Ai đắc lợi nhất sau cuộc chiến Afghanistan?

Sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan từ sự rút lui của người Mỹ, Pakistan được cho là bên được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng họ sẽ làm gì với 'thắng lợi' này?

Chỉ vài ngày sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul, lá cờ của lực lượng này cũng tung bay trên nóc của một thánh đường Hồi giáo ở trung tâm thủ đô Islamabad của Pakistan.

Đó là hành động dường như nhằm vào người Mỹ. Nhưng không chỉ vậy, điều đó còn cho thấy ai mới thật sự đắc lợi trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ của Mỹ ở Afghanistan.

 Khalil Haqqani, một trong những chỉ huy của Taliban, thuyết giảng tại thánh đường Pul-e-Kheshti ở Kabul hồi tuần trước. Ảnh: New York Times.

Khalil Haqqani, một trong những chỉ huy của Taliban, thuyết giảng tại thánh đường Pul-e-Kheshti ở Kabul hồi tuần trước. Ảnh: New York Times.

Đồng minh trên lý thuyết

Trên lý thuyết, Pakistan là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Al Qaeda và Taliban. Quân đội nước này được viện trợ hàng chục tỷ USD từ chính phủ Mỹ trong vòng 20 năm qua. Mặc dù vậy, chính Washington cũng thừa nhận phần lớn số tiền này không mang lại kết quả rõ rệt nào.

Nhưng mối quan hệ "đồng minh" này từ đầu đã bị chia rẽ bởi những lợi ích cốt lõi khác nhau của mỗi bên, ngay khi nó bắt đầu được hình thành sau sự kiện 11/9. Nên nhớ rằng, ngay từ ban đầu, các chiến binh Taliban đã được đào tạo và huấn luyện thông qua Cơ quan Tình báo Quân đội Pakistan (ISI).

Và trong suốt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ qua, ISI chính là tổ chức đã nuôi dưỡng và bảo vệ các tài sản của Taliban ở Pakistan.

Trong vòng 3 tháng qua, quân đội Pakistan đã cho phép số lượng lớn chiến binh Taliban tràn vào Afghanistan qua biên giới để giúp lực lượng này giành lại quyền kiểm soát đất nước từ quân đội chính phủ.

"Pakistan và ISI cho rằng họ đã thắng ở Afghanistan", ông Robert Grenier, cựu chỉ huy CIA ở Pakistan, nhận định.

Nhưng ông Grenier cũng cảnh báo rằng Pakistan nên cẩn trọng với những gì họ mong muốn. "Nếu Taliban trở thành lãnh đạo của một nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan, điều rất có thể sẽ diễn ra, thì Pakistan sẽ bị ràng buộc bởi nhà nước này", ông Grenier nói thêm.

Hình ảnh vốn đã bị ảnh hưởng của Pakistan ở phương Tây có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Các nhà báo Afghanistan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt Pakistan sau những gì đã diễn ra. Một nhà nước do Taliban điều hành ở Afghanistan chắc chắn sẽ lôi kéo các chiến binh Hồi giáo từ Pakistan.

Không chỉ vậy, quan hệ giữa Pakistan với Mỹ, vốn đã nguội lạnh, sẽ chịu thêm những tổn thất. Khi không còn mục tiêu ở Afghanistan, Washington sẽ không có lý do gì để hợp tác với Pakistan, ngoại trừ việc đảm bảo sự ổn định cho kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Vậy câu hỏi lớn lúc này là Pakistan sẽ làm gì sau "thắng lợi" của họ ở Afghanistan. Cùng với Nga và Trung Quốc, Pakistan là nước đang tìm cách khỏa lấp khoảng trống mà người Mỹ để lại. Đại sứ quán của 3 quốc gia này vẫn mở cửa và hoạt động ngay cả khi Taliban tiến vào Kabul.

Khalil Haqqani, một chỉ huy của Taliban và sẽ điều hành bộ máy an ninh của Afghanistan trong thời gian tới, từng thường xuyên xuất hiện ở tổng hành dinh quân đội Pakistan tại Rawalpindi.

