Ai đang điều trị cường giáp cần lưu ý những điều này khi dùng thuốc

Cường giáp là một nhóm bệnh do tình trạng tăng tiết quá mức hormone tuyến giáp. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức... Điều trị bằng thuốc là lựa chọn đầu tiên mang lại hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Có khoảng 80-90% người bị cường giáp là do mắc bệnh basedow. Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm: Bệnh bướu tuyến giáp thể đa nhân, viêm tuyến giáp, u tuyến độc, ung thư giáp, u tuyến yên, khẩu phần ăn quá nhiều iốt, bệnh nhân sử dụng quá nhiều hormone tuyến giáp tổng hợp...

Khi bị cường giáp sẽ tác động đến sự chuyển hóa trong cơ thể. Do đó gây ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, não bộ...

Bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp:

Nhịp tim nhanh: Thường hơn 100 nhịp/phút hoặc loạn nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực khiến người bệnh luôn cảm thấy bồn chồn, lo lắng và thậm chí là khó thở.
Giảm cân đột ngột mặc dù ăn uống vẫn bình thường, thậm chí ăn nhiều hơn do tăng chuyển hóa.
Khả năng vận động kém, người mệt mỏi, yếu cơ, giảm sức lao động.
Stress, căng thẳng, khó tập trung, run tay.
Rối loạn tiêu hóa.
Phì đại tuyến giáp, bướu cổ hoặc lồi mắt.
Giọng nói khàn do tuyến giáp mở rộng ra...

Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

- Suy tim: Tình trạng này là do nhịp tim nhanh và các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ khi bị cường giáp kéo dài.

- Cơn bão giáp trạng: Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi hormone giáp tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề và nguy hiểm

- Lồi mắt ác tính: Biến chứng này thường gặp trong cường giáp do Basedow. Bệnh nhân có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng. Ngoài ra, bệnh nhân còn dễ bị tổn thương giác mạc, viêm kết mạc dẫn đến thị lực giảm.

Cường giáp là do tình trạng tăng tiết quá mức hormone tuyến giáp.

Cường giáp là do tình trạng tăng tiết quá mức hormone tuyến giáp.

Các thuốc điều trị cường giáp

Thuốc điều trị bệnh cường giáp ít gây biến chứng, nên đây là phương pháp đầu tiên được bác sĩ ưu tiên lựa chọn.

Có 3 nhóm thuốc điều trị cơ bản gồm:

Iod phóng xạ: Có vai trò phá hủy tuyến giáp.
Thuốc kháng giáp: Ngăn cản sự hoạt động quá mức của tuyến giáp.
Thuốc chẹn beta: Nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của cường giáp.

Khi được phát hiện kịp thời, có tới hơn 90% bệnh nhân cường giáp bình phục nhờ sử dụng phương pháp dùng thuốc. Những trường hợp còn lại không khỏi bệnh là do nhiều nguyên nhân khác khác nhau, chẳng hạn như phát hiện bệnh khi bệnh đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như cơn bão giáp, lồi mắt ác tính...

Bệnh nhân có thể chỉ cần sử dụng 1 loại thuốc hoặc cần phải phối hợp 3 loại thuốc nêu trên. Tuy nhiên, trước khi kê đơn, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh của mỗi người để quyết định loại thuốc cũng như liều dùng sao cho phù hợp.

Do đó, người bệnh không tự ý mua thuốc để uống để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn nguy hiểm.

Thuốc kháng giáp

Chức năng của thuốc kháng giáp là giúp tuyến giáp giảm tiết hormone. Thuốc bắt đầu có tác dụng sau từ 1 - 3 tháng sử dụng. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để dò liều, sau 3 tháng sẽ điều chỉnh giảm dần liều cho tới khi hoàn tất liệu trình.

Lưu ý, trong quá trình dùng thuốc nếu thấy bệnh thuyên giảm, bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc đột ngột. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp biến chứng bão giáp vô cùng nguy hiểm.

Có 2 loại thuốc kháng giáp thường dùng hiện nay:

- Propylthiouracil (PTU): Là thuốc ưu tiên lựa chọn, dùng được cho cả phụ nữ có thai. Khi được kê đơn, bệnh nhân cần duy trì lịch uống thuốc đều đặn để thuốc phát huy hết tác dụng.

- Methimazole: Thuốc có tác dụng nhanh hơn PTU, tùy bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định cách dùng thuốc từ 1-3 lần/ngày. Cần tuân thủ chỉ định chặt chẽ.

Cả 2 loại thuốc trên đều có công dụng là bảo vệ tuyến giáp, có tác dụng trong vòng 12 tháng dùng liên tục. Tuy nhiên, cường giáp là bệnh thường có dấu hiệu tái phát, đặc biệt là giai đoạn giảm liều thuốc. Nhiều trường hợp phải uống liên tục từ 12 - 18 tháng, thậm chí có bệnh nhân phải uống thuốc suốt đời. Do đó bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc.

Trường hợp gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc hoặc thường xuyên tái phát bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc đổi sang phương pháp điều trị khác.

Sụt cân đột ngột, ra mồ hôi nhiều, run tay... là một trong những biểu hiện của cường giáp.

Sụt cân đột ngột, ra mồ hôi nhiều, run tay... là một trong những biểu hiện của cường giáp.

