An Giang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp, UBND tỉnh An Giang vừa có buổi làm việc với 40 chủ đầu tư cùng lãnh đạo các sở, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho những tháng còn lại của năm 2022.
Nhiều ý kiến phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp như hiện nay, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn cả nước nói chung, An Giang nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi một khi nhà nước đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, đi kèm với đó, ngoài giải quyết được một số lượng lớn công nhân xây dựng, thợ cơ khí, lực lượng kỹ sư, thiết kế có việc làm thì việc tiêu thụ các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể, góp phần tạo đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu như hiện nay, kích cầu đầu tư được sử dụng như đòn bẩy để phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Vì vậy, khi việc giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp so kế hoạch, chương trình sẽ không đạt kỳ vọng mà UBND tỉnh đã đề ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/5/2022 đạt gần 946,89/6.430,36 tỷ đồng, đạt 14,73% so tổng kế hoạch vốn được giao, trong đó vốn của năm 2021 chuyển sang năm 2022 theo Quyết định 756/QĐ-UBND, ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh là gần 1.162,8 tỷ đồng. Vốn được phê duyệt của năm 2022 là gần 5.267,56 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương hơn 1.768 tỷ đồng, còn lại là vốn tỉnh.
Phân tích nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm so với tiến độ đề ra, các chủ đầu tư cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình bị giải ngân chậm là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, phê duyệt thầu, xem xét năng lực nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư...
Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên một số dự án tại các địa phương chậm hoàn thành trong việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hoặc điều chỉnh dự án, như: Dự án đầu tư tăng cường trang thiết bị Trung tâm Công nghệ sinh học, Dự án xây dựng mới Khoa Xét nghiệm và Khoa Giải phẫu bệnh lý (Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh), Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Châu Thành, Dự án mở rộng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tân Trung…
Trong các dự án có sử dụng vốn từ ngân sách tỉnh, đến thời điểm này vẫn còn 17 dự án chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, như: Dự án đường số 8 và 15 thuộc Khu quy hoạch Bắc Hà Hoàng Hổ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Bình Long, trụ sở UBND xã Mỹ Phú…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm 2022. Đồng thời đề nghị, các địa phương, ban, ngành phải xem việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến cuối năm, vì vậy, cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Trên cơ sở đó, tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công.
Nghiêm túc thực hiện các nội dung mà chủ đầu tư đã cam kết với đoàn kiểm tra công trình trong năm 2022, nếu có vướng mắc ở khâu nào, các chủ đầu tư liên hệ trực tiếp với một trong 4 tổ công tác để kịp thời tháo gỡ. Các chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, cần khẩn trương thực hiện, hoàn thành đấu thầu và giao thầu trong tháng 6/2022.
Các sở, ngành phải tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư, khi hồ sơ đến bộ phận, sở nào thì nhanh chóng giải quyết. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán, Sở Tài chính phối hợp Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, cập nhật giá vật liệu xây dựng, đảm bảo giá vật liệu xây dựng khi công bố phù hợp giá thực tế của thị trường. Trong tháng 6/2022, các công trình giải ngân chậm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo công bố lên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các chủ đầu tư rút kinh nghiệm…
Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022 sẽ đạt kế hoạch đề ra.