Ấn Độ: Rối ren xung đột sắc tộc ở Manipur
Zuan Vaiphei không phải là một người lính chuyên nghiệp. Cách đây hai tháng anh còn đứng trước bục giảng dạy cho lũ trẻ những bài học về kinh tế. Vậy nhưng bây giờ Vaiphei dành cả ngày đứng sau bao cát trong một cái công sự đào qua loa. Vaiphei được giao nhiệm vụ canh chừng mảnh đất trước làng Kangvai, bang Manipur, miền Bắc Ấn Độ.
Chỉ cách Vaiphei chừng 900m là kẻ thù của anh cũng đang đứng dưới công sự. Người thầy giáo 32 tuổi tâm sự: “Bây giờ điều duy nhất tôi nghĩ tới là lúc nào kẻ thù sẽ tràn lên. Lúc đó thì chúng tôi chỉ có mấy cây súng để tự bảo vệ mình”.
Zuan Vaiphei chỉ là một trong số hàng nghìn lính dân quân đang tham gia vào cuộc chiến sắc tộc tại bang Manipur. Mối thù hằn giữa hai tộc người Meitei và Kuki đã châm ngòi cho những cuộc đụng độ vũ trang và thảm sát ghê rợn. Cuộc chiến đến nay đã kéo dài hơn hai tháng, nhưng mặc cho sự can thiệp của quân đội Ấn Độ, nó vẫn chưa hề có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.
Ngọn lửa chiến tranh
Trong số 3,5 triệu nhân khẩu ở bang Manipur thì khoảng hơn 50% là người Meitei theo đạo Hindu. Kể từ thời cổ đại đến nay, người Meitei luôn nắm giữ quyền lực ở mảnh đất này. Thống đốc bang đương nhiệm Nongthombam Biren Singh là người Meitei và thành viên đảng BJP của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đại đa số người Metei sống trong khu vực thung lũng trù phú quanh thủ phủ bang Manipur là Imphal.
Cộng đồng lớn thứ hai tại Manipur là tộc người Kuki theo đạo Công giáo và sống ở trên đồi. Người Kuki được chính phủ Ấn Độ xếp vào nhóm dân tộc thiểu số, được hưởng một số đặc quyền về giáo dục và nghề nghiệp, đặc biệt là quy định ưu tiên phân bổ cho người Kuki một số suất làm việc trong bộ máy hành chính. Người Metei từ lâu đã muốn cũng được xếp vào nhóm dân tộc thiểu số để hưởng các đặc quyền trên, từ đó khiến họ và người Kuki xảy ra mâu thuẫn.
Vào ngày 3/5 qua, cộng đồng người Kuki và Naga (dân tộc đông thứ ba ở Manipur) tổ chức một cuộc tuần hành phản đối quyết định của tòa án bang cho phép người Meitei đệ đơn lên chính phủ yêu cầu được xếp vào nhóm dân tộc thiểu số. Cuộc tuần hành kết thúc được vài tiếng thì có một số đối tượng người Meitei đi châm lửa thiêu rụi cây cổng kỷ niệm cuộc chiến Kuki-Anh quốc ở quận Churachandpur. Hành vi trên ngay lập tức “châm ngòi” cho xung đột giữa các nhóm dân quân người Kuki và Metei.
Theo số liệu từ Chính phủ Ấn Độ, ít nhất 170 người đã thiệt mạng vì xung đội Metei-Kuki, và 60.000 người khác trở thành dân tị nạn. Không ít ngôi làng ở Manipuar đã bị thiêu rụi hoặc trở thành “làng ma” sau những cuộc cướp bóc, đốt phá, thảm sát. Không gì xa, ngay vào ngày 2/7 vừa qua lại có một vụ hành hình công khai tại làng Langza gần Imphal. Một nhân chứng kể lại: “Có 5 người lạ mặt ăn mặc như lính đặc công đi vào làng rồi nổ súng. Tôi bèn chạy lên đồi tìm chỗ chốn, nhưng chúng đuổi kịp tôi. Chúng đưa tôi ra bãi đất giữa làng để chặt đầu. May là người nhà tôi đem chứng minh thư ghi rằng tôi là người Kom (một dân tộc thiểu số khác) thì những kẻ kia mới thả tôi ra. Anh David Thiek hàng xóm là người Kuki bị chúng chặt đầu. Sau đó chúng còn đem đầu anh Thiek treo lên trước cổng làng, còn xác anh thì bị chúng ném vào lửa”.
