AI viết 'điếu văn' Trần Đăng Khoa và chuyện sáng tạo thơ ca thời công nghiệp 4.0

Công nghệ có thể giúp tác giả đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, song với khả năng viết một bài thơ trong vài giây, nhiều người e ngại rằng liệu AI có khiến các tác giả 'mất việc.'

Độc giả tham dự Ngày thơ Việt Nam 2023 tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Độc giả tham dự Ngày thơ Việt Nam 2023 tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển không ngừng, thơ ca cùng các loại hình nghệ thuật khác đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ. Không thể phủ nhận rằng công nghệ giúp người sáng tạo dễ dàng đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, song, việc trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng viết một bài thơ trong vài giây cũng khiến nhiều người e ngại rằng liệu các nhà văn, nhà thơ có bị “mất việc” hay không…

Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận trong tọa đàm “Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng” diễn ra ngày 25/10 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Ngỡ ngàng khi ‘sai’ AI viết điếu văn

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trăn trở rằng sự phát triển của AI đã ít nhiều đe dọa những người sáng tạo văn học, mà đặc biệt là những người viết văn xuôi.

Mới đây, ông “ra lệnh” cho AI viết một bản điếu văn cho chính mình dựa trên những từ khóa: Điếu văn cho lão già Trần Đăng Khoa, nhà thơ, dài 800 chữ. Ngay sau hai giây, AI đã trả cho ông một bản điếu văn cực kỳ đầy đủ và ấn tượng.

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã hài hước "ra lệnh" cho AI viết điếu văn cho chính mình. (Ảnh: NVCC)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã hài hước "ra lệnh" cho AI viết điếu văn cho chính mình. (Ảnh: NVCC)

“Điếu văn nhắc đầy đủ các tác phẩm của tôi, trong đó có những tác phẩm từ thời nảo thời nao mà chính tôi còn không nhớ rõ. Tôi cho một người bạn đọc điếu văn này, cô ấy đã vô cùng ngạc nhiên pha lẫn thán phục. Cô ấy bảo AI viết hay và xúc động không thể tưởng tượng được,” nhà thơ hài hước kể.

Ông nói thêm rằng ông và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thường có “nhiệm vụ” viết điếu văn khi có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam qua đời. Đây là công việc vô cùng khó, bởi người viết phải rất thấu hiểu về thân thế, sự nghiệp, tính cách của nhà văn, nhà thơ đó. Bởi vậy, việc AI có thể viết một bài điếu văn tường tận, xúc động khiến ông rất ngỡ ngàng.

Sau bản điếu văn này, ông còn ra đề bài cho AI viết một truyện vừa về thôn Làng Nủ sau trận lụt kỷ lục vừa qua. Và thật bất ngờ, AI đã viết thành một truyện vừa dài khoảng 100 trang.

“AI thông minh tới mức viết xong chương I đã đưa cho tôi đọc và hỏi xem có gợi ý gì hoặc cùng với nó viết tiếp chương II. Tôi thử copy một đoạn trong truyện do AI viết rồi tìm xem nó có ‘ăn cắp’ truyện của ai đó không nhưng hoàn toàn không có,” nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về trải nghiệm của mình.

 (Từ trái sang) Các nhà thơ Trần Kim Hoa, Trần Đăng Khoa, Lữ Mai tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

(Từ trái sang) Các nhà thơ Trần Kim Hoa, Trần Đăng Khoa, Lữ Mai tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Từ đó, ông đặt ra một vấn đề là các nhà văn thời 4.0 sẽ phải sáng tạo như thế nào, tìm đề tài ra sao, trăn trở với từng trang văn như thế nào để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước được, không thể với tới được.

“Chỉ có như thế, con người mới giữ được vai trò kiểm soát và điều khiển máy móc, nếu không thì sẽ bị trí tuệ nhân tạo lấn lướt,” nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

AI 'nhân bản' sự sáng tạo

Từ câu chuyện về “mối đe dọa” mà AI mang lại cho người cầm bút, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chỉ ra mặt tích cực của công nghệ là giúp cho người sáng tác có thêm nhiều con đường để tiếp cận độc giả.

Ngoài sách giấy truyền thống, hiện nay nhà thơ ưa chuộng việc đọc sách điện tử trên điện thoại thông minh nhờ sự tiện lợi.

