Ấm áp tình người nơi vùng 'rốn' lũ đi qua
Có thể nhiều năm sau nữa, những ai từng chứng kiến đợt mưa lũ tháng 10 này sẽ vẫn chưa quên được những hậu quả tang thương của nó. Có những cái chết xảy ra trong gang tấc khiến người ở lại không kịp ngỡ ngàng đã gục ngã bởi nỗi đau...Hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu, trâu bò, tài sản chơi vơi trong dòng nước xiết, bao cảnh đời khốn khó.
Trong trận lũ lịch sử ấy, huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh là một trong những vùng “rốn lũ” chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo đó ngay sau khi cơn lũ đi qua, Công an huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ bà con vùng lũ.
Mưa lũ những ngày qua đã làm cho 10.588 hộ dân ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh bị ngập nước, trong đó ngập sâu gần 7000 hộ, nhiều thôn, xóm bị ngập nặng thuộc địa phận các xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Đỉnh Bàn, Thạch Thắng, Tượng Sơn, Thạch Văn.Dù hiện nay mưa đã ngừng nhưng nhiều hộ dân tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà vẫn đang ngập chìm trong biển nước.
Được biết, toàn huyện Thạch Hà có 17/21 xã bị ngập, trong đó nặng nề nhất là tại 4 xã: Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng và Tượng Sơn.Suốt nhiều ngày qua, tất cả gần như bị tê liệt, từ giao thông đi lại, đất sản xuất, nhà cửa người dân, cho đến hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại huyện Cẩm Xuyên cơn lũ lịch sử đã nhấn chìm 23 xã của huyện Cẩm Xuyên ngập chìm trong biển nước. Trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan trong đó nhiều công trình nước sinh hoạt hư hại, hàng ngàn mét kênh mương nội đồng, bờ sông, bờ biển bị sạt lở; gần 1000 gia súc, gia cầm bị chết, nhiều nông phẩm chưa thu hoạch bị mất trắng do mưa lũ; lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm bị thiệt hại hoàn toàn; các điểm trường bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái…
Hai ngày sau khi nước rút, những nóc nhà đã dần hiện ra.Trường học, trạm y tế… giờ chỉ còn lại bùn đất, khắp nơi ngổn ngang những vật dụng gia đình hỏng hóc do ngấm nước, bùn. Đã có nhiều người quay trở lại nhà để thu lượm những gì còn sót lại. Đồ đạc trong nhà trôi hết, giữ được cái gì là trân trọng cái đấy.
Có những xã ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên nhiều năm nay đời sống khó khăn, thanh niên, người lớn vào Nam làm ăn, lập nghiệp gần hết. Trong làng còn lại nhiều gia đình chỉ có cụ già, phụ nữ và trẻ em nên lũ dâng cao, đồ đạc, lúa, xe cộ chuyển lên cao không kịp, ngâm nước hư hỏng toàn bộ.
Ngay sau lũ, cuộc sống lại muôn vàn khó khăn.Không chỉ lúa và vật nuôi, sách vở, áo quần, xe máy, đồ điện tử trong nhà bị ngâm nước cũng hư sạch, nhiều hộ gia đình có người thiệt mạng, mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, tài sản, hoa màu bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Ngay sau khi lũ rút, Công an huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên đã tăng cường hàng tram cán bộ chiến sỹ xuống “tiến về” trường học, các hộ dân trên địa bàn các xã chịu ảnh hưởng nặng khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ. Nhiều điểm trường hiện cơ sở vật chất, bàn ghế, đồ dùng học tập bị ngập sâu trong nước lũ. Đa số giáo viên, nhân viên điểm trường đều là nữ nên việc dọn vệ sinh khắc phục sau lũ đối với giáo viên nơi đây gặp không ít khó khăn.
Các CBCS và đoàn viên, thanh niên lực lượng Công an đã cùng với giáo viên trên địa bàn tập trung thu dọn vệ sinh, lau chùi, thu gom rác thải, sắp xếp lại đồ dùng, trang thiết bị, dụng cụ học tập tại trường học để sớm ổn định tình hình, giúp các em học sinh sớm trở lại trường học.