Mọi ngôi nhà trong làng Langza đã bị thiêu rụi, trong đó có cả nhà thờ hơn trăm tuổi. Cảnh tượng này đang lặp đi lặp lại trên khắp bang Manipur. Đa số người Kuki đã phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn ở trên đồi hay ra khỏi bang. Một số ở lại thì lập thành các nhóm dân quân rồi “đáp trả” người Meitei bằng khủng bố. Bà Lilapati Devi (người Meitei) kể lại về cái chết của chồng: “Nhà tôi từng đi lính cho chính phủ nên mới bị bọn Kuki bắt cóc. Anh ấy bị bắt đi lúc chập tối, đến tối muộn mới tìm thấy xác. Nhà tôi bị đánh hội đồng đến chết”. Mộ của chồng bà Devi đã được quây rào lại và chăng một tấm bạt in hình người chết cùng dòng khẩu hiệu: “Nợ máu phải trả bằng máu”.
Không chỉ mỗi người Metei và Kuki mới trở thành nạn nhân của bạo lực. Ông Pitrubi Bibi thuộc về dân tộc Meitei Pangal theo đạo Hồi. Người Meitei Pangal có quan hệ tốt với cả người Kuki và người Metei. Vậy nhưng con trai ông Bibi cũng suýt nữa bị đánh chết. Ông Bibi kể: “Bởi vì con dâu của tôi là người Meitei nên tôi mới nhường nhà rồi lập lán trại cho hơn 100 người họ hàng của con bé ở tạm. Con trai tôi làm ở phòng nông nghiệp bang. Sếp của nó là người Kuki. Một ngày nọ ông sếp nhờ con trai tôi lái hộ xe hơi của ông ấy. Thế là một nhóm người Metei bèn chặn xe lại rồi lôi thằng bé ra đánh. Nó nói mình không phải người Kuki, còn giúp người Metei đi lánh nạn nữa nhưng đám người kia vẫn không tha. May là có người qua đường đưa kịp nó đến bệnh viện.”
Cả phía Meitei và Kuki đều cáo buộc người Meitei Pangal đang hỗ trợ kẻ thù của họ. Các cộng đồng Metei Pangal đang hằng ngày sống trong sợ hãi. Bây giờ người nào còn trụ lại nơi ở cũng treo một tấm biển trước nhà ghi rằng mình là người Metei Pangal.
Giữa tháng 5 vừa qua, nhà của Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Rajkumar Ranjan Singh ở Imphal đã bị một đám đông thiêu rụi. Ông Singh là người Metei và thành viên cấp cao trong đảng BJP. Vào thời điểm vụ việc xảy ra, gia đình của ông này đang sống ở New Delhi nên không có thiệt mạng xảy ra. Sự cố tuy vậy là bằng chứng cho thấy sự tức giận của người dân Manipur trước sự bất lực của chính quyền.
Bà Neinu, một trong các lãnh đạo của Hội phụ nữ Kuki, trả lời phóng viên hãng tin AP: “Chính quyền bang đang tấn công người Kuki. Trước đây họ dùng quyền lực chính trị để tước quyền lợi, để lấy đi phần ngân sách chính phủ phân bổ cho chúng tôi. Bây giờ thì họ dùng súng, dùng mã tấu để giết người Kuki. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng để tự bảo vệ mình. Người Kuki chỉ có súng săn nhưng cũng sẵn sàng chết để bảo vệ gia đình”.
Nhà nghiên cứu quân sự Ấn Độ Sushant Singh phân tích: “Tình hình ở Manipur lúc này mới chỉ là trên bờ vực chiến tranh chứ chưa hẳn là nội chiến. Nếu chiến tranh thực sự nổ ra thì chúng ta sẽ thấy những hành động bạo lực còn đẫm máu hơn nữa. Đây là cơ hội cuối cùng để New Dehli tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này”.