"Việc điều hành một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sẽ là thử thách thực sự, đặc biệt khi Taliban là một lực lượng tham chiến chứ không phải những nhà quản lý", ông Maleeha Lohdi, cựu đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc, nhận định.

Trong suốt cuộc chiến Afghanistan, người Mỹ đã chấp nhận trò chơi hai mặt của Pakistan, vì các cảng và sân bay của nước này đóng vai trò thiết yếu trong việc tiếp tế cho các hoạt động quân sự.

Và đúng là Pakistan đã hỗ trợ việc đó, bất chấp việc các điệp viên nước này vẫn trợ giúp huấn luyện và đôi khi là cố vấn trực tiếp cho các hoạt động của Taliban trong cuộc chiến.

Mặc dù Pakistan được coi là một đồng minh của Mỹ nhưng cũng giống như các nước khác, quốc gia này luôn hoạt động vì lợi ích của chính mình. Những lợi ích đó không bao gồm sự hiện quân sự quy mô lớn của Mỹ ở biên giới, hay một Afghanistan tự trị với chính phủ dân chủ không chịu sự ảnh hưởng của Islamabad.

Thay vào đó, mục tiêu của Pakistan ở Afghanistan là tạo ra phạm vi ảnh hưởng để ngăn chặn kẻ thù không đội trời chung của họ: Ấn Độ. Người Pakistan cho rằng Ấn Độ đã sử dụng các nhóm ly khai như lực lượng Quân Giải phóng Balochistan, hoạt động ở Afghanistan để kích thích sự bất ổn ở Pakistan.

"Quân đội Pakistan cho rằng Afghanistan sẽ tạo ra chiều sâu cho chiến lược chống lại Ấn Độ, vốn là nỗi ám ảnh của họ. Mỹ cũng khuyến khích Ấn Độ hỗ trợ chính phủ Afghanistan do Washington hậu thuẫn sau năm 2001, thúc đẩy sự hoang mang của quân đội Pakistan", ông Bruce Riedel, cựu cố vấn Nam Á của chính quyền Bush và Obama, nhận định.

 Các tay súng Taliban ở Kabul, Afghanistan, hôm 22/8. Ảnh: New York Times.

Các tay súng Taliban ở Kabul, Afghanistan, hôm 22/8. Ảnh: New York Times.

Người Pakistan cũng không hài lòng khi ông Barack Obama đến thăm Ấn Độ vào năm 2015 nhưng không đến Pakistan, theo ông Riedel.

Trong chuyến thăm tới Washington mùa xuân vừa qua, ông Moeed Yusuf, cố vấn an ninh quốc gia Pakistan, đã nhấn mạnh việc cần thiết phải loại bỏ sự hiện diện của Ấn Độ ở Afghanistan với các quan chức Mỹ.

Ông Yusuf được coi là một người ôn hòa trên chính trường Pakistan, và Washington tỏ ra bất ngờ với thái độ của ông về vai trò của Ấn Độ ở Afghanistan.

Và những lợi ích chia rẽ

Khi các nhà ngoại giao Ấn Độ di tản khỏi Kabul cách đây 2 tuần, báo chí Pakistan đưa tin về việc này như một chiến thắng của quốc gia.

Trong khi đó, mối quan hệ của chỉ huy Taliban Haqqani với Pakistan được cho là đóng vai trò thiết yếu cho chiến thắng của lực lượng này ở Afghanistan. Đây là ý kiến của ông Douglas London, cựu chỉ huy các chiến dịch chống khủng bố của CIA tại Nam Á và Tây Nam Á.

Người đứng đầu quân đội Pakistan, ông Qamar Javed Bajwa, và chỉ huy ISI là ông Hameed Faiz, đều có những cuộc gặp mặt thường xuyên với Khalil Haqqani. Gia đình của Haqqani cũng sinh sống ở Pakistan, tại khu vực biên giới với Afghanistan.

