Amazon - con sông lớn nhất thế giới kêu cứu vì khô cạn khủng khiếp

Từ con sông lớn nhất thế giới về lượng nước vừa là hệ thống sông dài nhất, sông Amazon giờ đây đang đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và đời sống của người dân trong khu vực.

Sông Amazon vừa là con sông lớn nhất thế giới về lượng nước vừa là hệ thống sông dài nhất, bắt nguồn từ dãy Andes của Peru và chảy qua 5 quốc gia, sau đó đổ ra Đại Tây Dương. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật như cá piranha và cá heo sông Amazon. Ở một số khu vực, dòng sông rất sâu, có nơi lên tới hơn 120 m và tàu biển có thể đi qua được.

Tuy nhiên, một số khu vực sông bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng mạnh và đối mặt tình trạng hạn hán. Thậm chí, một số đoạn của con sông này đang cạn dần thành những vũng nước nông và chỉ sâu hơn 1 m, theo tờ The New York Times.

 Một đoạn sông Amazon chảy qua Brazil vào tháng 9. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Một đoạn sông Amazon chảy qua Brazil vào tháng 9. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Hạn hán nghiêm trọng

Theo số liệu từ Cơ quan Địa chất Brazil, tháng trước, mực nước dọc theo một số đoạn của sông Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1967. Theo cơ quan này, tại một đoạn sông ở bang Amazonas (Brazil), mực nước sông thấp hơn 7,5 m so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm.

Giống nhiều khu vực khác trên thế giới, nhiệt độ trung bình tại Brazil đang tăng lên, gây ra tình trạng hạn hán. Theo ông Bernardo Flores – nhà nghiên cứu tại ĐH Liên bang Santa Catarina (Brazil), một số khu vực của Amazon đã chứng kiến nhiệt độ trung bình tăng lên đáng kể kể từ những năm 1980 và đang trên đà tăng cao hơn nữa.

"Toàn bộ Amazon đang nóng lên đáng kể. Và điều này có ảnh hưởng rất lớn. Đợt hạn hán hiện tại đang đẩy nhiệt độ tăng lên” – ông Flores nói.

Nghiên cứu cho thấy ở một số vùng của Amazon, lượng mưa cũng ít hơn và mùa khô hiện dài hơn một tháng so với những năm 1970. Các nhà khoa học chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và nạn phá rừng những nguyên nhân chính dẫn đến các tình trạng này.

Mùa khô ở Amazon thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Tuy nhiên, theo bà Ane Alencar – Giám đốc khoa học tại tổ chức nghiên cứu IPAM Amazônia, tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng vì khu vực Amazon phải đối mặt 2 mùa khô liên tiếp.

Bên cạnh đó, tác động của hiện tượng El Ninõ tại khu vực Nam Mỹ đã làm giảm lượng mưa trong mùa mưa tại khu vực Amazon.

"Các con sông không có cơ hội phục hồi. Và vì vậy, chúng ta đang chứng kiến hiệu ứng domino" – bà Alencar cho biết.

Hạn hán đã làm tắc nghẽn sông Amazon – một siêu hệ thống đường thủy quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc kết nối các cộng đồng dân cư sống trong rừng và vận chuyển thương mại tại khu vực Nam Mỹ.

Mực nước giảm sâu cũng khiến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo đó, người dân gặp trở ngại trong việc dùng thuyền đò đưa trẻ em đến trường, đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc chuyển thuốc men, nước uống đến các ngôi làng xa xôi.

Tình hình hiện tại thậm chí còn có thể ảnh hưởng hoạt động chính trị tại nhiều vùng ven sông Amazon. Trong tháng này, nhiều địa phương trong khu vực sẽ tiến hành cuộc bầu cử địa phương. Tình hình hiện tại có thể buộc nhà chức trách phải vận chuyển máy bỏ phiếu đến các địa điểm người dân không thể di chuyển vì mực nước xuống thấp.

 Người dân ở bang Amazonas mang theo bình đựng nước trên bãi cát của sông Madeira – một nhánh của sông Amazon – vào tháng 9. Ảnh: REUTERS

Người dân ở bang Amazonas mang theo bình đựng nước trên bãi cát của sông Madeira – một nhánh của sông Amazon – vào tháng 9. Ảnh: REUTERS

“Mọi thứ thường được vận chuyển bằng thuyền. Nếu không có nước, gần như không có cách nào để đi lại trên sông Amazon” – ông Ayan Santos Fleischmann, nhà thủy văn học tại Viện Mamiraúa (tổ chức nghiên cứu ở vùng nông thôn của bang Amazonas) cho biết.

