An Giang đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

Để bảo đảm tiến độ các công trình trọng điểm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường và giải phóng mặt bằng để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công trình giao thông trọng điểm

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra công trình giao thông trọng điểm

Theo Sở Giao thông vận tải, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông giai đoạn trung hạn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2021 - 2025. Trong lĩnh vực giao thông, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn, đầu tư nâng cấp 34 dự án; đã thẩm định, phê duyệt các dự án, với tổng kinh phí đầu tư, hơn 24.300 tỷ đồng, trong đó có 9 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, với chiều dài 190km, mở mới 3 tuyến (Tuyến tránh Long xuyên, Tuyến N1, Tuyến cao tốc thuộc dự án thành phần 1 cao tốc Châu đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), có chiều dài gần 100km, nâng cấp 16 tuyến đường huyện và các cầu trên tuyến.

Trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh và hạn chế nguồn cung vật liệu (cát, đá), do các mỏ khai thác vật liệu trên địa bàn tỉnh bị tạm ngưng khai thác và khó khăn do vướng mặt bằng. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, 9 tháng của năm 2024, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành thông xe, đưa vào sử dụng 4 công trình giao thông trọng điểm được đầu tư trên địa bàn tỉnh, gồm: Tuyến tránh TP. Long xuyên, cầu Châu Đốc (Tuyến N1), Đường tỉnh 943, Đường tỉnh 958.

Đến nay, trong tổng số dự án được UBND tỉnh phê duyệt, đã có 15 dự án được triển khai thực hiện đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại phần lớn đã được đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khởi công xây lắp. Trong đó có Dự án thành phần 1, thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Dự án qua địa bàn tỉnh dài 57km, được chia làm 4 gói thầu xây lắp, đến nay đã triển khai lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công 4/4 gói thầu. Do có sự linh hoạt trong triển khai thực hiện (thực hiện trước các công trình cầu trên tuyến, các công trình này không phụ thuộc nguồn vật liệu cát) nên tiến độ tổng thể của dự án cơ bản đạt tiến độ. Đến nay, tiến độ chung của dự án đạt gần 30% vượt khoảng 0,52% so kế hoạch…

Ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, các công trình, dự án hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua; tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp… nhất là phá thế “độc đạo” ở các địa phương. Dù tăng trưởng GRDP 9 tháng ước tăng 6,80% (cao hơn kỳ năm trước 6,41%), nhưng chưa đạt theo kịch bản đề ra 7,41% để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 7,5% - 8,5%. Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận An Giang và các công trình trọng điểm của tỉnh, như: Xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; nhà hát; sân vận động tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi An Giang (Khối Nhi 200 giường)... Quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, các chủ đầu tư phải chủ động nguồn cát thực hiện công trình để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Đối với các dự án mới, cần phải tính toán rõ nguồn cát thi công. Các chủ đầu tư tập trung rà soát các dự án, thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; làm việc với nhà thầu thi công phải chủ động tìm kiếm nguồn cung vật liệu cho công trình. Về tiến độ giải ngân vốn, các địa phương phải thực hiện đúng quy hoạch được phê duyệt nhằm hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch...

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ từng ngành, từng địa phương; phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm, đảm bảo nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án… Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ nguồn nguyên, vật liệu và tháo gỡ các khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm của tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào khai thác sử dụng...

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến cuối năm 2024 và định hướng thời gian tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đảm bảo đạt, vượt kế hoạch đề ra và các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang triển khai để đẩy nhanh tiến độ. Quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-day-nhanh-tien-do-cac-cong-trinh-trong-diem-a407503.html