Ai từng có món đồ chơi Trung thu này chắc hẳn không còn trẻ
Nhắc đến Tết Trung thu, nhiều người rưng rưng nhớ về món đồ chơi dân dã mà bố mẹ hay chính họ từng làm, phần lớn những người này giờ không còn trẻ.
Với thế hệ 8X đời đầu trở về trước, đồ chơi Trung thu chủ yếu là đồ tự chế. Không phải ai cũng có đủ vật liệu và sự khéo léo để tạo ra những chiếc đèn ông sao, nhưng đèn/nến hạt bưởi thì mọi cô bé, cậu bé đều có thể tự làm được.
Từ cuối tháng 7 âm lịch, trẻ con, người lớn trong nhà đã nhắc nhau giữ lại hạt khi ăn bưởi. Chúng được rửa sạch, phơi khô. Gần tới rằm tháng 8, khi tiếng trống múa lân bắt đầu thùng thùng thình thình đầu làng cuối xóm vào các buổi tối, đám hạt bưởi tích được cũng đủ nhiều. Chúng được đưa ra lột vỏ, rồi xâu lại thành từng chuỗi.
Chuỗi hạt bưởi ấy đem đốt lên, gọi là đèn cũng được, gọi là nến cũng chẳng sai. Ngọn lửa không quá chói lọi cùng ngọn khói bốc lên đủ để tạo ra ánh sáng kỳ ảo mơ màng, cả tiếng tanh tách, lép bép phát ra cùng mùi hương của tinh dầu bưởi cũng nhỏ nhẹ khiêm tốn như niềm vui lâng lâng của đứa trẻ, khi mọi giác quan đều được hưởng hương vị Tết Trung thu.
Thời đèn hạt bưởi, trẻ con còn thèm bánh kẹo, thèm đồ ngọt, nên cỗ Trung thu là cả một niềm ước ao chờ đợi. Rước đèn, theo đuôi đoàn múa lân đi khắp xóm... là hoạt động của cả tuần trước rằm tháng 8, nhưng phá cỗ thì chỉ đúng đêm rằm mới có. Hôm đó nhà nào cũng dọn cơm tối rất sớm, khi trời còn sáng, để lũ trẻ kịp ra điểm phá cỗ trung thu. Ai có đèn ông sao thì rước đèn ông sao, ai có đèn hạt bưởi thì cầm đèn hạt bưởi. "Hầm hố" hơn là những cậu thiếu niên rước đèn làm bằng vỏ lon sữa bò, bên trong có giẻ tẩm dầu hỏa, khói bốc lên khét lẹt cả đường xóm, nhưng lửa thì sáng lắm. Lũ trẻ ồn ào huyên náo trêu ghẹo nhau, so bì nhau, nhưng khi đến nơi, nhìn thấy cái bàn lớn bày đầy bánh kẹo, trái cây thì lập tức ngoan ngoãn ngồi vào hàng.
Rồi thì màn phát biểu của người lớn và các tiết mục văn nghệ cũng qua. Kể cả màn phát phần thưởng cho các bạn học sinh giỏi cũng kết thúc để đến phần được mong đợi nhất là phát kẹo. Mỗi đứa được một gói nhỏ, ăn tại chỗ hay mang về thì tùy. Có khi kẹo được phát theo từng hộ gia đình, nhà nào đông con sẽ được phần nhiều hơn. Những năm về sau, đời sống khấm khá lên, trẻ con ngoài phần bánh trái mang về còn được phá cỗ tại chỗ.
Đêm rằm qua đi nhưng dư vị ngọt ngào của những chiếc kẹo đêm ấy vẫn còn đọng lại. Nhiều đứa trẻ còn níu kéo không khí Trung thu bằng cách tiếp tục tích trữ hạt bưởi, xâu làm đèn, cho đến khi cả mùa bưởi cũng đi qua...
Lũ trẻ thời chơi đèn hạt bưởi ấy giờ đều đã là bố mẹ, thậm chí đã thành ông bà. Dù giàu hay nghèo, họ cũng dễ dàng mua cho con, cho cháu những chiếc đèn Trung thu đủ kiểu dáng cùng nhiều thứ đồ chơi trông trăng khác, cả truyền thống lẫn hiện đại. Nhìn nụ cười rạng rỡ ngây thơ của lũ trẻ mỗi dịp rằm tháng Tám, ký ức của mấy chục năm trước lại ùa về, với mùi hương của hạt bưởi cháy, tiếng tanh tách vui vẻ và sợi khói bay lên...
Và dịp tháng 8 này, có những người vẫn đem phơi hạt bưởi, để tìm lại những cảm xúc rưng rưng của ngày xưa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ai-tung-co-mon-do-choi-trung-thu-nay-chac-han-khong-con-tre-ar637392.html