“Tôi có thể đọc sách điện tử ở bất cứ đâu, có thể điều chỉnh cỡ chữ to nhỏ cho phù hợp. Khi nào rảnh rỗi, tôi sẽ đọc sách điện tử để nghiền ngẫm từng con chữ, khi bận rộn hoặc mệt mỏi, tôi mở sách nói để nghe người khác đọc cho mình. Hiện nay, các tác giả đang có nhiều kênh để đến với công chúng của mình,” nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

 Nhà thơ Trần Kim Hoa từng đoạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 với tập thơ "Bên trời". (Ảnh: NVCC)

Nhà thơ Trần Kim Hoa từng đoạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 với tập thơ "Bên trời". (Ảnh: NVCC)

Cùng quan điểm đó, nhà thơ-nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho rằng văn thơ đến với công chúng bằng nhiều con đường: Sách báo, các phương tiện truyền thông, các câu lạc bộ thơ, các sinh hoạt văn hóa nơi nhà thơ có thể đọc trực tiếp cho độc giả và sung sướng khi thấy được ánh mắt, nụ cười, sự chú tâm của người nghe.

“Tôi đã được nghe những bài thơ đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó là đọc thơ in trên báo. Đó là những phương tiện thông tin chính thống mà tôi chung thủy đến giờ. Việc có thơ đăng báo là một niềm tự hào đối với các nhà thơ. Ngày nay các bạn trẻ có thể đăng thơ, văn lên mạng xã hội, có nhiều cách để tiếp cận độc giả hơn,” bà Trần Kim Hoa chia sẻ.

Là một cây bút trẻ thế hệ 8X, nhà thơ Lữ Mai cho rằng việc đăng tác phẩm lên mạng xã hội có thể xem như “bước một bước ra thế giới” đối với các tác giả.

“Trong khi chưa được nhà xuất bản cấp phép cho tác phẩm hay tìm được đơn vị phối hợp in sách thì người viết có thể phổ biến một phần tác phẩm lên mạng,” nhà thơ Lữ Mai nói.

Tuy nhiên, chị cũng cảnh báo rằng mạng xã hội cũng có thể khiến tác giả ảo tưởng về khả năng của mình bởi sau khi đăng tác phẩm, họ sẽ nhận được những lời khen chê mà chưa chắc đã thật lòng và thấu đáo.

 Nhà thơ Lữ Mai là tác giả của nhiều tập thơ và văn xuôi. (Ảnh: NVCC)

Nhà thơ Lữ Mai là tác giả của nhiều tập thơ và văn xuôi. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà thơ Lữ Mai cho rằng người sáng tạo hãy ghi nhận giá trị của công nghệ song cũng không nên sợ hãi AI bởi dựa trên một câu hỏi, hay cùng một dữ liệu, cùng những từ khóa giống nhau, AI sẽ cho ra đời những bài viết giống nhau, không khác nào “nhân bản” sự sáng tạo. Do đó, các tác giả không thể lệ thuộc vào công nghệ mà đánh mất đi sự chủ động của mình.

“Nhà thơ Trần Đăng Khoa làm thơ khác nhà thơ Trần Kim Hoa và ngược lại, cái hay của thơ ca là ở chỗ đó. Tôi tin rằng không gì có thể thay thế cảm xúc cá nhân, song cũng không nên ‘lụy’ vào cảm xúc để phủ định hoàn toàn giá trị của công nghệ. Thay vào đó, hãy sử dụng AI một cách thông minh, kết hợp ý tưởng với cảm xúc để tạo nên dấu ấn cá nhân,” nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.

Nhà thơ cho hay chị sẵn sàng bước chậm lại so với bước tiến của công nghệ để dành thời gian chiêm nghiệm cảm xúc cá nhân và học hỏi từ trải nghiệm của các bậc đàn anh, đàn chị.

“Sự hài hòa giữa bước chậm của cảm xúc và bước nhanh của công nghệ có thể giúp tôi cân bằng trong hành trình đến với độc giả,” Lữ Mai chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ai-viet-dieu-van-tran-dang-khoa-va-chuyen-sang-tao-tho-ca-thoi-cong-nghiep-40-post987500.vnp