Thuốc kháng giáp ít gặp tác dụng phụ. Các tác dụng phụ chỉ gặp khoảng 1-3% trường hợp dùng thuốc. Một số tác dụng phụ có thể gặp đó là:

Ngứa ngáy, phát ban da
Sốt.
Rụng tóc.
Phù, buồn nôn, tức ngực.
Đau đầu.
Đau nhức xương khớp.

Rất hiếm gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như: Giảm bạch cầu đột ngột, tổn thương gan, cảm cúm. Tuy nhiên nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng này cần phải tới gặp bác sĩ ngay.

Thuốc iod phóng xạ

Iod là nguyên liệu thiết yếu để tổng hợp hormone tuyến giáp. Tuyến giáp có khả năng bắt giữ và di chuyển các nguyên tử iod vào tế bào để sử dụng cho việc tổng hợp hormone. Chính vì thế khi bị cường giáp, sẽ tập trung nhanh và nhiều hơn tại tuyến giáp.

Iod phóng xạ được sử dụng để diệt bớt mô tuyến giáp đang hoạt động quá mạnh dẫn đến cường giáp hoặc làm giảm kích thước tuyến giáp quá to. Sau khi uống, iod phóng xạ sẽ đi vào máu và tác động vào tuyến giáp. Thay vì giúp tuyến giáp tổng hợp hormone thì phóng xạ sẽ hủy hoại dần tuyến giáp để khiến cơ quan này dần mất đi khả năng tiết ra hormone giáp, nhờ đó đẩy lui được bệnh cường giáp.

Thuốc thường sẽ có tác dụng khi dùng khoảng 6 tháng. Trong quá trình này, bệnh nhân cần dùng kết hợp với thuốc chẹn beta để hạn chế các triệu chứng cường giáp. Khoảng 90% bệnh nhân khỏi bệnh sau 1 liều iod phóng xạ. Số còn lại phải dùng tới liều thứ 2 và nếu đã dùng 2 liều mà bệnh vẫn chưa khỏi thì sẽ phải cân nhắc tới phương án phẫu thuật để điều trị dứt điểm.

Iod có thể gây ra một số tác dụng phụ:

Buồn nôn, nôn: Tình trạng này sẽ hết sau vài ngày uống thuốc.
Luôn cảm thấy có vị kim loại trong miệng: Để khắc phục, bệnh nhân có thể thêm đường vào món ăn để cải thiện khẩu vị. Triệu chứng này cũng sẽ hết sau 1-2 tuần.
Viêm tuyến nước bọt: Sưng 1 hoặc cả 2 bên cằm trong vài tuần. Để dễ chịu hơn, bệnh nhân nên uống một chút nước chanh pha đường;
Suy giáp: Đây là biến chứng nặng nề nhất, người bệnh có thể sẽ phải dùng levothyroxine suốt đời.

Lưu ý khi sử dụng iod phóng xạ:

- Phụ nữ mang thai, có kế hoạch mang thai trong vòng 6 tháng tới hoặc phụ nữ đang cho con bú không được sử dụng phương pháp này.

- Để ngăn chặn việc phóng xạ sẽ làm ảnh hưởng tới người xung quanh, bệnh nhân cần:

+ Cách ly tuyệt đối tại bệnh viện 3 ngày sau khi uống thuốc. Sau khi ra viện, cần cách ly mình tại phòng riêng tối thiểu 1 tuần; quản lý quần áo, khăn tắm, bàn chải... riêng; không để lây lan chất dịch như mồ hôi, nước bọt, chất thải như nước tiểu, phân... lây nhiễm ra môi trường.

+ Uống nhiều nước để nhanh chóng đào thải thuốc.

+ Làm sạch kỹ bồn cầu sau khi đi vệ sinh.

+ Thường xuyên rửa tay và vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

Thuốc chẹn beta

Đây không phải là thuốc điều trị cường giáp, thuốc chẹn beta giúp quản lý tốt các triệu chứng của cường giáp cho tới khi thuốc điều trị chính bắt đầu phát huy tác dụng. Các triệu chứng này bao gồm: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài, run rẩy...

Ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bị cường giáp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chẹn beta, khởi đầu với liều thấp nhất. Sau đó mới tăng dần liều đến khi đạt được liều giúp kiểm soát được các triệu chứng hoàn toàn.

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc chẹn beta như:

- Chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa: Nếu gặp phải những hiện tượng này, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác thích hợp hơn.

- Tăng nhạy cảm với ánh nắng: Thuốc chẹn beta còn có tác dụng phụ là tăng độ nhạy cảm của cơ thể với môi trường bên ngoài. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần bảo vệ da để tránh khỏi các phản ứng như cháy nắng, dị ứng, phát ban...

Lưu ý khi dùng thuốc chẹn beta cho các trường hợp:

- Người cao tuổi bị cường giáp có thể không đáp ứng với thuốc chẹn beta.

- Người đang mắc các bệnh như huyết áp thấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh về đường hô hấp, hen suyễn thì cần báo ngay với bác sĩ. Đặc biệt ở những người đang bị hen suyễn, thuốc chẹn beta sẽ khiến cho triệu chứng của hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn.

- Không uống nước ép bưởi khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.

Cường giáp là bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc, nhưng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để điều trị. Người bệnh cần kiên trì và tuân thủ nghiêm túc các chỉ định của bác sĩ để bệnh có tiến triển tích cực.

BSCKI Nguyễn Thị Thúy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-dang-dieu-tri-cuong-giap-can-luu-y-nhung-dieu-nay-khi-dung-thuoc-169240924092532832.htm