An dân - Khởi nghiệp: Tầm nhìn từ doanh nghiệp và Nhà nước An dân - Khởi nghiệp: Tầm nhìn từ doanh nghiệp và Nhà nước

Chúng ta thường phê bình tình trạng doanh nghiệp kinh doanh kiểu 'mì ăn liền', 'đánh quả', bị cuốn theo phong trào mà thiếu tầm nhìn cũng như động cơ dài hạn. Nhưng để doanh nghiệp có động cơ và tầm nhìn dài hạn, thì chính sách của Nhà nước cũng phải có tầm nhìn dài hạn.

 Thị trường bất động sản không được quản lý minh bạch, tuy bấp bênh nhưng có thể trở thành phao cứu sinh trong tính toán của doanh nghiệp.Ảnh: THÀNH HOA

Thị trường bất động sản không được quản lý minh bạch, tuy bấp bênh nhưng có thể trở thành phao cứu sinh trong tính toán của doanh nghiệp.Ảnh: THÀNH HOA

Khởi nghiệp - sự cần thiết của tầm nhìn

Xiển dương văn hóa khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích việc phát triển những ý tưởng kinh doanh là cần thiết để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mà trước hết là tạo sinh khí cho thị trường.

Khuyến khích thúc đẩy việc khởi nghiệp kinh doanh cũng là hình thức động viên nguồn vốn nhàn trong xã hội chảy vào nền kinh tế. Tuy vậy, nếu phía Nhà nước chỉ kêu gọi mà thiếu viễn kiến của chính sách, còn phía doanh nghiệp khởi nghiệp bị cuốn theo kiểu phong trào mà thiếu tầm nhìn và động cơ dài hạn thì cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thất bại. Nghĩa là chuyện khởi nghiệp và mục đích huy động vốn để phát triển đất nước thất bại.

Thời gian cầm cự của các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cho thấy một sự nhộn nhịp, dễ làm chúng ta lầm tưởng câu chuyện kinh doanh màu hồng, dễ làm chúng ta lầm tưởng một nền kinh tế khởi sắc, vì doanh nghiệp khởi nghiệp khi sinh ra thì hoành tráng nhưng có mấy người biết và để ý khi chúng lặng lẽ ra đi.

Nếu phía Nhà nước chỉ kêu gọi mà thiếu viễn kiến của chính sách, còn phía doanh nghiệp khởi nghiệp bị cuốn theo kiểu phong trào mà thiếu tầm nhìn và động cơ dài hạn thì cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thất bại.

Một nền kinh tế trông thì sôi nổi nhưng có nền tảng là đại đa số các doanh nghiệp “mì ăn liền”, là một nền kinh tế rất mong manh. Nền kinh tế nghe thì tăng trưởng, dễ làm ăn kinh doanh nhưng quá nhiều doanh nhân vừa thành công đã mất động cơ và muốn bỏ nước ra đi rõ ràng là một nền kinh tế không một chút bền vững và thiếu tầm nhìn dẫn dắt.

Nền kinh tế như vậy làm sao có những thương hiệu toàn cầu, làm sao có những phát minh đóng góp cho nhân loại qua các sản phẩm khoa học sáng tạo và đáng tự hào. Nền kinh tế như vậy làm sao có các doanh nhân nổi tiếng thế giới với những giá trị tinh thần bên cạnh của cải vật chất mà họ tích lũy được cho bản thân, cho cộng đồng, và cho đất nước. Và nền kinh tế như vậy làm sao có thể cạnh tranh với toàn cầu. Cuối cùng, đất nước với nền kinh tế như vậy làm sao phát triển vững bền?

Như ban đầu đã đề cập, có thể cho rằng lý do nằm ở hai chữ “tầm nhìn” - Nhà nước thiếu những chính sách có viễn kiến, và đa số doanh nghiệp thiếu tầm nhìn và động cơ dài hạn. Vậy, tại sao có thể nói Nhà nước thiếu các chính sách mang tính dài hạn, còn doanh nghiệp lại khó có một tầm nhìn dài hạn và động cơ bền vững để thành công?

