Ám ảnh về nỗi cô đơn, sự cô độc trong thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Thơ Hàn Mặc Tử có ngôn ngữ và hình ảnh khác lạ. Có người đánh giá thơ ông siêu thực và điên.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh internet.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh internet.

Nguồn thơ dào dạt và lạ lùng

Hàn Mặc Tử nổi danh thơ ca từ năm 16 tuổi và có quen thân Phan Bội Châu. Gia đình ông theo đạo Công giáo, bản thân ông có tên thánh là Phê Rô Phanxicô. Hàn Mặc Tử xuất hiện trên thi đàn Việt Nam như một người từ cõi khác đến. Thơ ông vừa lạ, vừa đau khổ.

Hàn Mặc Tử cùng với Chế Lan Viên và vài người nữa được coi là theo “Trường thơ loạn”, nhóm này được thành lập ở Bình Định, sau còn có Quách Tấn và Yến Lan. Giữa thời Thơ Mới đang dâng cao, thì “Trường thơ loạn” ra đời như một sự đơn lẻ, khác biệt.

Ban đầu Hàn Mặc Tử có bút danh Phong Trần, Lệ Thanh, sau đổi là Hàn Mạc Tử, nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó, được mọi người khuyên, thêm vầng trăng khuyết vào chữ Mạc, nên bút danh Hàn Mặc Tử ra đời, nghĩa là chàng trai bút nghiên.

Ông nổi tiếng với các tập thơ Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Chơi giữa mùa trăng… Gái quê là tập thơ duy nhất được xuất bản khi Hàn Mặc Tử còn sống. Ngay từ khi xuất hiện trên thi đàn, Hàn Mặc Tử đã được đánh ra rất cao. Hàn Mặc Tử như một ánh sáng đẹp chiếu rọi xuống nhân gian.

Ông được Hoài Thanh đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam, với nhận định: “Một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng”. Cuộc đời thơ Hàn Mặc Tử dường như gắn liền với vận mệnh của ông, bởi ông mắc phải một căn bệnh được cho là truyền nhiễm thời bấy giờ, đó là căn bệnh hủi. Gia đình Hàn Mặc Tử cho biết, ông được phát hiện có biểu hiện bệnh vào năm 23 tuổi.

Trong thời gian mắc bệnh, Hàn Mặc Tử có thư từ qua lại và nảy sinh tình cảm với những nàng thơ của mình. Nhưng cảm giác yêu mà không được bên nhau, cùng với bệnh tật giày vò đã khiến cho tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử trở nên bí hiểm, mang một không gian, chiều kích khác. Đẹp mơ màng trong đau khổ.

Đến nay, khi đọc thơ ông, ta có thể nhận xét rằng, thơ Hàn Mặc Tử nói cái thực trong cái mơ và nói cái mơ trong cái thực. Người đọc chắc rằng luôn bị ám ảnh hình ảnh máu và trăng trong thơ ông. Máu là đại diện cho con người trần thế, đời thực; trăng là đại diện cho cõi khác, có thể là cõi tiên, đó là mơ.

Ta thấy Hàn Mặc Tử thất vọng, đau đớn, gào thét trong thơ, nhưng rồi, ông lại tìm được một nơi ở mới, một nơi chỉ có ông cảm nhận và đến được, bằng sự tưởng tượng siêu phàm, và bằng một tấm lòng đối với thơ, đối với cái đẹp của con người.

“Máu tim ta tuôn ra làm bể cả/ Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi/ Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ/Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.

Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết/ Khi say sưa với lượn sóng triền miên/ Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt/ Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng. (Biển hồn ta)

Để viết được lên những câu thơ lạ và hay vào bậc nhất thơ ca Việt Nam, chắc rằng Hàn Mặc Tử phải trải qua rất đau đớn về thể xác và tâm hồn, một đau đớn khó ai cảm nhận được, nếu chưa phải trải qua.

