Ấm tình quân dân

18h30, trời lạnh như cắt, làn sương trắng bạc giăng khắp các bản của huyện Sốp Cộp, Sơn La... Đây cũng là lúc các chiến sĩ biên phòng chuẩn bị để lên lớp xóa mù chữ vào lúc 19h. Đó là các lớp học xóa mù chữ nằm trong Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới đã và đang được triển khai trong 3 năm qua...

Lớp học xóa mù chữ tại bản Phá Thóng với 100% học viên là đồng bào Mông.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Phá Thóng với 100% học viên là đồng bào Mông.

Lớp học đặc biệt

Cũng như nhiều ngày trước đó, trước khi lớp học bắt đầu 15 phút, nơi đây đã nhộn nhịp tiếng cười nói của hơn 60 người dân từ trẻ cho đến già, từ nam, nữ chưa xây dựng gia đình cho đến những người đã có gia đình hay đang nuôi con nhỏ... ở bản Phá Thóng xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Đây là một trong nhiều lớp học xóa mù chữ dành cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới Sơn La.

Ông Mường A Lồng, dân tộc Mông, cao tuổi nhất trong số học viên của lớp xóa mù chữ bản Phá Thóng, bảo: “Thế hệ chúng tôi đa phần không được đi học bởi nhiều lý do, chủ yếu do điều kiện còn khó khăn và ai cũng nghĩ học cũng chả để làm gì. Do vậy, nhiều người đến lúc nhắm mắt cũng chưa được đi học. Thậm chí cán bộ lên phát tờ rơi tuyên truyền cũng chỉ biết nhìn ảnh, còn chữ thì không biết đọc. Thấy nhiều xã có lớp học như vậy, bà con trong bản đã họp và thống nhất làm đơn đề nghị bộ đội mở lớp dạy chữ. Tôi gần 60 tuổi rồi nhưng quyết tâm phải cố gắng học để còn biết đọc, biết viết và làm gương cho con cháu”.

Chia sẻ thông tin về lớp học, Đại úy Vũ Triết Học, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nậm Lạnh nói: Đến thời điểm này, đây là lớp học duy nhất được đồng bào là những người chưa biết đọc, biết viết đề xuất mở. Lớp học diễn ra từ 19h - 21h hằng ngày. Lớp học được mở xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khi lực lượng biên phòng đến bản tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhưng do không biết chữ để đọc các văn bản nên bà con tự đề xuất được tham gia học chữ do chính bộ đội biên phòng làm thầy giáo. Các lớp học trước đó, để bà con tham gia xóa mù chữ, anh em biên phòng phải bám bản và trực tiếp đến nhiều lần vào buổi tối để tuyên truyền, giải thích.

Trong 3 năm qua, những lớp học xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Sơn La đã và đang được duy trì rất hiệu quả, đón nhận được sự ủng hộ cao từ người dân vùng biên giới. Bởi lẽ, qua thực tế cho thấy, những lớp học như thế này không chỉ giúp đồng bào dân tộc vùng biên giới của Sơn La có cơ hội được học tập mà thông qua lớp học, bà con còn được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu cũng như kinh nghiệm xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái...

Ngoài trực tiếp tham gia các lớp học xóa mù chữ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La khi xuống địa bàn còn nắm tình hình, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ngoài trực tiếp tham gia các lớp học xóa mù chữ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La khi xuống địa bàn còn nắm tình hình, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Một chương trình nhiều ý nghĩa

Đánh giá về việc duy trì các lớp xóa mù chữ trong 3 năm qua tại các xã vùng biên giới, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La khẳng định: Việc triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng xã hội học tập vùng biên giới đã giúp tỉnh Sơn La giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Qua 3 năm phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến nay đã có 32 lớp xóa mù chữ tại các xã vùng biên được mở cho hơn 1.000 học viên với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để có được những lớp học xóa mù chữ như vậy, phải kể tới vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng trong việc nỗ lực bám các bản vùng khó khăn, vùng biên giới để tuyên truyền, vận động người dân tham gia học tập. Điều đó giúp thay đổi suy nghĩ của người dân khi 100% đồng bào cho con em mình đến lớp...

