Airbus, Boeing nhận được nhiều đơn hàng bất chấp khó khăn chuỗi cung ứng
Airbus và Boeing liên tục nhận được các đơn hàng từ các hãng hàng không châu Á trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không Singapore diễn ra từ 20 25/2/2024, bất chấp những lo ngại về chuỗi cung ứng gây khó khăn cho việc tăng cường sản xuất.
Trong khoảng thời gian gần đây, Airbus và Boeing đang gặp phải một số khó khăn trong việc giao hàng do sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng vào thời điểm mà nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới đang gấp rút củng cố đội bay của mình. Ngoài ra, Boeing cũng đang phải đối mặt với một loạt vấn đề liên quan tới an toàn và kiểm soát chất lượng sau vụ nổ bảng điều khiển cabin trên một trong những máy bay của hãng hồi tháng 1 đầu năm.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy bay trên vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các hãng hàng không châu Á.
Ngày 21/2, Nikkei Asia trích dẫn thông báo từ hãng hàng không Starlux Airlines của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết hãng đã đặt hàng 5 máy bay chở hàng A250 và 3 máy bay chở khách thân rộng A330neo của Airbus. Dự kiến trong năm 2025 và 2026, Airbus sẽ tiến hành giao hàng mẫu máy bay A330neo cho hãng hàng không này.
Phát biểu với các phóng viên bên lề Triển lãm Hàng không Singapore, Chủ tịch Starlux Chang Kuo-wei cho biết công ty đang tìm cách tận dụng luồng hàng hóa từ thị trường châu Á đến Bắc Mỹ do đảo Đài Loan “đang trở thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa công nghệ thông tin lớn”.
Nhận định về kế hoạch cho tương lai, ông cho biết công ty đang có kế hoạch đặt mua thêm 5 chuyên cơ vận tải nữa trong khi đối với máy bay chở khách, ông Chang biết hãng đang mong muốn trở thành hãng hàng không quá cảnh cho du khách từ Đông Nam Á đến Bắc Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Starlux Airlines có kế hoạch mở rộng các tuyến bay ra ngoài châu Á, bao gồm cả chuyến bay mới đến Seattle, Mỹ bắt đầu vào giữa năm nay.
Về phía Boeing - đối thủ tới từ Mỹ của Airbus – nhà sản xuất này ngày 20/2 đã nhận được đơn đặt hàng 45 máy bay thân rộng 787-9 từ hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan. Đây là đơn đặt hàng máy bay lớn nhất từ trước tới nay của quốc gia này. Với việc giao hàng dự kiến bắt đầu từ năm 2027, hãng hàng không Thái Lan đang tìm cách mở các đường bay mới để hỗ trợ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gia tăng trên khắp Đông Nam Á.
Ngoài Thai Airways, Boeing còn nhận được đơn đặt hàng 4 chiếc 787-9 Dreamliners từ Royal Brunei Airlines bắt đầu từ nửa cuối năm 2028.
Các đơn đặt hàng thể hiện sự phục hồi của thị trường du lịch châu Á – Thái Bình Dương cũng như tiềm năng lớn của khu vực này trong dài hạn. Theo dự đoán của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, thị trường này dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 4,5% trong vòng 20 năm tới, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 3,3%.
Boeing ngày 21/2 cũng đưa ra dự báo tích cực khi cho biết nhu cầu đội bay của các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Đông Nam Á sẽ duy trì ở mức cao. Tới năm 2042, Đông Nam Á dự kiến sẽ cần tổng cộng 4.225 máy bay mới, chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu toàn cầu về máy bay (42.595 chiếc).
Tuy nhiên, các khó khăn trong mọi cấp độ của chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ bao gồm nguyên liệu thô, thép và động cơ có thể là các yếu tố ảnh hưởng tới triển vọng tích cực trên. Nikkei Asia dẫn lời ông Christian Scherer, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh máy bay thương mại cốt lõi của Airbus, bên lề Triển lãm Hàng không Singapore ngày 20/2 cho biết: “Việc tăng cường sản xuất đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng ở khắp mọi nơi và nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết nó”.