Ấn Độ biên chế tên lửa Agni-V trong năm nay
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V do Ấn Độ sản xuất nhiều khả năng sẽ chính thức trực chiến trong quân đội nước này vào năm nay.
Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, lần thử gần đây nhất của tên lửa Agni-V vào đầu tháng 12-2018 đã thành công. New Delhi dự tính chỉ cần một vài lần thử nghiệm nữa là có đủ cơ sở để đưa khí tài này vào biên chế.
Sau khi được sản xuất hàng loạt, tên lửa sẽ phục vụ trong Bộ tư lệnh Các lực lượng Chiến lược - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Ấn Độ.
Tên lửa Agni-V, do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) chế tạo, nặng khoảng 50 tấn, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng khoảng 1,5 tấn. Hành trình bay của tên lửa với tầm bắn từ 5.000-5.800km (con số chính xác vẫn được giữ kín), sử dụng nhiên liệu rắn.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng từng công khai phát triển đầu đạn hồi quyển phân hướng độc lập tấn công mục tiêu (MIRV) nhằm gia tăng khả năng sống sót của tên lửa Agni-V trước các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Giáo sư Swaran Singh đến từ Trường Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho biết, tên lửa Agni-V là một vũ khí chiến lược và là một phần của khả năng răn đe hạt nhân của quốc gia Nam Á.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore nhận định, việc Ấn Độ phát triển tên lửa Agni-V ngoài mục đích quân sự còn nhằm giúp nước này “tăng uy tín” trên con đường trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện tại, cả năm thành viên thường trực của cơ quan này đều là các cường quốc hạt nhân, gồm: Trung Quốc, Anh, Mỹ, Nga và Pháp.
Quân đội Ấn Độ hiện khai thác tên lửa Agni-I với tầm bắn khoảng 700km, tên lửa Agni-II, Agni-III và Agni-IV có tầm bắn từ 1.850km tới 3.500km. Tên lửa Agni-V và Agni-VI có tầm bắn 10.000km có khả năng phóng từ tàu ngầm hiện đang được phát triển.
PHẠM HUY(theo Army Recognition)