Tầm nhìn trong khởi nghiệp - đánh giá chủ quan

Với cùng một câu hỏi “Bạn muốn gì với doanh nghiệp của mình trong mười, hai mươi năm nữa?”, được đặt như thể tình cờ trong các dịp khác nhau với một số doanh nghiệp vừa thành lập và các doanh nghiệp đã có năm, bảy năm trên thị trường, người viết thường không nhận được câu trả lời nào rõ ràng. Rất ít chủ doanh nghiệp nghĩ đến hình ảnh của doanh nghiệp mình như thế nào trong ngần ấy thời gian. Hầu hết thể hiện mong muốn kiếm tiền, làm giàu. Tất cả đều toát lên tinh thần năng động, nhưng là năng động tìm kiếm các quan hệ để tận dụng, tìm kiếm cơ hội kiếm tiền nhanh, càng nhanh càng tốt. Gần như không ai chia sẻ về những ước vọng xa hơn để có thể trao đổi tiếp những vấn đề về tạo lập thương hiệu, nghiên cứu - phát triển và chuyển giao cơ nghiệp cho thế hệ sau.

Có lẽ quá sớm để bàn những chuyện lâu dài, nhưng rõ ràng ít có doanh nghiệp khởi nghiệp mang một tham vọng xa xôi nào. Khởi nghiệp gần như để tồn tại, làm một cái nghề - gọi là nghề kinh doanh trong vài ba năm, được thì làm tiếp không thì đổi nghề khác. Và, săn bất động sản tìm chênh lệch giá hay được nhắc đến như phao cứu sinh khi cần.

Những chia sẻ tương tự được thực hiện với vài bạn trẻ và cả một số bạn đã đi làm cho các công ty một thời gian. Cả hai nhóm đều muốn lập công ty, mà các bạn cho là khởi nghiệp. Có bạn đã hay đang ở các vị trí quản lý nhưng muốn bỏ việc để tự chủ hơn và làm giàu nhanh hơn. Đối với các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp thì như đang bị hấp dẫn bởi từ startup thời thượng. Một số bạn nói về những tham vọng cụ thể như tạo thị trường cho các ý tưởng kinh doanh, trong khi hầu hết không có gì để chia sẻ, hay ngại chia sẻ. Gần như không có ai có ý tưởng khởi nghiệp từ động cơ giúp đời, mong muốn phụng sự cộng đồng hay đất nước.

Còn các anh chị đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, muốn thành lập công ty vì tin rằng có thể tận dụng được lợi thế của quan hệ, nghề nghiệp và kinh nghiệm kỹ thuật. Đây là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, tìm hiểu về tầm nhìn dài hạn của họ, cũng không nhận ra được những phác thảo nào rõ ràng và dài hơi. Nói chung thường chỉ là mong muốn kiếm tiền nhiều hơn so với thu nhập mà mình đang có, không hài lòng với công ty đang làm việc, với một sự chấp nhận rủi ro nào đó.

Về lý thuyết, khởi nghiệp trong khía cạnh sáng tạo thì không bắt đầu bằng con đường như vậy. Một vài năm trước người viết thường động viên việc “ra riêng” làm ăn, nhưng thời gian gần đây lại khuyến khích tiếp tục làm công ăn lương, khi nhận thấy họ không có tầm nhìn gì cụ thể.

Trao đổi tương tự được thực hiện với một số chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nhân có thể được cho là thành đạt trên thị trường. Quan sát thực tế kinh doanh của một số doanh nghiệp, cũng như qua trao đổi với một vài viên chức quản lý các công ty niêm yết về động cơ mở rộng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, người viết nhận thấy dường như có một sự bão hòa trong động cơ của các chủ doanh nghiệp khi doanh nghiệp đạt đến một mức phát triển nhất định. Khi đã tích lũy được ít nhiều tài sản từ công việc kinh doanh, đặc biệt nếu có từ bất động sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam như không còn động cơ mở rộng nhà xưởng, mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư lớn hơn trong điều kiện kinh doanh ở chính đất nước này nữa.