Sơn La là một trong những tỉnh miền núi Tây Bắc có đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Khu vực biên giới có gần 27.000 người thuộc 286 bản của 6 huyện, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun, Tày và Lào cùng sinh sống. Cũng do điều kiện khó khăn nên trước đây trẻ em tại các bản không được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Đặc biệt, do hủ tục nên phụ nữ một số dân tộc thiểu số từ bé đã không được đi học, đến tuổi lấy chồng cũng không biết tiếng phổ thông. Rõ nhất là tại một số bản người Mông, khi cán bộ hoặc người vùng xuôi lên bản gặp phụ nữ hỏi đường đều chỉ nhận được những cái lắc đầu kèm hai từ “chi pâu” (không biết).

Bà Sồng Thị Dông, dân tộc Mông, 54 tuổi, bản Huối Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, bảo: Ngày xưa, do nhà ở xa trung tâm, đường đi lại quá khó khăn và phong tục không cho trẻ em nữ đi học nên tôi không được đến lớp. Sau khi tham gia lớp xóa mù chữ mở tại bản năm 2020, giờ tôi đã biết đọc, biết tính. Ở lớp xóa mù chữ, tôi còn học được kinh nghiệm sản xuất và xây dựng gia đình...

Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, cho biết: Khi tổ chức các lớp học, điều quan trọng là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người mù chữ đến lớp. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồn biên phòng “đứng chân” tại các vùng biên giới tổ chức lực lượng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở trực tiếp bám trường, bám bản. Ban ngày thì làm một số mô hình trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm để bà con thấy được thực tế là phải học mới biết làm. Buổi tối thì lên lớp dạy chữ. Ngày đầu số học viên ít, nhưng sau đó người này bảo người kia nên các lớp học đông dần lên, trong bản ai chưa biết chữ đều mạnh dạn đăng ký đi học.

Ngoài trực tiếp tham gia dạy học xóa mù chữ, cán bộ chiến sĩ biên phòng khi xuống địa bàn công tác còn nắm tình hình, bảo vệ biên giới, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; lồng ghép tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có con em đến độ tuổi ra lớp, cho con em đi học đúng độ tuổi.

Thượng tá Đào Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo (huyện Sốp Cộp) - một trong những đơn vị làm tốt Chương trình xây dựng xã hội học tập - chia sẻ thêm: Để mở thành công các lớp xóa mù và đạt được kết quả thiết thực, đơn vị đã phối hợp với Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng xã hội học tập, chống tái mù của địa phương, tham gia phối hợp rà soát trẻ đến độ tuổi đi học, rà soát các đối tượng có độ tuổi từ 15 - 60 có nguy cơ tái mù chữ để tuyên truyền, vận động họ tham gia học. Trên cơ sở kết quả rà soát đối tượng để mở lớp, đơn vị đã phối hợp với Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp xã, và trường tiểu học thống nhất kế hoạch, cử cán bộ trực tiếp đến từng bản, từng nhà dân để khảo sát, thống kê, vận động, lập danh sách những người trong độ tuổi có nguy cơ tái mù chữ. Từ năm 2018 đến nay, Đồn biên phòng Mường Lèo đã phối hợp tuyên truyền, vận động hơn 120 học viên đi học các lớp chống tái mù chữ, mở được 5 lớp xóa mù chữ. Qua nghiệm thu đánh giá, các học viên đều đạt yêu cầu, biết đọc, biết viết và làm được 4 phép tính đơn giản. Chương trình đã và đang củng cố thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc vùng biên vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện rõ vai trò của lực lượng biên phòng.

Quốc Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1020140/am-tinh-quan-dan