Ðắk Glong với mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo

Thời gian qua, huyện Đắk Glong đã triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững. Trong đó, mục tiêu nghị quyết mà huyện đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát khỏi huyện nghèo.

Bám sát mục tiêu

Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo tại Đắk Glong theo tiêu chí mới chiếm 39,15%. Trong đó, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 32%.

Huyện ủy Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 11/11/2020 về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 72 để thực hiện theo nghị quyết.

Theo Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư, trên tinh thần nghị quyết, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo.

Hàng năm, căn cứ kế hoạch của UBND huyện, các xã đã xây dựng chỉ tiêu giảm nghèo, đề ra biện pháp cụ thể, phù hợp để các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.

 Nhiều hộ nghèo tại xã Đắk Plao được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế

Nhiều hộ nghèo tại xã Đắk Plao được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế

Huyện lồng ghép, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về giảm nghèo của Nhà nước, các chương trình, dự án giảm nghèo. Trên cơ sở này làm nền tảng cho các hộ nghèo có điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Địa phương vận động các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp mọi mặt để cùng góp sức đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, huyện xây dựng mô hình sản xuất giỏi, có hiệu quả, từ đó tổ chức triển khai nhân rộng. Tại các thôn, bon thành lập các tổ, nhóm để giúp đỡ, tương trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế.

Công tác đào tạo nghề, nhất là các ngành nghề thiết thực cho người dân như: trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông cụ, xây dựng và tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng.

 Nhiều mô hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả ngày càng được nhân rộng tại địa bàn

Nhiều mô hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả ngày càng được nhân rộng tại địa bàn

Tăng sự chủ động ở cơ sở

Xã Đắk P'lao là địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông. Tỉ lệ hộ nghèo tại xã theo tiêu chí mới chiếm gần 62%. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk P'lao Nguyễn Văn Hùng, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, cấp ủy, chính quyền xã đã vào cuộc kịp thời.

Xã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo MTTQVN xã và các đoàn thể chính trị, xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo được xã triển khai.

“Hàng năm, chúng tôi rà soát cụ thể các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có các chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên được quan tâm, bảo đảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đúng đối tượng”, ông Hùng cho biết.

Theo Bí thư Huyện ủy Đắk Glong Vũ Tiến Lư, cái được lớn nhất trong công tác giảm nghèo hiện nay là người dân, nhất là các hộ đồng bào thiểu số, đã thay đổi được tư duy, nhận thức. Từ đây, tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hạn chế rất nhiều.

Thời gian tới, Đắk Glong tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Qua đó, các hộ nghèo, cận nghèo thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả hơn.

Nguyễn Lương

3,093

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/%C3%B0ak-glong-voi-muc-tieu-thoat-khoi-huyen-ngheo-94251.html