Trong nhiều năm, khi Mỹ gây sức ép yêu cầu Pakistan bắt giữ Khalil Haqqani và 2 lãnh đạo khác của tổ chức này, ông Bajwa vẫn nói "Chỉ cần các ông nói cho tôi biết họ ở đâu". Đó là những chia sẻ của ông London trong cuốn hồi ký sắp xuất bản của mình.

Theo ông London, sự trợ giúp của quân đội Pakistan với Taliban là rất sâu rộng. Các chiến binh Taliban ẩn náu tại quốc gia này dọc theo đường biên giới với Afghanistan, đặc biệt là tại thành phố Quetta. Nếu bị thương, quân Taliban sẽ được điều trị tại bệnh viện ở các thành phố lớn như Karachi và Peshawar.

ISI giữ bí mật về các hoạt động của họ, cũng như tránh để nhân sự tham gia trực tiếp vào xung đột ở Afghanistan, do lo ngại họ có thể bị bắt và ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ với Mỹ, theo ông London.

Sự trợ giúp của ISI với Taliban không chỉ nằm ở việc huấn luyện và đào tạo. Thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar sử dụng hộ chiếu Pakistan để tham dự các cuộc đàm phán với Mỹ ở Doha, Qatar. Ông Baradar cũng dùng hộ chiếu Pakistan để tới gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân.

"Taliban sẽ chẳng là gì nếu không có sự trợ giúp của người Pakistan", ông London nhận định.

Mối quan hệ giữa Washington và Islamabad bắt đầu nguội lạnh sau khi biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 tại một ngôi nhà gần học viện quân sự của Pakistan. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã ngừng công du Pakistan, và việc viện trợ cũng bị cắt đứt.

Bất chấp sự rạn nứt này, Mỹ vẫn tiếp tục các chương trình hợp tác với Pakistan thông qua Bộ Năng lượng để đảm bảo an ninh cho khu vũ khí và vật liệu phân hạch của Islamabad.

 Cảnh sát Pakistan canh gác bên ngoài tòa nhà nơi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, hồi năm 2011. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát Pakistan canh gác bên ngoài tòa nhà nơi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, hồi năm 2011. Ảnh: New York Times.

Nhưng cùng lúc đó, Pakistan cũng chấp nhận để Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nước này. Bắc Kinh công khai thể hiện sự đắc ý khi Mỹ rời khỏi Afghanistan, và sẵn sàng mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường đến quốc gia này, nơi họ hy vọng sẽ khai thác được nhiều loại khoáng sản quý hiếm.

Tuy nhiên đằng sau sự công khai đó, Trung Quốc vẫn đang cảnh giác. Công nhân người Trung Quốc đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố, điều dự báo một chặng đường khó khăn ở Afghanistan. Và Taliban cũng thích sự cô lập hơn là những con đường cao tốc, vì điều đó giúp lực lượng này dễ dàng kiểm soát đất nước. Mỹ đã phải chịu nhiều tổn thất cả về người và của từ sự phá hoại của Taliban khi xây dựng con đường quốc lộ vòng quanh Aghanistan trong 2 thập kỷ.

Ông Sajjan Gohel, giám đốc an ninh quốc tế của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở London, cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tin tưởng Pakistan để hỗ trợ cho những tham vọng của họ ở Afghanistan.

"Người Trung Quốc có vẻ tự tin rằng họ sẽ đảm bảo được sự an toàn từ Taliban, vì mối quan hệ chung của cả hai với Pakistan", ông Gohel nhận định.

Taliban chiếm Kabul, chính phủ Afghanistan sụp đổ Lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul hôm 15/8. Lầu Năm Góc cho biết 6.000 lính Mỹ sẽ triển khai tới sân bay để hoàn tất việc sơ tán nhân viên Mỹ.

Quốc Thăng

theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-dac-loi-nhat-sau-cuoc-chien-afghanistan-post1255928.html