Ấn Độ sắp thu phí đường bộ qua định vị vệ tinh

Hệ thống thu phí qua định vị vệ tinh do Ấn Độ phát triển sẽ cho phép loại bỏ trạm thu phí vật lý, từ đó tăng cường trải nghiệm lái xe trên đường.

Hệ thống thu phí do Ấn Độ tự phát triển

Tháng 9 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi quy định về thu phí đường bộ nhằm tạo hành lang pháp lý cho phép triển khai dự án thu phí bằng hệ thống GNSS-OBU.

Đây là hệ thống thu phí đường bộ thông qua hệ thống định vị toàn cầu (GNSS), kết hợp với thiết bị lắp đặt sẵn trên phương tiện giao thông (OBU), sử dụng định vị vệ tinh NavIC do nước này tự phát triển.

Hệ thống thu phí qua định vị vệ tinh sẽ được triển khai trên các tuyến đường ở Ấn Độ với lộ trình kéo dài đến năm 2027. (Ảnh: MagicBricks)

Hệ thống thu phí qua định vị vệ tinh sẽ được triển khai trên các tuyến đường ở Ấn Độ với lộ trình kéo dài đến năm 2027. (Ảnh: MagicBricks)

Theo đó, vệ tinh sẽ theo dõi chính xác chuyển động của xe cộ, qua đó tính toán khoản phí tài xế phải trả dựa trên quãng đường di chuyển. Phương tiện không phải dừng lại tại trạm thu phí để trả tiền.

Mỗi ô tô đều phải trang bị một thiết bị GNSS-OBU cố định trên xe. Thiết bị này sẽ gửi khoảng cách và thời gian di chuyển, cũng như thông tin đăng ký xe, tài khoản thu phí điện tử FASTag của chủ xe đến hệ thống tín hiệu lắp đặt dọc tuyến đường.

Khi xe có gắn thiết bị GNSS-OBU di chuyển trên đường, hệ thống sẽ tự động trừ phí trên tài khoản FASTag. Chủ xe cũng sẽ nhận được tin nhắn SMS thông tin chi tiết về khoản phí chi trả.

Việc lắp đặt thiết bị OBU sẽ được cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra tại thời điểm đăng ký phương tiện và định kỳ kiểm tra an toàn kỹ thuật.

Nếu được triển khai trên toàn bộ các tuyến đường quốc lộ, cao tốc, hệ thống thu phí GNSS-OBU sẽ không cần trạm thu phí vật lý, vốn bắt buộc tài xế phải dừng xe để trả tiền, từ đó mang đến trải nghiệm tốt hơn trong quá trình di chuyển trên đường, tăng cường hiệu quả lưu thông.

Theo ước tính, hệ thống thu phí mới đảm bảo minh bạch trong công tác thu phí cầu đường, giảm nguy cơ ùn tắc, giảm tổn thất về nhiên liệu và hiệu suất, từ đó tiết kiệm khoảng 200 tỷ rupee (khoảng 63.000 tỷ đồng) mỗi năm.

Mất ít nhất 2 năm để triển khai

Cơ quan Đường bộ Quốc gia Ấn Độ đặt mục tiêu triển khai thu phí qua định vị vệ tinh trên toàn bộ mạng lưới đường bộ quốc gia trong 2 năm tới.

Công nghệ thu phí qua định vị vệ tinh GNSS-OBU sẽ giúp loại bỏ trạm thu phí vật lý, vốn bắt buộc tài xế phải dừng xe để trả tiền. (Ảnh: Cơ quan Đường bộ Quốc gia Ấn Độ)

Công nghệ thu phí qua định vị vệ tinh GNSS-OBU sẽ giúp loại bỏ trạm thu phí vật lý, vốn bắt buộc tài xế phải dừng xe để trả tiền. (Ảnh: Cơ quan Đường bộ Quốc gia Ấn Độ)

Trong giai đoạn đầu, những trạm thu phí hiện tại sẽ triển khai một số làn đường riêng thu phí bằng công nghệ GNSS-OBU. Ở đó, cổng barrier luôn mở để cho phép phương tiện trang bị GNSS-OBUs có thể chạy qua mà không phải dừng lại.

Cũng theo giới chức Ấn độ, trước mắt sẽ triển khai thu phí GNSS-OBU đối với xe tải và xe buýt bởi những phương tiện này đã lắp đặt sẵn thiết bị theo dõi vị trí (VLT) và không ảnh hưởng đến vấn đề riêng tư cá nhân.

Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục áp dụng trên phương tiện vận tải thương mại khác. Giai đoạn cuối cùng sẽ được triển khai vào năm 2026-2027, thu phí bằng công nghệ mới đối với phương tiện cá nhân.

Cơ quan chức năng cũng có chính sách miễn thu phí đối với phương tiện di chuyển dưới 20km/ngày nhằm hỗ trợ việc đi lại cho người dân địa phương tại các tuyến đường có thu phí.

Dự kiến đến tháng 6/2025, hệ thống thu phí GNSS-OBU sẽ được áp dụng trên 2.000km đường bộ. Đến tháng 9/2026, thu phí GNSS-OBU trên 25.000km và sẽ thu phí trên 50.000km đường vào năm 2027.

Cơ quan Đường bộ Quốc gia Ấn Độ sẽ mở đấu thầu hệ thống thu phí vệ tinh GNSS-OBU trong tháng 11, mục tiêu vận hành đoạn tuyến thu phí công nghệ mới đầu tiên trước tháng 6/2025.

Đến nay, một số tập đoàn công nghệ lớn của Ấn Độ và thế giới như TCS, Infosys, Accenture, RailTel, TCIL, Sky Toll, Kapsch, BEMobile và Movyon, đã bày tỏ quan tâm và nộp đơn tham gia phát triển hệ thống thu phí dựa trên GNSS.

Ấn Độ sở hữu mạng lưới đường bộ quốc gia khoảng 140.000km, trong đó áp dụng thu phí trên 45.000km đường giao thông.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/an-do-sap-thu-phi-duong-bo-qua-dinh-vi-ve-tinh-192241026190905068.htm