Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm chính sách khu vực của Mỹ

Nikkei Asia, Financial Review và CNBC ngày 7/7 đã đưa tin về chính sách châu Á của chính quyền Joe Biden, được thể hiện trong phát biểu của ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại tọa đàm trực tuyến do Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) tổ chức ngày 5/7.

Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AFP)

Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AFP)

Cam kết mạnh mẽ với Đông Nam Á

Về chính sách với Đông Nam Á, chính quyền Biden sẽ “đẩy mạnh một cách cơ bản” chính sách đối ngoại với Đông Nam Á, cho rằng cam kết đối với khu vực là chìa khóa của thành công của chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi thừa nhận rằng để có một chiến lược châu Á thật sự hiệu quả, một cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả, cần phải làm nhiều hơn nữa cho Đông Nam Á”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell cho rằng việc hoãn Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hằng năm thu hút các quan chức quốc phòng, ngoại giao cấp cao thế giới, đã ảnh hưởng tới hoạt động đối ngoại ở Đông Nam Á.

Ông cho biết Mỹ sẽ cam kết với Đông Nam Á, như một phần quan trọng trong chính sách đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách bền vững thông qua viện trợ vaccine và các tài trợ mới xây dựng cơ sở hạ tầng.

Về vaccine, “chúng tôi đã thực hiện các chương trình vaccine của riêng mình, đồng thời cũng đang hợp tác với Bộ Tứ (Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia). Chúng tôi cam kết sâu sắc để đảm bảo rằng sẽ cung cấp vaccine cho Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong năm 2022. Chúng tôi nghĩ rằng đây là đóng góp quan trọng nhất mà chúng tôi có thể thực hiện trong một thời gian ngắn tới".

Về cơ sở hạ tầng, ông Campbell cho biết: "Chúng tôi đang xem xét cẩn thận về việc áp dụng các thành tố trong cam kết Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) được đưa ra ở châu Âu tháng trước".

B3W là sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông qua tại Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh hồi giữa tháng 6 vừa qua.

Vị quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết sáng kiến này sẽ bao gồm cả việc tranh thủ những thỏa thuận tài chính mới cho cơ sở hạ tầng của Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế của Mỹ (IDFC).

“Các bạn sẽ biết về cam kết này vào cuối năm nay khi Tổng thống Joe Biden đón tiếp lãnh đạo các nước Bộ Tứ tại Washington, sẽ thấy một số cam kết mang tính quyết định về việc tiếp tục triển khai ngoại giao vắc-xin và cả phát triển cơ sở hạ tầng”.

Ông Campbell cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc không nên được nhìn nhận như một “cuộc chiến tranh lạnh mới”. (Nguồn: Urdupoint)

Ông Campbell cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc không nên được nhìn nhận như một “cuộc chiến tranh lạnh mới”. (Nguồn: Urdupoint)

Mỹ-Trung cùng tồn tại hòa bình

Mỹ và Trung Quốc có thể cùng tồn tại hòa bình và theo ông Campbell, mối quan hệ này không nên được nhìn nhận như một “cuộc chiến tranh lạnh mới”.

Vị quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh rằng trong quan hệ Mỹ-Trung “sẽ có những giai đoạn không chắc chắn, thậm chí có thể là những khoảng thời gian đôi khi gia tăng căng thẳng” và “thử thách này sẽ là cực kỳ khó khăn cho thế hệ này và thế hệ tiếp theo”.

Khi được hỏi về khả năng cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tới, ông Campbell trả lời: "Kỳ vọng là chúng tôi sẽ có các cam kết mà không để thời gian quá kéo dài".

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã duy trì lập trường cứng rắn của chính quyền Trump tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” đối với Mỹ.

Về thách thức của Trung Quốc, ông Kurt Campbell cho rằng đó là “một nước Trung Quốc cứng rắn, quyết tâm muốn đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế, có quan điểm không thiện cảm với Mỹ và muốn thật sự định hình lại hệ thống điều hành của châu Á".

Để đối phó với thách thức này, chính quyền Biden đã đưa châu Á trở thành trung tâm của chính sách khu vực.

Mỹ đang "âm thầm khám phá" các sáng kiến thương mại ở châu Á và “lần đầu tiên trong lịch sử của Mỹ, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm trong chính sách khu vực của chúng tôi”.

"Các bạn sẽ nhìn thấy sự chuyển động này từ Trung Đông” và “một số thách thức thật sự tại những nơi như Afghanistan, nhưng một sự tập trung to lớn hơn sẽ hướng vào Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương".

Ông Kurt Campbell cho biết mặc dù có sự tiếp nối một số khía cạnh trong chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng có một sự khác biệt rõ rệt là chính quyền Biden coi trọng cam kết và hợp tác với các đồng minh.

Việc chính quyền Biden thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD cũng có thể được sử dụng để đầu tư cho khu vực Thái Bình Dương chứ không chỉ cho nền kinh tế nội địa của Mỹ.

Nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng “là nỗ lực của cả hai đảng trong Quốc hội, thành tựu này không chỉ gửi một thông điệp ở trong nước mà có thể cả ra nước ngoài”.

Không ủng hộ Đài Loan độc lập

Về vấn đề Đài Loan, ông Campbell tái khẳng định rằng chính quyền Biden không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, phù hợp với “Chính sách một nước Trung Quốc” và không có ý định thay đổi hiện trạng.

"Mỹ ủng hộ quan hệ không chính thức mạnh mẽ với Đài Loan. Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập", ông Campbell nói.

"Chúng tôi nhận thức đầy đủ và hiểu rõ các vấn đề nhạy cảm liên quan tới Đài Loan", "tin rằng Đài Loan có quyền được sống trong hòa bình”, “chúng tôi muốn thấy vai trò quốc tế của Đài Loan, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vắc xin và liên quan đến đại dịch Covid-19, Đài Loan nên được có vai trò trong các lĩnh vực này, không nên bị xa lánh trong cộng đồng quốc tế".

Về quan hệ với Australia, Mỹ sẽ tăng cường sự ủng hộ của mình đối với các đồng minh và sự hiện diện trong khu vực, không “bỏ rơi” Australia trong bảo vệ các lợi ích của mình trong tranh chấp với Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng Mỹ, Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và các quan chức khác cố gắng làm rõ sẽ không bỏ rơi Australia trong lĩnh vực này. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra”.

“Điều chúng tôi thấy trong 8 đến 8 tháng qua là mối quan hệ ngày càng sâu sắc và tăng cường giữa Canberra và Washington”.

Mặc dù Australia và Mỹ không hoàn toàn nhất trí trong một số vấn đề nhưng đều "đồng thuận lớn về mục đích chung liên quan đến một số thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như về các cơ hội”.

(theo Petro Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-duong-thai-binh-duong-se-la-trong-tam-chinh-sach-khu-vuc-cua-my-150674.html