Ấm tình quân dân trong cơn lũ dữ
Những ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc đã gây mưa to trên diện rộng cộng với việc các hồ thủy điện liên tục xả lũ lưu lượng lớn về hạ du đã tạo ra các đợt lũ lớn ở tỉnh Quảng Nam, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trước thực tế mưa lũ diễn biến phức tạp, các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực giúp đỡ người dân vượt qua cơn hoạn nạn.
Trước tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp trên địa bàn, để kịp thời chỉ đạo các lực lượng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã thiết lập 3 Sở chỉ huy tiền phương tại vùng ngập lụt trọng điểm (huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP Hội An). Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trong địa bàn xảy ra ngập lụt tổ chức trực quân số 24/24 giờ, chuẩn bị tốt về phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, cũng như nhu yếu phẩm cần thiết để giúp nhân dân khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Chưa năm nào TP Hội An lại bị ngập lụt nặng như năm nay. Khoảng 3.000 hộ dân tại các phường Minh An, Cẩm Nam, Thanh Hà, Cẩm Phô, xã Cẩm Kim chìm trong biển nước. Đến ngày 17-12, mặc dù lượng mưa đã giảm, nhưng nhiều nhà dân ở một số khu vực trũng vẫn ngập sâu trong nước từ 0,4m đến 1m. Toàn bộ khu vực xã Cẩm Kim và phường Cẩm An nước lũ cô lập hoàn toàn; các phường Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An bị ngập sâu hơn 1m. Nhiều trục đường chính có nơi nước ngập sâu 1,5m. Khắp nơi trên TP Hội An chỉ thấy một màu nước bạc.
Phát huy phương châm "4 tại chỗ", Ban Chỉ huy Quân sự TP Hội An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân cơ động và dân quân tại chỗ phối hợp với các địa phương tổ chức sơ tán trên 5.000 hộ dân đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam và Ban Chỉ huy Quân sự TP Hội An đã đến trao tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Cẩm Kim (có tới 90% diện tích bị ngập). Tiếp đó, ngày 20-12, 50 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam tham gia giúp nhân dân xã Cẩm Kim dọn dẹp, vệ sinh các công trình công cộng, nạo vét bùn đất trên các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, thu gom rác thải trên cánh đồng, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Tại huyện Thăng Bình, dù không bị ngập sâu, nhưng diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến canh tác, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Trung tá Bùi Xuân Quỳnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 315, Quân khu 5 cho biết: Ngày 21-12, 300 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hành quân về giúp nhân dân các xã Bình Triều, Bình Giang, Bình Sa và Bình Đào. Trước đó, trong đợt lũ lụt vừa qua, nước sông Trường Giang dâng cao tràn vào địa phận 4 xã trên. Sau khi nước rút, một lượng lớn bèo tây vướng lại ở khoảng 30ha ruộng của nhân dân. Trong 5 ngày, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 đã tổ chức gom và vận chuyển số lượng bèo tây ra khỏi ruộng để nhân dân có thể nhanh chóng canh tác trở lại. Mặc dù công việc nhiều, nhưng chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì nhiều nơi, phụ nữ đã chu đáo đun và mang nước cho bộ đội uống, đàn ông thì cũng xắn tay vào làm cùng bộ đội".
Trong đợt lũ vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo các đồn BP tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các phương án phòng, chống lũ. Bên cạnh đó, các đơn vị còn cử cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ, đặc biệt chú ý hỗ trợ các trường học, trạm y tế dọn dẹp để nhanh chóng hoạt động trở lại. Trung tá Nguyễn Xuân Bắc, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết: "Tại địa bàn trọng điểm như Hội An, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo Đồn BP Cửa Đại, theo dõi sát tình hình mưa lũ, tuyên truyền cho nhân dân phòng tránh. Khi lũ dâng, đơn vị nhanh chóng đưa cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ các hộ dân di chuyển đồ đạc và người đến nơi an toàn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, địa bàn không xảy ra thiệt hại về người".
Các đồn BP tuyến núi huyện Tây Giang, Nam Giang trực 100% quân số để sẵn sàng ứng cứu khi có sự việc xảy ra và hỗ trợ nhân dân khi cần thiết. Do mưa to và kéo dài trên địa bàn 2 huyện biên giới Tây Giang, Nam Giang, đường sá sạt lở nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Điển hình: Đường vào thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang có 11 điểm sạt lở, điểm nặng nhất tại km5+100 với khối lượng 3.000m3. Đồn BP La Êê đã phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức san lấp các điểm sạt lở để bà con và các phương tiện đi lại được dễ dàng. Cũng trong ngày 21-12, Đồn BP Đắc Pring cử hơn 20 cán bộ, chiến sỹ cùng Đoàn Thanh niên xã Đắc Pring, Đắc Pree tham gia sửa chữa các chỗ sạt lở tại các trục đường chính trên địa bàn.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/am-tinh-quan-dan-trong-con-lu-du/