Bên cạnh công tác giúp các trường học, công sở dọn dẹp vệ sinh, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã giúp các gia đình chính sách, người già neo đơn dọn bùn đất, rửa và kê lại đồ đạc trong nhà.
"Lũ qua, trong nhà đầy bùn đất, quần áo, bàn ghế... chẳng thứ gì còn nhận ra. Tôi tuổi già lại ở một mình chẳng làm chi được, may có cán bộ Công an về giúp, tôi mừng và cám ơn lắm" bà Trần Thị Thái, thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà chia sẻ.
82 tuổi, ông Đặng Văn Giao (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) bộc bạch đây là trận lũ lịch sử ngập nặng hơn cả trận lũ năm 2010. Ông bà già yếu, đi lại khó khăn chẳng thể di chuyển được, may mắn có cán bộ Công an đến ứng cứu. Đến khi lũ rút còn được cán bộ chiến sỹ Công an Cẩm Xuyên đến tận nhà giúp đỡ. Chỉ có một lời cảm ơn sâu sắc nhất chứ không biết nói gì hơn", ông bà Giao rưng rưng.
Ngoài việc hỗ trợ người dân trong và sau lũ,Công an huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên còn chung tay kêu gọi đóng góp nhu yếu phẩm, những hộp cơm ấm nóng đủ chất dinh dưỡng... gửi đến người dân trong lúc khó khăn.
Thượng tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà cho biết: "Công an huyện đã tập trung mọi lực lượng có mặt tại các nơi chịu ảnh hưởng nhất sau thiên tai cùng với người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả tại các trường học, trạm y tế, các hộ gia đình neo đơn, gia đình chính sách với tinh thần trách nhiệm cao nhất giúp bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống".
Chỉ sau 2 ngày sau khi nước lũ rút, lực lượng Công an huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên cùng với nhân dân trên địa bàn đã dọn dẹp lại khang trang gần 20 ngôi trường, 18 hội quán thôn, gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng nặng tại các xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, Tượng Sơn, Thạch Thắng, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Quan; dọn dẹp, phát quang lại nhiều cây xanh bị gãy đổ tại các trục đường chính, phơi hàng tấn thóc lúa bị ngập sâu trong nước.Vệ sinh sạch sẽ 50 tuyến đường liên thôn, liên xã. Kết nối hơn 100 đoàn từ thiện, tiếp tế của Công an các đơn vị địa phương và các lực lượng khác vào tặng quà, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả do lũ. Thăm hỏi, động viên 51 gia đình cán bộ chiến sỹ bị thiệt hại nặng do lũ…
Ông Hà Văn Bình, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: sau đỉnh lũ lịch sử, người dân gần như chỉ còn hai bàn tay trắng, lực lượng Công an huyện đã luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ nhân dân. Cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao vai trò của lực lượng Công an trong PCBL-TKCN, cũng như khắc phục hậu quả sau lũ làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Với tinh thần khẩn trương, các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện không chỉ mong muốn góp phần làm vơi đi nỗi mất mát cho người dân vùng lũ, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong thời bình trước nhân dân. Thiên tai cướp đi tính mạng, cuốn đi bao mồ hôi và thành quả của người dân. Thế nhưng cũng từ trong thiên tai mới thấy rõ hơn những tấm chân tình giữa quân và dân sẵn lòng sẻ chia, nhường nhau miếng cơm manh áo.
Có lẽ, phải mất thêm thời gian nữa người dân Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên mới mới quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng với sự vào cuộc chung tay nỗ lực giúp nhân dân ổn định cuộc sống ngay sau lũ của lực lượng Công an cùng sự mạnh mẽ, vững vàng của chính những người dân nơi đây, Thạch Hà và Cẩm Xuyên sẽ lại sớm “nở hoa” từ trên những mất mát…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/ap-ap-tinh-nguoi-noi-vung-ron-lu-di-qua-616965/