Giải pháp gây tranh cãi

Đối mặt tình hình khô cạn không có dấu hiệu giảm bớt này, Brazil đã phải dùng đến một biện pháp ít được áp dụng, đó là nạo vét sông Amazon để khiến nó sâu hơn.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 10, Brazil có kế hoạch bắt đầu nạo vét một số đoạn sông với mục đích đảm bảo rằng ngay cả trong thời kỳ hạn hán, người dân và hàng hóa vẫn có thể tiếp tục di chuyển qua con sông này.

"Ở một số nơi, chúng ta thực tế có thể nhìn thấy thảm thực vật trên mặt sông [mực nước thấp đến mức các loài thực vật trong lòng sông bị lộ ra]. Vì vậy, điều này hạn chế việc đi lại. Mọi người không thể đi lại trong bối cảnh thế này" – ông Fabricio de Oliveira Galvão, Vụ trưởng Vụ Cơ sở hạ tầng Giao thông Quốc gia Brazil, cho biết.

Trước đây, chính quyền Brazil đã nạo vét sông Amazon trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, giờ đây, ông Galvão cho biết lòng sông sẽ được nạo vét liên tục trong 5 năm tới để ứng phó với tình trạng hạn hán kéo dài.

“Như vậy chúng ta sẽ không phải chịu đựng tình trạng không có nước để di chuyển trong những năm tới” – ông nói.

Kế hoạch nạo vét như trên là một trong những minh chứng cho thấy nhiều chính phủ trên toàn cầu đang thi hành các biện pháp quyết liệt nhằm giảm tác động của thời tiết khắc nghiệt đối với giao thông, nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân.

"Khí hậu đang thay đổi. Và chúng tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho điều này" - ông Galvão cho biết.

Nhà chức trách hy vọng việc nạo vét lòng sông sẽ giúp phần nào hạn chế những khó khăn trong việc lưu thông trên Amazon. Ông Galvão cũng cho biết quá trình này ít gây ra rủi ro cho môi trường và các nhà chức trách sẽ theo dõi chất lượng nước, tác động đến các loài sinh vật sống trong lòng sông trong suốt quá trình nạo vét.

Tuy nhiên, theo The New York Times, một số nhà khoa học không đồng tình với phương án này. Họ cảnh báo rằng việc nạo vét sông Amazon và các nhánh của của sông này có thể để gây tác động lâu dài lên hệ thống thực vật và động vật trong sông.

 Một đoạn sông Solimoẽs – một trong những nhánh sông lớn nhất của Amazon – khô cằn vào tháng 9. Ảnh: REUTERS

Một đoạn sông Solimoẽs – một trong những nhánh sông lớn nhất của Amazon – khô cằn vào tháng 9. Ảnh: REUTERS

Theo đó, việc nạo vét có thể ảnh hưởng các trầm tích thủy ngân dưới lòng sông. Nạo vét lòng sông cũng khiến cá và các sinh vật thủy sinh khác sẽ tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại khác. Thủy ngân có thể ảnh hưởng chức năng sinh sản, tăng trưởng và phát triển thần kinh của các loài, thậm chí gây hại cho con người nếu nó đi vào chuỗi thức ăn.

"Bùn là một tập hợp các chất lắng đọng tích tụ theo thời gian. Làm xáo trộn lớp bùn này cũng giống như làm xáo trộn toàn bộ lịch sử tích tụ của nó" – nhà sinh học Adalberto Luis Val cho biết.

Việc nạo vét cũng có thể làm tăng độ đục của sông, khiến nước bị đục và hạn chế lượng ánh sáng mặt trời chiếu tới các loài thực vật thủy sinh.

"Quyết định nạo vét đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, của nhân loại nhưng xét về góc độ môi trường, thì đây là hành động rất liều lĩnh" – ông Val nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/amazon-con-song-lon-nhat-the-gioi-keu-cuu-vi-kho-can-khung-khiep-post814163.html