Và các nhân tố khách quan

Một số nguyên nhân cản trở việc hình thành tầm nhìn và động cơ dài hạn đến từ bản thân các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là lỗi không hoàn toàn từ phía doanh nghiệp. Có thể thấy các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm môi trường kinh doanh và các yếu tố thể chế đã góp phần cản trở chính tầm nhìn và tham vọng đầu tư dài hạn của họ - ít nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại sao? Có thể tìm câu trả lời từ một số hoàn cảnh và nhận định sau:

Môi trường sống ngày càng xấu, những lo toan và lo lắng cho cuộc sống tương lai của thế hệ sau khiến nhiều người không an tâm đầu tư lâu dài vào cơ nghiệp ở Việt Nam. Cứ khá lên là tìm đường đầu tư và ra nước ngoài sinh sống.

Môi trường pháp lý hay thay đổi và được diễn dịch khá “chủ quan”, cùng với một hệ thống tư pháp đây đó vẫn còn nhiều bất cập góp phần “nuôi dưỡng” văn hóa mạnh được yếu thua, nhờ cậy quan hệ và tham nhũng của các bên khi có tranh chấp. Các doanh nghiệp nhận thấy nếu có thắng trong các tranh chấp cũng không biết khi nào đến lượt họ là nạn nhân của chuyện tiền tệ - quan hệ, cá lớn nuốt cá bé. Đến một lúc nào đó, sự rời bỏ thị trường và ra đi của họ là tất yếu.

Tầm nhìn dài hạn, nếu có, của các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị triệt tiêu bởi cạnh tranh không công bằng hay độc quyền, bởi những tập đoàn lớn hình thành từ các liên kết tiền bạc và quyền lực. Các tập đoàn lớn hình thành trên cơ sở này sẽ như một mối đe dọa cho sự tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không là nền tảng để từ đó các doanh nghiệp này cùng tồn tại và phát triển. Đó là cái giá phải trả của nền kinh tế khi sự tồn tại của các tập đoàn lớn và siêu lớn được hình thành trên cơ sở đặc quyền đặc lợi trong hoàn cảnh thể chế còn thiếu minh bạch.

Cùng với sự hình thành của các tập đoàn lớn dựa trên thâu tóm bất động sản, ở một mặt khác, thị trường bất động sản không được quản lý minh bạch, tuy bấp bênh nhưng có thể trở thành phao cứu sinh trong tính toán của doanh nghiệp. Điều này tai hại ở chỗ nó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc xao nhãng hoạt động sản xuất kinh doanh chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hay nói cách khác, thị trường bất động sản ngoài việc có thể làm cho một số giàu lên và số khác bần cùng, hệ lụy của nó có thể là tác động tiêu cực đến kinh tế doanh nghiệp, vốn là nền tảng của việc phát triển quốc gia.

Tầm nhìn của nhà nước: bệ đỡ cho tầm nhìn doanh nghiệp

Để giải quyết các vấn đề trên, Nhà nước cần mạnh mẽ có các chính sách thể hiện một tầm nhìn của mình. Cụ thể, Nhà nước cần hướng tới xây dựng nền quản trị công trên các nền tảng minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm; chuyển dịch văn hóa, tập quán kinh doanh dựa trên pháp luật thay vì dựa trên quan hệ; xây dựng hệ thống thông tin thị trường minh bạch, công khai và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Nhà nước cần xây dựng cho bằng được một hệ thống tư pháp, tòa án “miễn nhiễm” với sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Đoạn tuyệt với việc quấy rầy, sách nhiễu khi doanh nghiệp ăn nên làm ra.

Các chiến lược trên sẽ giúp Nhà nước tạo niềm tin và củng cố động cơ dài hạn cho doanh nghiệp. Khi đó khởi nghiệp kinh doanh mới thật sự là sự khởi động cho một nền kinh tế phát triển bền vững. Nếu không, khởi nghiệp gần như chỉ là chuyện đối phó để tranh giành những cơ hội ngắn hạn trong vô vàn bất an.

An cư thì lạc nghiệp. Người dân và doanh nghiệp không an tâm sẽ chỉ đầu cơ ngắn hạn, không (muốn) có động cơ phát triển lâu dài, không (thể) có tầm nhìn dài hạn, đất nước sẽ khó phát triển bền vững. Vì vậy, an dân là trách nhiệm của một nhà nước. Thất bại trong việc an dân là thất bại của các chính sách quản trị công.

(*) Khoa Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM

Lê Vĩnh Triển (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298968/an-dan--khoi-nghiep-tam-nhin-tu-doanh-nghiep-va-nha-nuoc-.html