Ấm tình Bát Mọt

PTĐT - Một buổi chiều cuối năm sương giá, miền Tây tỉnh Thanh Hóa rơi vào đợt rét ngọt xuống dưới 9 độ C, sương mù bủa vây tứ phía. Quây quần dưới chiếc dù lớn căng tràn sân UBND xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Bát Mọt phấn khởi, hào hứng tham gia ngày hội 'Ấm tình biên cương'.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã Bát Mọt.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã Bát Mọt.

Không khí ngày hội “Ấm tình biên cương” được hâm nóng lên từng phút vì tiếng cười nói, niềm vui hội ngộ giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP, cán bộ hội phụ nữ và bà con dân bản xã Bát Mọt. 3 năm qua, từ năm 2018 đến năm 2020, họ đã đồng hành cùng nhau trong cuộc chiến đẩy lùi nghèo đói, vun đắp nghĩa tình, gắn kết với nhau tìm ra sinh kế và nhiều hành động cụ thể nhằm thay đổi chất lượng cuộc sống. “Để không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển” - đó là thông điệp, cũng là mục tiêu của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” triển khai tại Thanh Hóa.
Bát Mọt là một xã nghèo giáp biên giới Việt - Lào, chênh vênh trên triền núi cao, nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đầu nguồn sông Chu. Do thời tiết khắc nghiệt, địa hình chia cắt, nhiều thôn, bản giáp biên, phụ nữ các dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Thái) ở đây vất vả gấp bội phần để cáng đáng kinh tế gia đình. Mùa mưa năm 2017, mưa lớn và sạt lở đất nghiêm trọng, những bản làng bị cả quả núi sạt xuống, mất đất canh tác, người dân nơm nớp nỗi lo thiếu hụt lương thực, chứ chưa nói đến làm giàu, xây dựng nông thôn mới.

Quân y Bộ đội Biên phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con xã Bát Mọt.

Quân y Bộ đội Biên phòng khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con xã Bát Mọt.

Đồn Biên phòng Bát Mọt đã tích cực triển khai mô hình trồng rau sạch giúp dân ở thôn Khẹo. Bộ đội chủ trì mua cây giống khoai tây, su hào, cải bắp, rau cải..., rồi mua cả phân bón. Bà con và bộ đội đều hào hứng khi thấy vụ đầu rau xanh tốt, mô hình thành công do rau, củ, quả trồng gặp sương mù ẩm, thời tiết lạnh giá phù hợp, phát triển tốt. Nhưng chỉ đến vụ sau, vùng biên cương lại thay đổi hình thái thời tiết, sản phẩm rau thu hoạch được giá rẻ, bà con lúng túng trong vận chuyển, chưa có đầu ra tiêu thụ ổn định. Cán bộ Biên phòng lại phải ngồi lại với dân để bàn với nhau cách làm mới. Bài toán xóa đói giảm nghèo không dễ có được hiệu quả vì chưa tạo được thói quen cho bà con, cũng chưa thay đổi được nhận thức, không kích thích được ý chí làm giàu. Vì thế mà chương trình đồng hành với bà con còn phải dài lâu.Trung tá Thịnh Văn Kiên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bát Mọt bộc bạch: “Đối với Bát Mọt, chúng tôi không chỉ chủ động, mà còn phải “xuống ruộng, vào chuồng” cùng trồng trọt, chăn nuôi với bà con. Lợi thế của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chính phụ nữ vào cuộc. Họ là những người có “sức mạnh mềm”, có lời hiệu triệu vừa mạnh mẽ, vừa tình cảm, có sức lan tỏa lớn, lay động tâm tư, nguyện vọng, tạo cho những người yếu thế có niềm tin, có sức mạnh để vượt qua hoàn cảnh của mình”.3 năm qua, Bát Mọt có những thành tựu đáng ghi nhận. Đó là tổ chức canh tác thêm một vụ đông, thay vì chỉ có vụ hè thu như trước kia. Đồn Biên phòng Bát Mọt đóng vai trò như cầu nối, đưa nhà tài trợ cung cấp giống, phân bón tới thẳng ruộng của bà con, rồi có lúc phải điều hành như một “hợp tác xã” thu nhỏ. Kết quả là, không những ruộng đồng ấm áp lên, mùa đông bớt lạnh lẽo mà lòng người giờ đây cũng được quần tụ, vui vầy.Cũng trong 3 năm, Bát Mọt liên tục ra mắt các câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau trồng rau sạch, nuôi lợn nái đen, nuôi bò sinh sản ở thôn Ruộng, nuôi vịt bầu ở thôn Khẹo, xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp ở thôn Vịn, thôn Khẹo. Đồn Biên phòng Bát Mọt giúp phụ nữ thôn Khẹo trồng 4,5ha rau vụ đông; tặng 10 con bò trị giá 100 triệu đồng; 2.000 con vịt giống cho 40 phụ nữ nghèo. Tổng nguồn lực huy động được trong chương trình lên đến 650 triệu đồng. Các lực lượng phối hợp với nhau tổ chức hội thi học sinh kể chuyện Bác Hồ, tặng thư viện sách cho trường học, tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống dịch, chống buôn bán phụ nữ, thi nhà sạch, vườn đẹp.Thiếu tá Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội phụ nữ BĐBP Thanh Hóa chia sẻ: “Có lẽ, ngoài việc xây dựng mô hình sinh kế, tặng cây con giống cho phụ nữ, một kinh nghiệm đã được cán bộ BĐBP rút ra là không gì bằng xây đắp niềm tin lớn từ những việc làm nhỏ, từ đó, làm ấm lên mối quan hệ giữa bộ đội, cán bộ hội phụ nữ và phụ nữ nghèo, thì việc khó nào cũng sẽ thành công”.Khởi đầu Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Thanh Hóa được ký kết tại xã Bát Mọt, sau đó triển khai tại 7 xã biên giới, rồi nâng lên 9 xã. Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP vui mừng nói: “Tôi mong muốn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội và nhân dân biên giới ngày càng được thắt chặt và đạt được hiệu quả cụ thể thông qua chương trình ý nghĩa này”.Trong chuỗi hoạt động của ngày hội “Ấm tình biên cương” Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tổ chức 2 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí quy mô cho bà con. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa và BĐBP Thanh Hóa phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho hội viên, phụ nữ nghèo biên giới gồm: Trao con giống niềm tin, tặng mái ấm tình thương, tiền mặt, tặng quà và nhiều nhu yếu phẩm dưới dạng phiên chợ nhân đạo. Các chị em đến chợ được tặng phiếu nhận quà, chọn những nhu yếu phẩm cho gia đình. Điều đó cũng giống như việc tặng cho nhau một sự lựa chọn, để phụ nữ làm chủ, tặng cho họ cơ hội để họ biến cơ hội thành hành động.Trên triền núi cao sương giá, phiên chợ nhân đạo “Ấm tình biên cương” Bát Mọt như làn hơi ấm truyền tay, rộn rã cả lòng người.

Trương Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/202101/am-tinh-bat-mot-174794