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/ Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ”. (Đà Lạt trăng mờ).

Mộ Hàn Mặc Tử trên Đồi Thi Nhân ở Bình Định. (Ảnh Tiền phong.)

Đoạn thơ trên có thể được coi là đoạn thơ bình yên nhất của Hàn Mặc Tử, khi nó không vướng víu đến hồn và máu, đến sự gào thét cô đơn. Nhưng cách gieo vần, nhịp điệu và hình ảnh trăng quá mờ ảo đã khiến đoạn thơ mang nỗi buồn chơi vơi, không định hình, vô hướng.

Một loại thơ của Hàn Mặc Tử cũng khiến người đọc phải nhớ, phải đau cùng, đó là loại thơ kinh dị, người đọc như bắt gặp bóng ma phảng phất trong thơ ông. Rốt cuộc, đó cũng chỉ là cách thể hiện cho một trạng thái sầu muộn, không biết chia sẻ cùng ai của Hàn Mặc Tử.

“Hồn là ai là ai? tôi không biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi/ Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười/ Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng/ Tôi chết giả và no nê vô vạn”. (Hồn là ai)

Thi sĩ của sự cô độc

Hàn Mặc Tử là thi sĩ của trăng, khi số lượng hình ảnh trăng được ông nhắc nhiều trong thơ. Chúng ta như bị ngợp về trăng của Hàn Mặc Tử. Và một câu thơ viết về trăng rất nổi tiếng của ông: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Chắc rằng tìm tư liệu Đông Tây, kim cổ, chưa thấy ai dám “cả gan” bán trăng như Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử chắc phải bi ai, chắc phải cô đơn, cô độc, chắc phải yêu cái đẹp thiết tha lắm mới viết được câu thơ như vậy. “Đêm ấy lại đêm thức với trăng/ Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng/ Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ/ Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!/ Tôi trả cho tôi những ngại ngần/ Trả người – đây nhé những phân vân/ Cõi riêng lặng lẽ gài then kín/ Ngoài ấy người vui với bụi trần/ Cơn gió lập đông buốt lạnh lùng/ Tứ bề gom lại một cõi không/ Lặng nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc/ Hiện hữu mà chi? Chỉ nghẹn lòng”.

Hàn Mặc Tử đau đớn với cõi thực, đau đớn đến nỗi ông phải nói hiện hữu mà chi. Hàn Mặc Tử là một cá tính đặc biệt, một thi sĩ dị biệt. Ông đã làm cho thơ ca trở nên huyền ảo, thần tiên hơn. Đồng thời, ông cũng làm cho nên thơ ca trở nên ủy mị, sầu úa, bi quan hơn. Và có lẽ, với Hàn Mặc Tử, thơ là thứ gì đó linh thiêng, là cõi riêng chỉ có riêng loài thi sĩ mới đi đến được.

Nói về thơ và trạng thái làm thơ, Hàn Mặc Tử từng viết: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi!...”.

Hàn Mặc Tử có thể được coi là nhà thơ độc đáo nhất trong các nhà thơ độc đáo. Thơ ông ra đời như thể đã rút hết toàn bộ tinh huyết của ông. Hàn Mặc Tử đã thành thật với chính tâm hồn mình, và nhiều khi là sống đến tận cùng với tâm hồn và cõi mơ của mình.

Đánh giá về tài thơ Hàn Mặc Tử, dường như ai cũng ca ngợi. Đời thực và đời thơ của Hàn Mặc Tử đã hòa vào một rất tự nhiên, rất đau đớn, vì thế mà tên tuổi ông sẽ như một tia sáng trong đêm, mặc dù côi cút, lạnh lẽo, nhưng ai cũng thấy và muốn được thấy. Chế Lan Viên không ngại ngần và khẳng định tài thơ Hàn Mặc Tử: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”.

VŨ Đoàn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/am-anh-ve-noi-co-don-su-co-doc-trong-tho-han-mac-tu-post437580.html