Ðảm bảo an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế

Cùng với sự phát triển vượt bậc của các ngành khoa học và công nghệ, những năm gần đây, việc sử dụng các thiết bị bức xạ ngày càng tăng trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh nhiều lợi ích thì việc ứng dụng bức xạ tiềm ẩn rủi ro dẫn đến sự cố bức xạ gây nguy hiểm tới cộng đồng. Do vậy, đảm bảo an toàn bức xạ nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng luôn được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước cùng đơn vị sử dụng nguồn bức xạ quan tâm, chú ý.

Trung tâm Y tế Hớn Quản được huyện đầu tư một số thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh, trong đó có 2 thiết bị chụp X-quang được nhập về từ Canada vào năm 2007, công suất 850MA. Các thiết bị này đều đảm bảo theo yêu cầu đặt ra trong an toàn bức xạ. Trung tâm đã xây dựng quy trình làm việc khi sử dụng các thiết bị chụp X-quang; đồng thời trang bị thiết bị đo suất liều bức xạ. Định kỳ hằng năm, trung tâm mời cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm định đối với các thiết bị này. Cán bộ, nhân viên sử dụng thiết bị bức xạ đều được tập huấn thường xuyên. Các phòng chụp được che chắn bằng tường chì, xung quanh có biển báo cho bệnh nhân biết những khu vực có tia X để tránh không tới gần, đồng thời trang bị những thiết bị bảo hộ cần thiết cho bệnh nhân và kỹ thuật viên khi làm nhiệm vụ.

Kỹ thuật viên Phòng khám đa khoa Sài Gòn (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) chụp X-quang cho bệnh nhân

Kỹ thuật viên Phòng khám đa khoa Sài Gòn (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) chụp X-quang cho bệnh nhân

Ông Nguyễn Hữu Tân, kỹ thuật viên phụ trách Khoa Cận lâm sàng của Trung tâm Y tế huyện Hớn Quản cho biết: Tia X là một dạng của sóng điện từ, có khả năng xuyên qua nhiều vật chất nên được dùng trong y tế để chẩn đoán hình ảnh cấu trúc xương, xác định bệnh lý về xương, chẩn đoán các bệnh về phổi và khảo sát vùng bụng có thể phát hiện ra nhiều bệnh khác. Bên cạnh lợi ích mang lại, do tia X có khả năng gây ion hóa hoặc có phản ứng trên cơ thể nên khi chụp X-quang, nếu không được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp, thiết bị chụp không đạt tiêu chuẩn an toàn hoặc đội ngũ nhân viên kỹ thuật không được trang bị đầy đủ kiến thức sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị nhiễm xạ do thời gian chụp, số lần chụp hoặc điều chỉnh thông số chụp không đúng quy định. Do đó, các cơ sở y tế khi xây dựng phòng chụp X-quang phải đặt ở nơi cách biệt, không được gần Khoa Sản, Khoa Nhi...

Ngoài các bệnh viện và trung tâm y tế của Nhà nước, tại các phòng khám tư nhân trong tỉnh hầu hết đã được trang bị máy chụp X-quang phục vụ khám chữa bệnh. Công ty TNHH VT Phòng khám đa khoa Sài Gòn thuộc địa bàn xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, nơi tập trung rất nhiều công nhân của khu công nghiệp. Do vậy, hoạt động khám chữa bệnh tại đây khá đông. Trung bình 1 ngày phòng khám tiếp nhận trên 270 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị, trong đó có rất nhiều ca bác sĩ chỉ định phải chụp X-quang. Vì thế, ngoài đầu tư, thiết kế phòng chụp X-quang, kiểm định định kỳ thiết bị X-quang, Phòng khám đa khoa Sài Gòn còn phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về an toàn bức xạ, phải khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ để xin cấp giấy phép sử dụng thiết bị. Mỗi cơ sở y tế sử dụng thiết bị chụp X-quang phải có người phụ trách an toàn bức xạ và có chứng chỉ nhân viên bức xạ do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hoặc Sở Khoa học và Công nghệ cấp.

Còn Công ty cổ phần Phòng khám đa khoa Tâm An Phước, trụ sở tại quốc lộ 13, khu phố 2, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản đã đầu tư kỹ cho phòng chụp X-quang đạt tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo không rò rỉ tia X ra ngoài. Các kỹ thuật viên được tập huấn đầy đủ, nhờ vậy ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và bệnh nhân được nâng cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 cơ sở bức xạ X-quang y tế, với 80 thiết bị X-quang, CT Scanner được cấp phép sử dụng, trong đó có hơn 100 người sử dụng thiết bị này. Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tư vấn, hướng dẫn, thẩm định cấp phép cho 9 cơ sở bức xạ X-quang y tế.

Để tránh rủi ro cần thiết, hằng năm Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ 2 tổ chức các lớp đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên và người phụ trách an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh. Thông qua lớp đào tạo, các cán bộ quản lý, phụ trách an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ nắm bắt được đầy đủ quy định pháp luật về an toàn bức xạ, hạt nhân; khái niệm cơ bản về bức xạ ion hóa, tương tác của bức xạ gamma và tia X với vật chất…

Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh bức xạ và nguồn phóng xạ nhưng chúng ta không thể chủ quan trước nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Để bảo đảm an toàn bức xạ, trong thời gian tới, các ban, sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ nhằm phát hiện các trường hợp sai phạm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến cơ sở có hoạt động bức xạ để thực hiện tốt; tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực bức xạ, cán bộ quản lý về an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dam-bao-an-toan-buc-xa-tai-cac-co-so-y-te-252910