Ấm áp nghĩa đồng bào trong đại dịch COVID-19

Khép lại năm 2021 với quá nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhân dân trong tỉnh đang hân hoan chào đón năm mới Nhâm Dần với nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, nhưng nghĩa tình đồng bào thì sẽ còn mãi, trở thành nguồn động viên, khích lệ để mỗi người thêm nghị lực vượt khó vươn lên.

Đón con em quê hương Ninh Bình trở về từ vùng dịch phía Nam.

Đón con em quê hương Ninh Bình trở về từ vùng dịch phía Nam.

Như thường lệ, bữa cơm tất niên bao giờ cũng là dịp để gia đình chị Đinh Thị Bích (huyện Gia Viễn) bồi hồi điểm lại những sự kiện quan trọng của gia đình đã diễn ra trong năm. Như bao gia đình khác, với chị Bích, năm 2021 là một năm có quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dịch bệnh đã hưởng đến việc làm, thu nhập và cuộc sống của gia đình chị, nhưng như chị Bích nói, đó cũng là một năm mà gia đình chị đón nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của nhà nước và của cộng đồng.

Giới thiệu với chúng tôi về cậu con trai 17 tuổi, chị Bích xúc động kể: Đang học dở lớp 12 ở Trung tâm GDTX-GDNN Gia Viễn thì cháu quyết định nghỉ học để vào tỉnh Bình Dương học nghề cắt tóc. Nhưng mới học chưa thành nghề thì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cháu không thể học tiếp nhưng lại cũng không thể trở về quê. Một thời gian dài cháu phải sống nhờ sự cưu mang của người quen, gia đình tôi rất lo lắng vì cháu còn nhỏ lại lần đầu xa gia đình.

Khi tỉnh ta có chủ trương đón công dân ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về quê thì cháu thuộc đối tượng được ưu tiên đón về. Ngay khi được tuyên truyền và hướng dẫn làm thủ tục, gia đình đã làm đơn gửi chính quyền địa phương thể hiện nguyện vọng đón người thân về quê. Chỉ sau hơn một tuần bắt đầu từ khi làm các thủ tục đăng ký cháu đã có mặt bình an tại quê hương. Sau đó cháu quyết định đi học trở lại tại Trung tâm GDTX-GDNN huyện Gia Viễn. Được nhà trường, thầy cô giáo tận tình giúp đỡ, cháu đã theo kịp chương trình. Gia đình dự kiến, học xong cháu sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, sau đó sẽ cho cháu học nghề cơ khí. Bây giờ khu công nghiệp ở huyện Gia Viễn cũng phát triển mạnh, nếu có tay nghề thì không lo thiếu việc làm... "Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm của tỉnh, của các doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ để con tôi được trở về nhà ở thời điểm khó khăn nhất"- chị Bích nói.

Dẫu việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay có tiết kiệm hơn nhiều so với mọi năm do kinh tế gặp khó khăn song gia đình chị Cao Thị Giang ở xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) vẫn đón một năm mới đầm ấm, sum vầy và nhiều hy vọng. Chị Giang kể, từ nhiều năm nay, nguồn thu nhập chính của chị là từ nghề chụp ảnh cho khách du lịch ở chùa Bái Đính. Nhưng theo thời gian, nghề chụp ảnh thuê bắt đầu gặp khó vì đa số khách du lịch tự trang bị được các thiết bị chụp hình hiện đại. Dẫu vậy, cứ kiên trì, chăm chỉ mỗi ngày thì chị Giang cũng túc tắc có việc làm và nguồn thu.

Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Giang không có việc làm nữa. "Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm "ăn nên làm ra" của những người thợ chụp ảnh như mùa lễ hội, dịp nghỉ lễ 30/4,1/5 và dịp nghỉ hè... Để đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi phải tạm dừng các hoạt động, thành ra cũng không có nguồn thu nào khác. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn"- chị Giang nói. Giờ thì chị Giang đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Chị kể rằng, ở thời điểm khó khăn ấy chị đã được nhận khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ của tỉnh. Khoản tiền không phải là nhiều, không giúp gia đình chị duy trì được cuộc sống trong thời gian dài nhưng lại là số tiền ý nghĩa nhất mà chị từng được sở hữu. "Số tiền này đã phần nào giúp gia đình tôi trang trải những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tặng quà "cùng người dân đẩy lùi COVID-19" tại xã Yên Nhân (Yên Mô).

Mặt khác, số tiền hỗ trợ ấy còn thể hiện sự đồng hành của tỉnh đối với người lao động trong giai đoạn khó khăn nhất. Vì vậy, chúng tôi cũng chia sẻ với chính quyền địa phương, cố gắng xoay sở tìm hướng đi phù hợp để vượt qua chặng đường khó. Tôi đã học nghề may và làm việc cho một xưởng may ở địa phương. Mức lương tuy còn thấp song cũng giúp tôi duy trì mọi sinh hoạt trong gia đình. Sang năm mới, tay nghề tôi cứng cáp hơn thì chắc chắn thu nhập cũng sẽ được cải thiện"- chị Giang ngập tràn hy vọng.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Năm 2021 là một năm có quá nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, nhất là người lao động. Với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp... gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điển hình là Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68). Tổng giá trị gói hỗ trợ vào khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Trước Nghị quyết 68, năm 2020 chúng ta cũng đã từng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực. Đồng hành với người dân, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tỉnh ta cũng đã dành nguồn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện đón miễn phí trên 1.200 công dân gặp khó khăn từ một số tỉnh phía Nam trở về.

Đồng thời, thực hiện hỗ trợ gần chục nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Đặc biệt, để người lao động sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu về học nghề, việc làm của công dân.

Đối với những công dân có mong muốn làm việc và sinh sống tại quê hương thì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu với UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để nắm được nhu cầu tuyển dụng, từ đó chắp nối, đưa cơ hội việc làm đến với người lao động có chuyên môn, có tay nghề phù hợp. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch, thực hiện một số phiên giao dịch việc làm lưu động theo từng chuyên đề để kết nối cung - cầu lao động, giúp người lao động dần ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/am-ap-nghia-dong-bao-trong-dai-dich-covid-19/d20220125085859643.htm