Chính quyền bất lực
Chính phủ của ông Modi đã ra lệnh kiểm soát chặt các cơ quan truyền thông đưa tin về cuộc xung đội ở Manipur vì lý do “tránh phát tán tin giả”. Vì vậy mà để người ngoài Manipur tìm kiếm thông tin về tình hình chiến sự hiện tại là rất khó. Vấn đề thứ hai là lệnh kiểm duyệt tạo ra một “lỗ hổng thông tin” để các thế lực chính trị lợi dụng. Tất cả các tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình ở Manipur đều do người Metei làm chủ. Không khó hiểu khi những cơ quan này đều đưa tin có phần thiên vị người Metei, trong đó có việc che giấu các tội ác do dân quân Metei gây ra.
Vào ngày 21/6 qua, chín chính trị gia người Metei, đa số là thành viên đảng BJP, đã ký chung vào một bức thư gửi đến Thủ tướng Narendra Modi để yêu cầu New Dehli phái quân đội đến bang Manipur nhằm tái lập lại trật tự. Bức thư bị rút lại vào ngày hôm sau mà không rõ vì lý do gì, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng Thống đốc Biren Singh gây áp lực lên các nhà lập pháp nhằm “giữ thể diện” cho mình. Kể từ khi xung đột nổ ra, vị thống đốc liên tục ra tuyên bố rằng ông và chính quyền đang làm mọi thứ để bảo vệ tính mạng người dân. Tuy vậy cho đến nay hoạt động của cảnh sát Manipur vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi Imphal. Quyền kiểm soát những khu vực ngoài thành phố nằm trong tay các nhóm dân quân.
Về phần chính phủ Ấn Độ, có vẻ như vẫn chưa có động thái đáng kể nào nhằm kết thúc giao tranh ở Manipur. Tòa án tối cao Ấn Độ mới đây ra tuyên bố rằng họ “không thể sử dụng luật pháp để chấm dứt xung đội ở Manipur” do “tòa án không có thẩm quyền duy trì an ninh tại cấp bang”. Giáo sư Sujatha Surepally tại đại học Satavahana bình luận trên sóng truyền hình: “Đằng sau tuyên bố của tòa án tối cao là các tính toán chính trị. Từ nay đến giữa năm 2024 sẽ có nhiều cuộc bầu cử chính quyền các cấp địa phương. Chính phủ của ông Modi đang chịu áp lực từ phía các thành viên đảng BJP người Metei nhằm đứng về phía họ. Nhưng New Dehli không thể đứng hẳn về một phía trong cuộc xung đội vì làm thế sẽ khiến những sắc tộc khác đặt câu hỏi về sự bình đẳng quyền lực trong nội bộ BJP. Điều cuối cùng BJP muốn làm là khiến liên minh cử tri của họ tan rã vì tỏ ra thiên vị”.
Với người dân Manipur, họ đã quá mệt mỏi với bạo lực. Anh Mabam Premjit Singh, dân quân người Metei, nói với phóng viên hãng tin Al Jazeera: “Ngoài nhà tôi thì trong làng còn có 11 nhà nữa bị người Kuki châm lửa đốt. Nhưng tôi sẵn sàng buông súng nếu như họ ngừng bắn vào chúng tôi. Hằng ngày họ đứng trong lô cốt bắn vào công sự của chúng tôi. Tôi thấy mệt lắm rồi. Tôi chỉ muốn ngừng bắn để xây lại nhà và ra đồng”.
Ở phía bên kia chiến tuyến là anh John Haokip, dân quân người Kwakta: “Nếu chúng tôi không ở đây thì người Metei sẽ vào làng đốt hết. Chúng tôi chẳng còn gì nữa ngoài cái làng này. Chẳng ai muốn chết vì bom đạn cả, nhưng chúng tôi còn nơi nào để chạy đến nữa?”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/an-do-roi-ren-xung-dot-sac-toc-o-manipur-i701281/