sâu dân bị loại ra khỏi bộ máy vốn luôn cần sự liêm chính và tận tụy.
Thanh tra nói chung, trong đó có thanh tra xây dựng, là công việc rất nhạy cảm, bởi liên quan trực tiếp đến tài sản và quyền bính. Thực tế cho thấy đã không thanh tra thì thôi, chứ đã đụng vào thì hầu như chỗ nào cũng mắc sai phạm, không nhiều thì ít. Vì thế, đối tượng bị thanh tra thường rất lo lắng. Ở phía bên kia, cán bộ thanh tra chỉ cần làm đúng chức trách thôi thì bên bị thanh tra cũng đã khá vất vả bởi phải giải trình rất nhiều việc; nếu gặp phải cán bộ thanh tra biến chất thì khốn khổ vô cùng, ăn ngủ không yên.
Quyền hạn lớn mà lại rơi vào tay cán bộ không chính trực thì ắt có trục lợi, tham nhũng, gặp phải đối tượng bị thanh tra khấm khá nhưng mắc sai phạm thì càng "đục nước béo cò". Vụ việc vừa xảy ra ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc "củng cố" thêm mối hoài nghi trước nay của dân chúng: vì sao ở tỉnh này, thành nọ các khâu thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên đề, định kỳ... có đủ mà vi phạm về quy hoạch vẫn xảy ra, công trình xây dựng không phép hoặc sai phép vẫn ngạo nghễ vươn cao, có nơi chỉ sau một đêm cả hàng trăm nhà xây "lụi" mọc lên.
Nhìn rộng ra đội ngũ thực thi công vụ, thỉnh thoảng "bể" ra vụ cán bộ công quyền vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp, có trường hợp nhận tiền ngay công sở, bại lộ và sau đó bị loại khỏi bộ máy. Trong lúc một bộ phận người dân có suy nghĩ đó là chuyện không mới, chẳng đáng ngạc nhiên thì các cấp, ngành, địa phương phải xem đó là đại sự thì mới có trách nhiệm xử lý đến nơi đến chốn, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm trong hàng ngũ cán bộ ở lĩnh vực mình. Còn nếu chỉ "lấy làm tiếc" và hứa sẽ "xử lý nghiêm" thì mọi chuyện đâu sẽ lại vào đấy.
Thanh tra là để chỉ ra cái sai nhằm giúp người ta làm đúng, ai sai đến mức bị kỷ luật thì kiến nghị xử lý. Đến thanh tra người ta mà chính mình sai phạm trước thì còn gì phép tắc, kỷ cương, kỷ luật! Do vậy, chống tham nhũng đừng quên phải soi rõ chính lực lượng chống tham nhũng, trong đó có thanh tra. "Bàn tay sắt" chống tham nhũng chưa đủ, phải có "bàn tay sạch".
Dư luận đang chờ xem trường hợp ở Vĩnh Phúc sẽ được xử lý ra sao. Bị tạm giữ "cả đoàn" thì rõ ràng chẳng phải là vụ việc đơn lẻ, ngược lại phải nói rất nghiêm trọng.
Đừng quên là cách đây chỉ hơn 1 tháng, cả đoàn gồm 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị Công an tỉnh này khởi tố, bắt tạm giam vì tội nhận hối lộ trong khi thi hành công vụ trên địa bàn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ban-tay-sat-ban-tay-sach-20190613223144642.htm